Xét về độ giàu có, làng Đồng Kỵ quả thực đúng là một làng tỉ phú bậc nhất của đồng bằng Bắc Bộ. Hầu hết những gia đình mở Công ty, hay hợp tác làm đồ gỗ đều có tiền tỉ trong nhà.
"Đặc sản" đồ gỗ giả cổ
Trước đây, ngôi làng Đồng Kỵ ở đất Kinh Bắc vốn có tên là làng Cời nổi tiếng với nghề mộc, thuộc xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn nay là một phường thuộc thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh).
Thuở ấy, dân làng Cời đói kém, phải chạy ăn từng bữa, đất làm ruộng ít, làm nông nghiệp nếu mưa thuận gió hòa cũng chỉ đủ ăn, còn lỡ phải năm mùa màng thất bát thì cơm chẳng có mà ăn. Để nuôi sống một gia đình là một điều cực kì chật vật. Thấy không thể sống nếu chỉ trông chờ vài ba sào ruộng, sẵn có nghề mộc truyền thống, những người đàn ông trong làng đã bảo nhau dựa vào nghề của ông cha để lại làm kế sinh nhai.
Đồ gỗ giả cổ là "đặc sản" của làng Đồng Kỵ.
Cần cù làm lụng, những người dân làng Cời cũng được đền đáp xứng đáng, từ khoảng sau 1975 khi họ nam tiến, thấy nhu cầu về đồ gỗ cổ của người dân ở đây rất lớn nên người dân đã bảo nhau thu gom, mua lại đồ gỗ cổ ở các nơi rồi chở vào bán.
Tuy nhiên, bán nhiều cũng đến lúc phải hết, người Đồng Kỵ với tay nghề mộc khéo léo vốn có đã nghĩ ra cách làm đồ gỗ giả cổ y như thật. Kết quả ngoài sự mong đợi, những người khách hàng khi thấy sản phẩm do bàn tay người Đồng Kỵ làm ra thật quá khéo léo ai nấy cũng đều ưng ý và trả với giá cao. Bắt đầu từ đó, nghề mộc của làng Đồng Kỵ bước vào một thời đại “hoàng kim” phát triển rực rỡ.
Nhan nhản tỉ phú, giám đốc
Đến hiện tại, nhìn ngôi làng Cời xưa đã thay da đổi thịt đến ngỡ ngàng. Khó có thể tìm thấy được những nét xưa cũ của một ngôi làng cổ nằm soi mình xuống dòng Ngũ Huyện Khê thơ mộng ngày nào.
Các dãy nhà tầng cao chót vót nối nhau san sát như những bức tường thành chạy dài trên suốt con đường làng đã trải nhựa trơn tru, bóng mượt. Những chiếc ô tô tải lớn, nhỏ nối đuôi nhau đến mua hàng, khiến cho con đường làng vốn rộng trở nên nhỏ bé, chật chội. Vào các gia đình trong làng, không khí làm việc khẩn trương, cả chủ lẫn thợ đều tất bật.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, một trong những người làm nghề mộc lâu năm ở làng Đồng Kỵ nói rằng “Nghề làm gỗ mỹ nghệ ở đây là cha truyền con nối. Ông cũng không nhớ rõ người làng làm gỗ mỹ nghệ từ bao giờ, chỉ biết những đứa trẻ mới lớn đã được bố mẹ dạy cho cách đục đẽo, chạm trổ. Hiện nay, trong làng, vẫn giữ được ngôi đền cổ hơn 300 năm tuổi, được làm bằng gỗ với những đường nét chạm khắc tinh xảo, do 36 người thợ của làng tạo nên.”
Theo như ông Mạnh nói thì đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ được làm hết sức khéo léo, cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu, làm đồ ngang (xẻ gỗ thành tấm theo kích cỡ đã định trước) đến khâu chạm khắc và hoàn thiện. Người thợ với đôi bàn tay khéo léo tỉ mỉ chạm khắc những nét hoa văn độc đáo hay hình những con rồng, con phượng…, tạo thành những sản phẩm gỗ mỹ nghệ có đường nét tinh xảo.
Đặc biệt, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ thường được làm theo mẫu mã cổ nên có sức hút lớn đối với khách hàng. Khi làng nghề ngày một phát triển thì mô hình kinh tế hộ gia đình trở nên chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu đi lên của làng nghề. Nhiều gia đình trong làng đã chuyển từ sản suất quy mô nhỏ thành các công ty với quy mô lớn.
Ngôi làng Cời chạy ăn từng bữa ngày nào giờ đã trở thành làng tỉ phú của miền Bắc.
Đến nay, cả phường Đồng Kỵ đã có gần 400 công ty, hợp tác xã chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Cứ khoảng 10 hộ có một giám đốc, có gia đình cả bố lẫn con đều là giám đốc. Bởi vậy, những người làng bên hay gọi làng Đồng Kỵ là làng giám đốc.
Không chỉ có tiếng, Đồng Kỵ còn có “miếng”, xét về độ giàu có thì quả thực đây đúng là một làng tỉ phú bậc nhất của đồng bằng Bắc bộ. Hầu hết những gia đình mở Công ty, hay hợp tác làm đồ gỗ đều có từ vài trăm triệu đến vài tỷ trong nhà.
Khoảng 500 hộ buôn bán lớn có hàng chục, hàng trăm tỷ trở lên - một điều đáng kinh ngạc với một ngôi làng trước đây còn phải chạy ăn từng bữa. Hiện tại, hơn 60% sản phẩm gỗ mỹ nghệ của dân làng Cời được tiêu thụ ở thị trường Đông Nam Á và một số nước ở châu Âu.