| Hotline: 0983.970.780

Người dân huyện Mê Linh không được dùng nước sạch

Thứ Hai 02/02/2015 , 09:13 (GMT+7)

Đó là khẳng định của ông Hà Huy Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh  (Hà Nội) trong cuộc gặp gỡ báo chí để trao đổi về vấn đề ô nhiễm nước sinh hoạt tại nghĩa trang Thanh Tước chiều ngày 30/1./ “Làng ung thư” ở cửa ngõ Thủ đô

100% dân sử dụng nước sạch là không chuẩn

Báo NNVN đã có bài phản ánh “Làng ung thư” ở cửa ngõ Thủ đô” cho biết, người dân khu vực nghĩa trang Thanh Tước đang phải sử dụng nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Bà con nghi ngờ, do phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm nên họ mắc nhiều bệnh nan y, trong đó chủ yếu là bệnh ung thư.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí, UBND huyện Mê Linh đã công bố Báo cáo về tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại nghĩa trang Thanh Tước, do Ban phục vụ lễ tang (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) thực hiện.

Văn bản này khẳng định, hoạt động của nghĩa trang Thanh Tước không gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Căn cứ vào kết quả quan trắc, văn bản chỉ ra rằng “Chất lượng nước ngầm lấy tại giếng trong nghĩa trang có chỉ tiêu Amoni vượt tiêu chuẩn cho phép của QCVN 09:2008/BTNMT. Tuy nhiên, tại nghĩa trang Thanh Tước hiện nay 100% sử dụng nước máy, không sử dụng nước giếng khoan”.

Nguồn nước máy này người dân có được là từ Vĩnh Phúc trước đây khi chưa về Hà Nội, hoặc “mua chui”.

Ông Hà Huy Quang cho biết, phản ánh 100% người dân sử dụng nước sạch là không chuẩn. Từ tháng 8/2008 khi sáp nhập về Hà Nội, hầu như người dân Mê Linh chưa được sử dụng nước sạch. Vì vậy, “thông tin 100% dân sử dụng nước sạch là không có cơ sở”, ông Quang khẳng định.

Còn về vấn đề nước thải của nghĩa trang Thanh Tước gây ô nhiễm môi trường theo phản ánh của nhân dân, ông Hà Huy Quang trả lời: Nghĩa trang Thanh Tước do thành phố Hà Nội quản lý, đã ủy nhiệm Ban phục vụ lễ tang (thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) quản lý. Vì vậy, “người được cấp quản lý quy định của thành phố chính là người chịu trách nhiệm và có tư cách phát ngôn đối với tất cả những vấn đề xảy ra ở trên nghĩa trang Thanh Tước”.

Ông Hà Huy Quang cho biết thông tin 64 người chết do ung thư ở khu vực nghĩa trang Thanh Tước như Báo NNVN phản ánh là một chiều từ phía nhân dân cung cấp thông tin mà không thông qua cơ quan quản lý địa phương. Hiện nay UBND huyện Mê Linh đang cử cơ quan chuyên ngành ráo riết đi kiểm tra các thông tin để tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền của thành phố và cơ quan quản lý báo chí.
PV Báo NNVN trao đổi lại, nhiều lần PV đề nghị làm việc với UBND xã Thanh Lâm nhưng lãnh đạo cơ quan này từ Phó Chủ tịch tới Bí thư Đảng ủy xã đều viện lý do từ chối. 
Tại cuộc gặp mặt báo chí ngày 30/1, lãnh đạo xã Thanh Lâm cũng có mặt để nghe báo chí phản ánh nhưng ông Hà Huy Quang không giới thiệu ngay ban đầu. Đến cuối giờ, khi PV Báo NNVN hỏi thì lãnh đạo xã Thanh Lâm lại... mới chạy ra ngoài, khiến cho PV của 12 cơ quan thông tấn báo chí đều ngỡ ngàng!

Theo ông Hà Huy Quang, Ban phục vụ lễ tang Hà Nội phải chịu trách nhiệm chính trước các thông tin về vận hành nghĩa trang và về môi trường.

“Ban phục vụ lễ tang Hà Nội phải có thông tin để trả lời cho báo chí và UBND huyện Mê Linh đang yêu cầu họ làm theo đúng quy định. Như vậy là chúng tôi đang giải quyết đúng quy định và chức năng quản lý”, ông Quang nói.

Chi cục Bảo vệ Môi trường... đánh trống lảng

Trong cuộc gặp gỡ để trao đổi thông tin với báo chí lần này, Ban phục vụ lễ tang Hà Nội không có đại diện.

Còn đại diện Sở TN- MT Hà Nội là ông Nguyễn Văn Lý, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường.

Ông Lý khẳng định, theo văn bản số 2662, ngày 16/1/2015 do Phó Giám đốc Sở TN- MT Phạm Văn Khánh ký đã khẳng định, chất lượng nước mặt, nước ngầm ở khu vực nghĩa trang Thanh Tước về cơ bản đều đạt, không có vấn đề ô nhiễm.

Nhưng khi PV Báo NNVN phản ánh việc nước giếng khoan của nhiều hộ dân ở xã Thanh Lâm màu đen như nước cống, nhiều tạp chất và có mùi tanh, chỉ cần nhìn nhận cảm quan bằng mắt thường cũng nhận biết được là nước ô nhiễm.

Ngoài ra, xung quanh khu vực này không có hoạt động của nhà máy, xí nghiệp nào để làm tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Vậy lý do nào khiến những năm gần đây nước sinh hoạt của người dân bị ô nhiễm?

Thêm nữa, trong văn bản do Sở TN- MT Hà Nội đưa ra, các chỉ tiêu quan trắc còn thiếu độ nhiễm bẩn sinh học, chỉ tiêu dầu mỡ không được phân tích, các chỉ tiêu không nêu số liệu cụ thể cho nên khó có thể nói lên mức độ ô nhiễm đang ở mức độ nào, phạm vi ảnh hưởng ra sao? Đề nghị đại diện Sở TN- MT Hà Nội công bố kết quả đánh giá về nguồn nước ở khu vực nghĩa trang Thanh Tước.

Đến đây vị Chi cục trưởng Bảo vệ Môi trường đành... đánh trống lảng!

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.