| Hotline: 0983.970.780

Ngôi làng chưa từng có trộm cắp

Thứ Hai 31/03/2014 , 09:00 (GMT+7)

Bà con ở làng Thuận An (xã Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam) không hề có tính tham lam. Nghèo đói thì ra biển làm mà ăn, chứ không đi ăn trộm, ăn cắp.

Vào làng Thuận An (xã Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam) chỉ có một con đường bộ nên dù có muốn lấy trộm xe máy thì kẻ trộm cũng không có đường tẩu thoát. Tuy nhiên, đấy chỉ là một phần nhỏ của lý do. Cái chính là do bà con ở đây không có tính tham lam. Nghèo đói thì ra biển làm mà ăn, chứ không đi ăn trộm, ăn cắp.

Đây là ngôi làng mà người dân không có thói quen đóng cửa khi vắng nhà.

Để xe máy ngoài đường không ai lấy

Ông Trần Đình Nam, Trưởng thôn Thuận An, cho biết: "Làng tôi có 450 hộ với 1.550 nhân khẩu. Con người ở đây thật thà, hiền lành; họ chẳng bao giờ ăn cắp của ai cả".

Theo người dân nơi đây, cái cửa sinh ra vì mục đích thẩm mỹ, trời mưa bão mới đóng cho kín gió, còn trời nắng thì để cho thoáng, đón nhận những luồng gió biển thổi vào chứ không phải để đề phòng trộm cắp.

Bọn trẻ trong làng sinh ra đã được ông bà, cha mẹ dạy rằng thiếu cái gì thì mở miệng xin chứ đừng trộm cắp.

Những ngôi nhà ở làng Thuận An luôn mở toang cửa

Đêm xuống, chúng tôi xin tá túc ở nhà trưởng thôn Trần Đình Nam. Do cửa không khép nên đón nhận từng luồng gió biển thổi vào mát rượi. Theo thói quen trước khi đi ngủ, tôi dắt xe vào nhà, thấy vậy, ông Nam lên tiếng: "Xe máy của chú cứ để ngoài sân, nếu ngày mai không còn xe nữa, tôi sẽ mua xe mới đền cho chú. Bao đời nay người dân Thuận An chẳng lấy cái gì của ai hết. Xin thì sẵn sàng cho, chứ không ăn trộm, ăn cắp".

Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy, ra sân thì chiếc xe vẫn còn đó. Ông Nam cười: "Chú thấy không, đêm qua nếu đóng cửa thì làm sao ngủ ngon được? Trời nóng thì mở cửa để gió thổi vào chứ chẳng cần bật quạt làm gì cho tốn điện. Xe của chú đừng nói để trong sân chứ để ngoài đường cũng chẳng ai lấy. Chú có để ở đó cả tháng trời thì xe vẫn nằm yên đó".

“Làng không bao giờ mất trộm một phần xuất phát từ ý thức của người dân Thuận An, và ý thức đó được hình thành từ chính cách giáo dục con cháu của người dân, của chính quyền. Vì thế, từ nhỏ con em trong làng đã ý thức được trộm cắp là việc xấu", ông Trần Văn Minh, công an viên làng Thuận An.

Ông Nam giải thích, vào làng Thuận An chỉ có một con đường bộ nên dù có muốn lấy trộm xe máy thì kẻ trộm cũng không có đường tẩu thoát. Tuy nhiên, đấy chỉ là một phần nhỏ của lý do. Cái chính là do bà con ở đây không có tính tham lam. Nghèo đói thì ra biển làm mà ăn, chứ không đi ăn trộm, ăn cắp.

Nghe nói vậy, tôi hỏi: "Người trong làng không lấy nhưng người ngoài đến thì sao?". Ông Nam quả quyết: "Người ngoài làng đặt chân đến đây lấy được xe cũng không chạy thoát đâu. Ba phía nước bao quanh, còn một phía giáp trung tâm xã. Muốn đưa ra khỏi làng bằng đường bộ cũng khó, bởi người lạ vào làng bị phát hiện liền".

Ở làng Thuận An, không phải nhà trưởng thôn Nam có thói quen để xe ngoài sân mà cả làng đều vậy. Không chỉ để ngoài sân mà nhiều người còn để ngoài đường, họ để ngày này đến ngày khác.

