Hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở cao
Trong phương án ứng phó với thiên tai năm 2024, trên địa bàn tỉnh Bình Định có gần 40 khu vực có nguy cơ sạt lở; trong đó, có 15 khu vực có nguy cơ sạt lở cao, 16 khu vực nguy cơ sạt lở thấp và 7 khu vực có nguy cơ sạt lở gây chia cắt giao thông.
Huyện miền núi An Lão là địa phương có nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao nhất Bình Định. Đáng quan ngại nhất là khu vực núi Đá (thôn Trà Cong) và Đá Cửa (thôn Vạn Long) cùng thuộc xã An Hòa uy hiếp hơn 50 hộ dân sinh sống gần đó. Huyện miền núi Vĩnh Thạnh cũng có hai điểm tại thôn O3 và điểm cao 130 (thôn Đắk Tra) cùng thuộc xã Vĩnh Kim có nguy cơ sạt lở cao. Ngoài ra, một số khu vực có nguy cơ sạt lở thấp nhưng tiềm ẩn nguy hiểm, đặc biệt ở các xã vùng sâu.
Huyện đồng bằng Phù Cát có 4 khu vực có nguy cơ sạt lở cao, trong đó, đáng quan ngại nhất là điểm núi Cấm thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành. Tại đây, vào tháng 11/2021, mưa lớn đã gây ra các điểm sạt lở nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến 117 ngôi nhà dưới chân núi; trong đó, có 64 hộ dân cần được di dời nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Bà Mai Thị Huệ (65 tuổi) là một trong những hộ nghèo ở thôn Chánh Thắng đang sống trong căn nhà nhỏ gần khu vực sạt lở núi Cấm. Bà Huệ rất vui khi đầu tháng 7 vừa qua, bà nghe được thông tin Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đồng ý cho UBND huyện Phù Cát thực hiện bố trí, ổn định dân cư đối với 64 hộ dân vùng sạt lở đất núi Cấm đến định cư tại khu tái định cư.
Theo cảnh báo của các chuyên gia đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Hoàn thiện và triển khai áp dụng kết quả ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám, địa kỹ thuật và trí tuệ nhân tạo để khoanh vùng và cảnh báo tình trạng trượt lở đất, đá tại các khu vực trọng điểm tỉnh Bình Định” thì Bình Định đang có đến 90 vị trí nguy cơ sạt lở tại 11 huyện, thị xã, thành phố.
Chủ động phòng tránh là “thượng sách”
Huyện miền núi An Lão, địa phương có nhiều khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở trong mùa mưa bão năm nay đã hoàn thiện các kịch bản phòng chống thiên tai năm 2024. Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện An Lão, chính quyền địa phương này đã tiến hành rà soát, khoanh vùng các điểm nguy cơ cao bị sạt lở để thực hiện các phương án di dời dân phù hợp, đồng thời chủ động hình thành lực lượng ứng phó thiên tai cấp huyện và cấp xã với lực lượng gần 1.000 người.
Hai huyện miền núi Vĩnh Thạnh và Vân Canh (Bình Định) ngay từ bây giờ đã xác định địa điểm an toàn để sơ tán dân, dự trữ lương thực, hàng hóa và thuốc men tại những địa phương có nguy cơ bị cô lập do sạt lở.
Ông Đào Văn Phú, một người dân ở thôn An Long 1, xã Canh Vinh (huyện Vân Canh), chia sẻ: “Gần đây, theo dõi các vụ sạt lở tại miền Bắc khiến chúng tôi rất lo lắng, cả thôn đã chuẩn bị tinh thần chủ động phòng tránh, không ai dám chủ quan”.
“Chúng tôi đề xuất việc sơ tán dân khi có trận mưa đầu tiên với cường độ 100mm/24 giờ. Người dân vùng có nguy cơ sạt lở sẽ được di dời đến nơi an toàn cho đến khi kết thúc mùa mưa. Các tuyến giao thông qua vùng có nguy cơ sạt lở sẽ được rào chắn để ngăn phương tiện lưu thông”, ông Hồ Đắc Chương Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ.