| Hotline: 0983.970.780

Chuyện làng cò, làng đĩ

Thứ Hai 10/02/2014 , 10:02 (GMT+7)

Có những làng quê khi vừa oe oe cất tiếng khóc chào đời cho đến khi tóc trên đầu phơ phơ bạc, nếu là con trai sẽ được gọi là cò, nếu là con gái sẽ được gọi là đĩ. Trăm nhà như một, cấm có sai.

Có những làng quê khi vừa oe oe cất tiếng khóc chào đời cho đến khi tóc trên đầu phơ phơ bạc, nếu là con trai sẽ được gọi là cò, nếu là con gái sẽ được gọi là đĩ. Trăm nhà như một, cấm có sai. Tiếng gọi độc đáo ấy chỉ chấm dứt cùng với âm thanh của búa đóng đinh lộp bộp trên nắp cỗ quan tài.

Làng cò

“Cò Ký đã về đấy à? Thế Tết này mày ở quê chơi có được lâu không hả cháu?”. Người đàn ông tóc đã hoa râm xa quê bấy lâu chợt luống cuống khi nghe tiếng gọi thân mật ấy phát ra từ chính miệng bà cô mình. Đối với người đàn bà nông dân này thì thằng cháu (PGS.TS Phạm Văn Ký) tuổi ngót lục tuần, giảng viên một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội cũng chỉ là cò Ký ngày nào còn chân đất, đầu trần chơi ô ăn quan, chơi khăng, chơi đáo ở làng mà thôi.

Ở Ngô Xuyên (Văn Lâm, Hưng Yên) khi một đứa trẻ trai mới sinh ra liền được gọi là cò. Vợ ông Phạm Trọng Khoát đẻ ra được một đàn cò gồm cò Ký (tức PGS.TS Phạm Văn Ký), cò Đạt, cò Tâm, cò Trường trong đó người là PGS, người là thạc sĩ, chí ít cũng là kỹ sư. Con cái xa nhà, phương trưởng cả, thỉnh thoảng bà Khoát lại hỏi chồng: “Ông ơi cò Khoa có gọi điện về không?”. Cò Khoa tức là đứa cháu nội đang học đại học tận bên Mỹ. Cách nửa vòng trái đất mà bà ngỡ như thằng bé vẫn còn ở cái thủa lẫm chẫm tập đi hồi ở làng cò.

Những cụ già phơ phơ đầu bạc cũng một mực khẳng định với tôi rằng cái chuyện gọi con trai là cò từ đời cụ kỵ sinh ra đã thấy rồi, không biết do ai đặt. Tuy nhiên cũng có người kể với tôi lệ ấy có cả một gốc tích rễ chuỗi hẳn hoi. Một gia đình nọ trong thôn đẻ ra đứa con trai đặt tên là cò Cường. Cò Cường lấy vợ đẻ ra cò Tráng. Cò Tráng lập gia thất sinh ra cò Kiện. Thấy hay hay cả thôn liền gọi theo, làng cò hình thành từ bấy.

Không phải ai muốn mở miệng gọi người khác là cò cũng được mà phải ở vai trên hoặc chí ít cũng bằng vai phải lứa. Chuyện rằng một cô mẫu giáo về Ngô Xuyên nhận công tác, đến giờ đón cháu, các bà, các mẹ cứ ời ời gọi: “Cô cho tôi đón cò Dân” rồi “Cò Luân ơi cho ra bà ẵm”. “Cò Nam ơi ra với mẹ nào”… khiến cho cô giáo trẻ cứ quýnh quáng, tay chân thừa thãi, mặt mày thộn ra chẳng biết cò nào với cò nào. Mấy cô giáo cũ nom thấy cảnh ấy cứ gọi là ôm bụng cười lăn cười bò.

Làng cò trước đây có nghề luyện chó bắt chuột chân truyền. Thủa nhỏ, ông Khoát từng cùng đội thiếu nhi nô nức rủ nhau đi bắt chuột nộp đuôi lấy thưởng trên xã. Trung bình mỗi người mỗi ngày bắt được đến 50 con, giấy khen cứ gọi là xếp cả đống. Chuột đồng chặt đuôi xong được các cò đun nước, làm lông trắng phau phau như lợn cạo. Luộc vừa chín tới, chuột được bẻ đôi ra xếp lên tấm ván sạch rồi rắc lá chanh thái chỉ bên trên rồi đặt tấm ván khác có dằn một hòn đá nặng giống như người ta ép bánh trưng vậy. Thịt chuột khô kiệt nước, xé miếng chấm với muối giã nhỏ trộn ớt tươi, mới đưa lên mũi thôi đã như đánh thức từng con tì, con vị, đã làm cho nước trong miệng tứa ra ngập cả răng lẫn lợi.


Vợ chồng ông bà Khoát

Hết sinh hoạt trong đội thiếu nhi ông Khoát làm trưởng ban thông tin tuyên truyền xã, suốt ngày vác cái loa bằng ống bầu khô đi đọc nghị quyết, cổ động. Đọc dưới đất chưa thỏa, ông còn leo tuốt lên mấy ngọn đa, ngọn muỗm cao chót vót trong làng mà phát thanh. Sau này làm đến chức Chủ tịch xã rồi xung phong nhập ngũ, giữa lửa khói mù trời của đủ loại bom đạn mà ông vẫn khôn nguôi nhớ mùi khói hun chuột nơi quê nhà, nhớ miếng thịt chuột ép khô thơm lựng mùi lá chanh thái chỉ.

Ngoài món thịt chuột luộc ép lá chanh trứ danh làng cò còn có một món đặc sản nữa gọi là bánh âm một thứ bánh thường chỉ làm vào dịp Tết. Người ta đốt quả xoan, lá bưởi, vỏ bưởi, rơm nếp ra thành tro rồi đem ngâm tro theo tỷ lệ ba tro, chín nước, một vôi trong suốt một tuần lễ. Lọc nước tro ấy ngâm gạo nếp, lấy gạo nếp no nước gói thành bánh mà luộc.

Cái bánh chỉ to bằng cỡ cái chuôi liềm, đổ màu óng ả như hổ phách với những nhân gạo nẩy hình hạt dền mới gọi là đạt. Bánh âm đem chấm với chè kho thực hợp như cậu với mợ. Sau mấy ngày Tết liên miên cỗ bàn, nhìn thấy miếng thịt, miếng cá đã ngấy ngá đến tận cổ họng mà nhẩn nha nhai miếng bánh âm mới thấy nó mát, nó lành, nó thanh tao làm sao.

Bánh âm từng đến tận nước Mỹ trên hành trình du học của cò Khoa tức đứa cháu nội ông Khoát. Khi tôi ra khỏi cửa, thấy tiếng bước chân bà Khoát lịch bịch chạy theo, dúi vào tay mấy cái bánh âm buộc lạt đỏ vẫn còn hôi hổi nóng.


Ông Khoát kể về tục lạ của địa phương

Làng đĩ

Cách Ngô Xuyên một con sông nhỏ tên gọi sông Ghênh chảy từ Thuận Thành (Bắc Ninh) đổ ra dòng Bắc Hưng Hải là thôn Hành Lạc. Cái tên đến lạ, nó như đề cao nỗi sung sướng bản năng ở đời. Thời bốn ông tổ Nguyễn, Vũ, Trần, Ngô đến đây vỡ hoang, lập ấp Hòa Lạc rồi Bình Lạc cuối cùng cải thành Hành Lạc (tục gọi là làng Bến) ngày nay ngoài lệ gọi con trai là cò như ở Ngô Xuyên còn có tục gọi con gái là đĩ.

Vợ ông Ngô Ngọc Xướng đẻ một mạch mấy đứa con là Ca, Dịu, Dàng, Vang, Lừng, Ba trong đó có ba đĩ Dịu, Dàng, Lừng. Người làng gặp ông từ đầu ngõ cứ gọi là liền tắp, cứ xướng một mạch Xướng, Ca, Dịu, Dàng, Vang, Lừng luôn cho nó khoái khẩu, khoái nhĩ. Cả gia đình ông Xướng hiện vẫn tứ đại đồng đường theo lối cổ.

Đấy là tên thật, rất ngộ, ở Hành Lạc còn có những gia đình ngoài tên khai sinh còn có tên thường gọi rất vần vè như bà Giành đẻ một mạch “ngũ long công chúa” gồm năm đứa con gái là Giỏ, Cua, Cá, Tôm, Tép. Ông Giành năm nay đã 55 tuổi nhưng gặp đâu dân làng vẫn gọi là bố đĩ dù cuối cùng vợ ông cũng vét nốt số trứng già trong người để rặn ra cho dòng họ Ngô một thằng cò chính hiệu. Cái Hường nhà bà giờ đang học thạc sĩ, về làng vẫn thường giật thột mình khi bị người ta bất ngờ réo: “Đĩ Cá đã về rồi à?”.


Di tích cổ của Hành Lạc

Kỷ lục nhất ở Hành Lạc là cặp vợ chồng ông Đỗ Đức Bần và bà Nguyễn Thị Sóng khi sở hữu trong tay tới 6 đĩ. Đĩ mẹ Sóng đẻ ra con gái đầu lòng gọi là đĩ nhớn, đứa kế là đĩ bé, đứa tiếp nữa là đĩ cỏn, đứa tiếp nữa nữa là đĩ con. Đến đứa thứ năm thì bà Sóng bí, bí thực sự vì vốn từ vựng tiếng Việt sau từ nhớn chỉ có bé, cỏn, con thôi nên đành gọi là đĩ Lan. Đứa thứ sáu bà gọi luôn là đĩ Út. Út mà chưa chót phận út, về sau khi đã đứng tuổi ông bà cố gắng nhào nặn một lần nữa để cho ra đời cò Công - cái tên gói ghém bao công sức lặn lội của cặp vợ chồng cho đặng nỗi khát khao một thằng chống gậy.

Tiếng là Bần nhưng ông cho xây cái nhà tầng to, cao vào diện nhất nhì làng như minh chứng cho cả đời chắt chiu tần tảo. Hôm tôi đến, sáu đĩ nhà ông bà, đứa đi lấy chồng, đứa đi làm, đứa đi học chỉ nhõn cò Công ở nhà. Mẹ gọi ồi ồi, thằng bé từ trong chăn ló mặt ra nhìn khách lạ rồi lại ngáp một cái rõ to, rúc đầu vào chăn như đà điểu rúc cát, điềm nhiên ngủ tiếp.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.