“Chợ dã chiến” hay còn gọi là “chợ lưu động” là sáng kiến của Phòng Kinh tế quận 5, nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm thiết yếu cơ bản nhất của người dân trong những ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội.
“Người dân đang mong muốn được phép đi ra ngoài đường, nhiều tháng giãn cách người dân chỉ ở trong nhà, đặt hàng qua mạng, tâm lý ai cũng muốn được đi chợ, cầm nắm hàng hóa. Do đó, quận 5 cố gắng phủ xanh COVID từng vùng, thì người dân được phép đi chợ”, bà Đào Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng Phòng Kinh tế quận 5 chia sẻ.
Ngay trên lòng đường Trần Bình Trọng, lối vào của “chợ lưu động” được căng dây, đảm bảo khoảng cách giữa người với người. Ngay tại lối vào là bàn khai báo y tế, đo thân nhiệt và kiểm tra “phiếu đi chợ”.
“Chợ lưu động” phục vụ người dân trên địa bàn phường 3, quận 5 với 10 gian hàng chủ yếu cung cấp lương thực, thực phẩm như rau củ quả, tôm, cá, hải sản, trứng, sữa, nui, miến… được bố trí giãn cách theo từng ô đã kẻ vạch sẵn.
Điểm đặc biệt, người bán là các cán bộ, nhân viên của Phòng Kinh tế, Trung tâm Văn hóa quận 5 phối hợp cùng các Sở, ngành tổ chức đứng bán – những người hàng ngày chỉ quen làm việc với bàn giấy, thì nay phải làm cả nhiệm vụ phân chia hàng hóa, và đứng bán hàng cho người dân, không có tiểu thương trực tiếp bán.
Bà Đào Thị Ánh Tuyết cho biết, vì cuộc sống của người dân, vì an sinh xã hội, quận 5 cố gắng bằng mọi giá để đảm bảo cho người dân không đói. “Không thể đảm bảo tất cả các nhu cầu, tuy nhiên những nhu cầu thiết yếu hàng ngày cơ bản nhất, chúng tôi sẽ cung cấp cho người dân, để người dân có cảm giác được sự quan tâm trong những ngày cùng TP chống dịch Covid-19”, bà Tuyết chia sẻ.
Cũng theo bà Tuyết, “chợ lưu động” được triển khai theo hình thức không lợi nhuận, lấy công sức của cán bộ, nhân viên của quận để phục vụ người dân.
Hiện trên địa bàn phường 3, quận 5 đã được test âm tính với virus SARS-CoV-2 từ ngày 14/9, đã được tiêm vacxin phòng Covid-19, do đó quận chọn phường này để thí điểm “chợ lưu động”.
500 hộ được phát “phiếu đi chợ” chia theo từng khung giờ đối với từng tổ dân phố, trong đó, mỗi hộ gia đình chỉ được 1 người đi chợ (đã được chích ngừa 2 mũi vacxin phòng Covid-19, âm tính với SARS-CoV-2) để đảm bảo số lượng người đi chợ theo khuyến cáo 5K.
Trên "phiếu đi chợ" cũng được in sẵn danh mục từng loại từng phẩm có bày bán tại "chợ dã chiến" để người dân dễ dàng lựa chọn.
Về giá cả tại “chợ lưu động”, bà Tuyết cho biết, tương đối rẻ, thậm chí có những mặt hàng rẻ hơn siêu thị. “Chúng tôi phải trao đổi với đối tác để làm sao giá cả hợp lý cho người dân sau một thời gian dài đi chợ trở lại, bởi người dân đã quá khó khăn sau chuỗi ngày ở nhà chống dịch”, bà Tuyết nói.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, người dân phường 3 háo hức cầm trên tay bịch thực phẩm vừa mua được tại phiên "chợ lưu động" sau một thời gian dài "ai ở đâu ở yên đó".
"Khi được thông báo chính quyền tổ chức phiên chợ cho người dân tại phường, tôi và mọi người mừng lắm. Đã lâu rồi không được ra ngoài tự tay lựa từng con cá, mớ rau, ai cũng phấn khởi, người khỏe khoắn hẳn. Chị xem, giá cả lại hợp lý, trong khi đó mua được ngay ở gần nhà mình với đủ các loại lương thực thực phẩm.
Tôi cũng xin cảm ơn chính quyền, các doanh nghiệp đã hỗ trợ để bà con chúng tôi được mua những mặt hàng thực phẩm tươi ngon nhưng giá cả hợp lý", bà Lệ chia sẻ.
Tương tự, ông Đỗ Xuân An cũng tỏ ra phấn khởi khi đại diện gia đình đi mua sắm. “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu nhờ “đi chợ hộ”, nay được ra khỏi nhà, hít thở khí trời và tự đi chợ thế này tôi mừng lắm. Mong cả phường, cả quận và TP.HCM được “phủ xanh” để tất cả các chợ được mở lại, cuộc sống trở về bình thường mới”, ông An nói.
Còn ông Lê Ngọc Hải vui mừng vì mua được “mớ cá tươi ngon với giá hợp lý”. Ông Hải nói: “Hơn tháng nay nhà tôi chưa được ăn cá, tôm. Nay mua được cá bống cát giá 150.000 đồng/kg, tôm càng với giá 130.000 đồng cho mấy đứa nhỏ ở nhà, chắc chúng nó vui lắm”.
Phiên chợ tại đây, sẽ kéo dài trong 2 ngày, từ 9-12 giờ mỗi ngày phục vụ nhu yếu phẩm cho 500 hộ dân. Sau đó, “chợ lưu động” sẽ di chuyển sang phường khác, và sẽ được bố trí trên những tuyến đường rộng thoáng.
Được biết, mô hình “chợ dã chiến” đã được UBND quận 5 tổ chức từ tháng 7/2021 và chọn Trung tâm Văn hóa quận 5 làm điểm tập kết hàng hóa, tổ chức bán hàng lưu động cho người dân sinh sống tại các “vùng xanh” với tần suất 1 lần/tuần.
Trước đó, để phục vụ nhu cầu của người dân, quận 5 cũng đã có sáng kiến tổ chức “chợ online” để người dân trên địa bàn quận 5 cũng có thể đặt hàng trực tuyến tại website: https://shop.ttvhq5.com.vn hoặc liên hệ với lực lượng “đi chợ hộ” tại phường để được hỗ trợ đặt hàng trực tiếp và sẽ được giao tập trung trong ngày để đảm bảo chất lượng hàng hóa nhu yếu phẩm cho người dân.
Theo số liệu của Sở Công thương TP.HCM, đến nay thành phố có hơn 2.700 điểm cung ứng hàng hóa, trong đó có 92 siêu thị, 9 chợ truyền thống và hơn 2.100 cửa hàng tiện ích đang hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu đến người dân trên địa bàn.
TP.HCM cũng đã đưa vào hoạt động điểm tập kết trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường TP.
TP.HCM đang dần mở cửa hoạt động trở lại hệ thống cung ứng hàng hóa thiết yếu, với việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn TP.HCM. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân, tùy theo tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn cụ thể, có nhiều lựa chọn để mua hàng hóa thiết yếu.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, TP.HCM tổ chức phương thức “đi chợ hộ” nhằm phục vụ nhu cầu lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân. Tuy nhiên, số lượng hộ đăng ký “đi chợ hộ” giảm dần theo ngày. Tính đến ngày 21/9, tổng nhu cầu đăng ký trong ngày là 49.381 hộ, giảm 2,35% (tương đương giảm 1.186 hộ) so với ngày hôm trước.