| Hotline: 0983.970.780

Gửi về Yên Bái:

Người dân bị chặn đường sinh sống

Thứ Tư 07/01/2015 , 09:41 (GMT+7)

Cuộc sống của người dân xã Lương Thịnh (Trấn Yên, Yên Bái) đang bị các công ty khai khoáng bủa vây, hãm hại bằng những việc làm vô lương tâm.

Đó là xả chất thải ra môi trường, khiến nguồn nước bị ô nhiễm, mương máng thủy lợi và ruộng đồng bị bồi lấp, thủy sinh bị tiêu diệt...

Ngòi Lâu tiếp nhận hai nguồn nước từ thác Thiến, xã Hồng Ca và khe Bát, xã Việt Cường tạo nên dòng suối trong xanh, hiền hòa trước khi đổ ra sông Hồng ngay cạnh TP.Yên Bái.

Khoảng chục năm trước, trên đường vào Nghĩa Lộ người ta vẫn nhìn thấy nhiều chặng, cụp của người dân làm trên dòng suối để bắt cá tôm.

Nhưng bây giờ, chừng 5-6 năm trở lại đây Ngòi Lâu trở thành dòng suối chết, bởi lúc nào nước cũng đục ngầu, váng gỉ sắt vàng khè và bột quặng sắt đen sì đọng dọc bờ suối và các bãi cát, dài hàng chục cây số do các nhà máy chế biến khoáng sản của các Cty TNHH Tân Tiến, CMISTONE Việt Nam, Hòa Yên, Tây Bắc... đặt trên đầu nguồn xả thải xuống, khiến rong, rêu và các loài thủy sinh: cá, tôm bị tiêu diệt.

Công trình thủy lợi Lương Tàm xây dựng từ năm 1989, dẫn nước từ suối Thiến tưới cho cánh đồng hai thôn Lương Thiện, Lương Tàm với tổng diện tích là 32 ha cấy hai vụ ăn chắc do Tổ chức Bánh mỳ thế giới hỗ trợ xây dựng, bà Bu-lơ làm giám đốc điều hành. Người dân quen gọi là công trình thủy lợi Bu-lơ.

10-58-53_2
Đoạn mương bị lấp hoàn toàn

Tính đến nay công trình thủy lợi Lương Tàm đã tồn tại một phần tư thế kỷ, cung cấp nước cho cánh đồng hai thôn ổn định. Nhưng từ giữa năm 2013, khi hai nhà máy chế biến khoáng sản Tân Tiến và CMISTONE Việt Nam đi vào hoạt động, hai nhà máy này đã xả thải ra dòng suối Thiến, bùn đất lấp kín cửa đón nước, kênh mương và nhiều diện tích bị bùn tràn vào khiến lúa không lên nổi, năng suất giảm một nửa, nhiều diện tích mất trắng.

10-58-53_3
Dòng suối Thiến đục ngầu, bùn thải còn lắng nhiều bột sắt từ nhà máy chế biến chảy ra đọng lại bên bờ suối

Năm 2013 công trình thủy lợi Lương Tàm chỉ vài ngày dẫn được nước, đến năm 2014 thì bị tê liệt hoàn toàn, vụ mùa 2014 người dân cấy được chủ yếu là nhờ trời mưa.

Trước nỗi kêu than thống thiết của hơn hai trăm hộ dân thôn Lương Thiện, Lương Tàm, sáng 5/1/2015 PV báo Nông nghiệp Việt Nam được ông Vũ Hồng Thịnh - Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Lương Thịnh và ông Dương Phú Thịnh, trưởng thôn Lương Thiện dẫn tận mắt xem công trình thủy lợi Lương Tàm.

10-58-53_4
Ống dẫn nước qua suối tưới ruộng hai năm nay bỏ không

Toàn bộ đầu mối thu nước bị bùn đất lấp gần kín, trên mặt bùn còn một lớp bột quặng sắt đọng lại đen sì. Tổng chiều dài của mương dẫn nước là 2.035m, thì đã bị lấp 1.300m, trong đó có 935m bị lấp hoàn toàn. Nhiều chỗ đất trong lòng mương còn cao hơn mặt đường đi của dân bên bờ mương.

Bằng mắt thường cũng có thể nhận ra bùn đất lấp mương là chất thải của các nhà máy chế biến quặng sắt từ hai nhà máy của Cty Tân Tiến và CMISTONE Việt Nam đặt trên phía đầu nguồn xả xuống. Bởi trong lớp bùn đó có nhiều bột quặng sắt sau khi tuyển theo nước thải chảy ra môi trường còn đọng lại.

10-58-53_5
Bãi đất thải của Cty CMISTONE Việt Nam bên bờ suối

10-58-53_6
Ống thải nhà máy Cty CMISTONE Việt Nam chĩa thẳng ra suối

Bùn thải còn rất nhiều bột quặng sắt do hai nhà máy chế biến quặng bồi lắng dọc hai bên dòng suối, ông Dương Phú Thịnh cho biết: Dọc dòng suối Thiến có rất nhiều vực, trước đây người dân vẫn ra quăng chài, thả lưới bắt cá về ăn. Nay bùn thải của hai nhà máy lấp hết các vực, nước đục đến nỗi trâu bò cũng không dám xuống tắm và uống nước.

Những việc làm vô lương tâm của Cty Tân Tiến và CMISTONE Việt Nam đang chặn con đường sinh sống của người dân xã Lương Thịnh, Sở Tài nguyên - Môi trường và lãnh đạo tỉnh Yên Bái có biết không?
Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường và sự trơ lỳ, thách thức dư luận của các Cty khai thác và chế biến khoáng sản tại xã Lương Thịnh ở một bài viết khác.

Giếng nước nhà ông Triệu Quyết Tiến, thôn Lương Thiện bị lũ bùn thải của hai nhà máy lấp phẳng, ông phải thuê người đào đến cái thứ ba mới có nước ăn. Nhưng nước cũng bị nhiễm sắt, thum thủm, tanh tanh.

Ông cho biết, đã lên gặp ông Sản và ông Lễ là lãnh đạo nhà máy chế biến quặng Tân Tiến xin hỗ trợ tiền đào giếng, nhưng hai ông này trả lời: Ông có giỏi thì đi kiện đâu thì kiện...

Làm việc với ông Triệu Đình Viện - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh, ông Viện cho biết: Dân kêu đến rát họng rồi, nhưng hai Cty ấy cứ lỳ ra như thể thách thức với người dân.

Nhân dân và UBND xã đã gửi nhiều đơn và lập biên bản yêu cầu Cty Tân Tiến và CMISTONE Việt Nam đền bù diện tích ruộng bị bùn đất tràn vào và nạo vét công trình thủy lợi Lương Tàm. Họ ký đấy nhưng không làm gì cả.

Ví như biên bản làm việc ngày 24/10/2014 giữa UBND xã và đại diện hai Cty về thiệt hại 8.064m2 ruộng của 14 hộ gia đình, họ đã thống nhất đền bù 250kg thóc/sào, hạn thực hiện trước 10/11/2014, vét bùn đất ra khỏi ruộng trước ngày 24/12/2014 để dân làm vụ xuân 2015. Nhưng đến nay họ vẫn im lặng như không có chuyện gì xảy ra.

10-58-53_7
Hai ống xả thải của Cty Tân Tiến

Chúng tôi lên bãi thải của Cty CMISTONE Việt Nam, thật không thể tin nổi Cty này đã dựa vào thế lực nào của tỉnh Yên Bái mà làm liều lĩnh đến như vậy. Bãi đất thải đắp dọc bờ suối Thiến, được đắp rất sơ sài, nhiều chỗ đã tụt xuống tận mép dòng suối, hễ trời mưa xuống là bùn đất từ bãi thải tràn xuống suối.

Giáp ngay bãi thải về phía đầu nguồn, trước hồ thải quặng đuôi người ta lắp một ống cống bằng thép to bằng bắp đùi xả nước thải thẳng ra suối. Lẽ ra ống xả thải này phải nằm cuối hồ thải quặng đuôi. Nghe nói Cty CMISTONE Việt Nam đã dừng hoạt động mấy tháng nay, nên cống thải kia nằm im.

10-58-53_8
Nhà máy chế biến quặng sắt của Cty Tân Tiến

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tiếp cận hồ thải đuôi của nhà máy chế biến quặng Tân Tiến, tại đây có hai ống cống bằng thép, đang thải nước đục ngầu ra suối Thiến. Ông Dương Phú Thịnh cho biết: Người dân phản ánh cứ đêm đến họ mới mở cống ngầm. Bởi thế nước suối Thiến mấy năm nay không lúc nào trong...

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất