Làng Đại Bình, xã Quế Trung (Nông Sơn, Quảng Nam) được xem là vùng Nam bộ thu nhỏ, bởi trồng bất cứ loại cây trái miền Nam nào đều cho quả trĩu cành. Cũng ở ngôi làng này có những chuyện kỳ lạ mà không thể giải thích được.
Nam bộ thu nhỏ
Một nhà văn quê ở huyện Nông Sơn từng nói với tôi: Nếu có cuộc thi về làng quê Việt thì chắc chắn Đại Bình sẽ giành ngôi quán quân. Làng hội tụ các yếu tố như sông, núi, bãi cát, cây trái… giống như một tranh.
Trên QL 1A đoạn ngã ba Hương An, huyện Quế Sơn, chúng tôi theo tuyến đường ĐT 611 đi hơn 50 km thì đến bến đò Trung Phước, xã Quế Trung. Tại đây sẽ đi đò để qua làng Đại Bình.
Trưa, nắng phản chiếu trên mặt sông Thu Bồn lấp lánh. Bên kia bờ, Đại Bình như một ốc đảo bình yên, tĩnh mịch ẩn mình sau những rặng tre um tùm như thành lũy dựng ở triền sông.
Làng Đại Bình phía trước là sông, phía sau lưng tựa núi
Trong lúc chờ khách lên đủ để qua sông, tôi chưa kịp hỏi người lái đò thì ông đã lên tiếng: Chú qua thăm nhà ai rứa? Tôi đáp: Em qua tìm hiểu về lịch sử ngôi làng thôi. Người lái đò vui vẻ giới thiệu: "Chú đến Đại Bình hơi sớm, hoa quả đang còn nhỏ nên chưa thưởng thức được hương vị của chúng. Lần sau có ghé thì chọn thời điểm tháng 6 - 8 nhé. Lúc đó, Đại Bình giống như miệt vườn Nam Bộ, chú tha hồ mà thưởng thức".
Từ dưới bến sông đi lên qua cổng làng Đại Bình là con đường bê tông sạch sẽ, dọc hai bên là những hàng chè cỏ được cắt tỉa thẳng tắp. Trăm nhà như một đều trồng cây chè cỏ làm bờ rào chứ chẳng ai xây bằng xi măng.
Vẻ đẹp của làng Đại Bình đã hút hồn bao văn nhân nổi tiếng của xứ Quảng như: Bùi Giáng, Hoàng Châu Ký, Khương Hữu Dụng, Thu Bồn, Trinh Đường, Tường Linh... Nhà thơ Tường Linh viết: “Đại Bình quê ngoại đẹp như tranh/Qua bốn mùa tươi quả ngọt lành/Trước bãi lững lờ dòng nước biếc/Sau đồng hùng vĩ rặng non xanh”. Hay Bùi Giáng viết trong bài "Tiếng vọng": “Em về ở lại đây thôi/Nghe mùa nước lũ nguồn trôi phăng đồng/Một trăm cây lá bên rừng/Gửi trong tiếng vọng xa chừng ngàn mây”. |
Từ đầu đến cuối làng, nhà nào cũng có vườn với “kính thưa các loại” cây trái đặc sản của miền Nam. Ông Trần Kim Hùng, Trưởng thôn Đại Bình, cho biết: Làng có hơn 328 hộ chủ yếu làm nông, lâm nghiệp. Từ ngày lập làng đến nay, Đại Bình sống tách biệt với thế giới bên ngoài.
Mọi người muốn đi sang làng khác thì phải vượt sông, còn mưa lũ thì cô lập hoàn toàn, cuộc sống người dân tự cung cấp. Tuy nhiên, mới đây được Nhà nước đầu tư tiền phá núi mở đường vào làng nhưng người dân cũng ít đi, vì quãng đường xa quá, do đó bà con vẫn trung thành với con đò.
Nói về những thứ đặc sản trong làng, trưởng thôn Hùng quả quyết: “Quê tôi hội tụ nhiều loại cây đặc sản lắm, như: Măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, hồng xiêm, cam, quýt, mãng cầu... Có nhiều loại quả được đánh giá còn ngon hơn ở trong miền Nam nữa. Ngoài ra, Đại Bình có quả trụ lông (một loài giống bưởi) ngon, ngọt mà không vùng đất nào trồng được”.
Cụ Phan Thị Sương (85 tuổi) chủ vườn cây trái với diện tích 6 sào, đây là nơi đánh dấu mốc khai sinh các loại giống cây Nam Bộ đầu tiên trên đất Đại Bình. Trong vườn đủ thứ cây trái miền Nam như: Sầu riêng, măng cụt, xoài Sài Gòn, dâu đất… mỗi cho thu hoạch vài chục triệu đồng.
Theo cụ Sương, trước đây cụ Huỳnh Châu (cụ Sương gọi bằng ông) là người con Đại Bình nhưng đi miền Nam làm ăn, sau đó mang 3 cây sầu riêng về đây trồng.
Đường làng Đại Bình sạch sẽ, những hàng chè cỏ cắt tỉa thẳng tắp
Ấy thế mà sau mấy năm, cây cho quả trĩu cành. Vậy là từ đó dân làng lấy hạt giống từ vườn nhà ông Châu nhân trồng ra để khai lập nên vườn cây Nam Bộ trên đất Đại Bình hơn 40 năm nay.
Ngoài việc cụ Châu đưa sầu riêng về đất Đại Bình thì con em trong làng mỗi lần từ miền Nam về cũng mang thêm một vài giống khác. Cây nào cấy nấy đều ra quả và chất lượng chẳng thua gì trồng ở miền Nam. Hiện vườn của cụ Sương có đủ các giống cây miền Nam như sầu riêng, măng cụt, xoài Sài Gòn, cam sành...
Dẫn tôi ra thăm vườn, cụ Sương khoe: Cách đây 4 năm, đứa con của cụ đi công tác ở miền Nam mang về 2 cây dâu đất nhưng nay đã có quả. “Măng cụt ở đây quả to lắm, như năm trước bán được 5 triệu đồng/cây. Còn sầu riêng thì nhiều, mình ăn không hết đem cho, bán.
Ông Nguyễn Duy Minh bên nhưng cây trụ lông trĩu quả
Tháng 7/2013, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt kinh phí lập quy hoạch xây dựng Làng du lịch sinh thái Đại Bình với tổng mức kinh phí gần 1,8 tỷ đồng nhằm phát huy thế mạnh để khai thác. Ngoài ra, phát triển loại hình du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu bản sắc làng quê Việt; góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống làng quê; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương. Bên cạnh đó bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển du lịch bền vững; gắn kết các khu vực du lịch văn hóa - lịch sử Hội An, Duy Xuyên. |
Vùng đất này được sông Thu Bồn bồi đắp phù sa màu mỡ mỗi năm, các lớp đất được phân tầng. Ngoài ra khí hậu mát mẻ nên trồng được rất nhiều giống cây ăn quả ở miền Nam”, cụ Sương cho hay.
Bình yên trong bom đạn
Theo lịch sử làng Đại Bình thì trước đây làng có tên là Đại Bường, ngôi làng nằm ở địa thế tuyệt đẹp, tựa lưng vào núi, hướng mặt ra đầu nguồn sông Thu Bồn thơ mộng. Làng được thành lập vào thời vua Thái Đức (từ năm 1778).
Trong chiến tranh, làng không bị bom đạn tàn phá, con em ra chiến trường đều trở về lành lặn. Trong làng không xảy ra đánh nhau, trộm cắp. Do đó, sau năm 1975, người dân đã đổi tên Đại Bường sang Đại Bình, ý nói rằng đây là một ngồi làng bình an vô sự.
Ông Nguyễn Duy Minh (58 tuổi) tâm sự: “Không có một thôn nào như thôn này, trong thời kháng chiến thì huyện Nông Sơn bị bom đạn thả xuống dày đặc, nhiều làng bị xóa sổ, thế nhưng với làng Đại Bình thì bom đạn né tránh. Những năm kháng chiến ác liệt nhất, trong làng chỉ có hai quả pháo rơi vào nhưng chẳng hư hỏng nhà cửa, hay thiệt hại về người”.
Làng trường thọ
Ngoài những câu chuyện trên, Đại Bình được xem là ngôi làng trường thọ. Hiện trong làng có hơn 200 người trên 70 tuổi, trong đó có 15 người trên 90 tuổi. Cụ Nguyễn Quốc Tín (95 tuổi) nhưng rất minh mẫn, hằng ngày cụ vẫn cầm cuốc, kéo chăm sóc vườn cây trái.
Cụ Sương đã bước sang tuổi 85 vẫn khỏe mạnh
“Làng tôi cái chi cũng sạch sẽ, ăn uống tự túc là chính. Đặc biệt, cây xanh rợp bóng, hít thở không khí trong lành, chăm chỉ lao động, ăn uống toàn những thứ sạch, đầu óc luôn thanh thản chính là phương thuốc khiến làng tui thành “tiên ông, tiên bà” nhiều như rứa”, ông Tín nói về bí quyết trường thọ.
Ngoài ra, làng Đại Bình còn có những điều đặc biệt mà hiếm có làng quê Việt có được, đó là con gái ở đây nổi tiếng đẹp người đẹp nết; làng không hề có tiếng động cơ xe máy, xe công nông…