“Nếu nói đường bộ là độc đạo, không thể tẩu tán đồ đạc ăn cắp thì không hẳn là đúng, vì nơi đây sông nước mênh mông, kẻ trộm hoàn toàn có thể mang đồ đi bằng đường thủy. Hơn nữa, những thứ đồ nhỏ nhẹ cất giấu rất dễ, vậy mà chẳng ai lấy. Bao nhiêu năm tôi sống ở đây nhưng chưa chứng kiến một vụ mất trộm nào cả”, ông Nam khẳng định.

Ngoài sự bình yên của ngôi làng, người dân Thuận An còn cởi mở, phóng khoáng và ý thức cộng đồng cao. Những con đường trong làng luôn được quét dọn sạch sẽ, dù đa số vẫn là đường đất. Đặc biệt, ý thức bảo vệ tài sản, cần cù, chịu khó, coi trọng sức lao động của nhau khiến người dân luôn an tâm mỗi lúc vắng nhà.

00-29-08_anh-1
Trưởng thôn Trần Đình Nam ra khỏi nhà nhưng không đóng cửa

“Ở đây, có một quy luật bất thành văn, nếu thấy hàng xóm vắng nhà lâu ngày, những người sống xung quanh sẽ tự sang khép cửa khi có mưa gió”, trưởng thôn Nam nói về người dân làng mình.

Sướng như công an viên

Ông Trần Văn Minh đã 15 năm giữ chức công an viên làng Thuận An. Từng ấy thời gian ông Minh chưa phải ra tay xử lý một vụ mất cắp nào trong làng. Trong đời làm công an viên, ông mới chứng kiến 2 vụ liên quan đến pháp luật.

Ông Nam cho rằng đó là “lịch sử” của làng và bản thân ông. Đó là vào năm 2005 và 2007. Hai trường hợp này là do sử dụng chất nổ trái phép để đánh bắt cá, chứ không liên quan đến trộm cắp.

00-29-08_anh-2
Ông Trần Văn Minh 15 năm làm công an viên  nhưng chưa phải giải quyết một vụ trộm cắp nào

Hầu hết người dân Thuận An đi biển nên suốt ngày không có mặt ở nhà, có gia đình đi cả tháng trời. Thế nhưng họ không bao giờ lo lắng nhà cửa, tài sản bị mất trộm. Không có họ ở nhà thì bà con làng xóm giúp họ giữ nhà.

Ông Minh kể: "Cách đây mấy năm có trường hợp để xe máy ngoài đường, sáng hôm sau ra không thấy xe nữa. Đợt đó, mọi người cứ tưởng bị kẻ gian lấy cắp nên chia nhau đi tìm nhưng hóa ra lại không phải. Tối hôm đó, anh Long đi biển trúng đậm tôm hùm giống. Vì chỗ nuôi tôm không đảm bảo, anh Long sợ tôm chết nên khi vừa cho thuyền cập bến, anh thấy một xe máy còn cả chìa khóa để ở đó nên vội lấy xe đi mà không kịp báo cho ai biết.

Đến lúc bán xong tôm, có được ít tiền, anh Long chạy xe lên thành phố chơi mà không về nhà. Sau đó, anh mới chạy về đem xe trả thì mọi người mới biết được đầu đuôi câu chuyện. Để giải quyết vụ “ăn cắp xe”, anh Long mời chủ xe làm bữa nhậu thế là xong".

Vì bận công việc trên xã nên ông Minh đành chia tay chúng tôi. Nhà ông ở trên trục đường chính của làng, người qua lại rất nhiều, trong khi vợ con đi vắng, vậy mà ông để cửa mở toang đi ra khỏi nhà.

Trên đường về tôi luôn nghĩ đến làng Thuận An, giá như nơi tôi đang sống mà được như ngôi làng này thì chẳng lo mất cắp. Nhưng nghĩ lại điều này chẳng bao giờ xảy ra được, bởi nơi tôi ở, cửa nhà khóa, cửa ngõ khóa, vậy mà vẫn bị kẻ gian phá khóa vào đánh cắp tài sản.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.