| Hotline: 0983.970.780

“Làng ung thư” ở cửa ngõ Thủ đô:

"Nhớt đổ cho nheo", dân khổ!

Thứ Ba 20/01/2015 , 06:50 (GMT+7)

Dự án Công viên nghĩa trang vừa khởi động đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhân dân các xã xung quanh nghĩa trang Thanh Tước./ “Làng ung thư” ở cửa ngõ Thủ đô

Họ lo lắng rằng, hiện tại nghĩa trang này do Nhà nước quản lý còn quá nhiều bất cập, nếu trao cho tư nhân tham gia đầu tư và quản lý, những vấn đề phức tạp về môi trường và an ninh phát sinh, lúc đó “nhớt đổ cho nheo”, chỉ người dân là chịu khổ.

Vấn đề ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ở nghĩa trang Thanh Tước cũ với hơn 1 vạn ngôi mộ, chưa được xử lý.

Người dân do sử dụng nguồn nước ô nhiễm đã bị mắc bệnh hiểm nghèo qua đời với số lượng năm sau cao hơn năm trước và độ trẻ hóa tăng cao.

Thay vì lo cho cuộc sống của những người đang sống, Hà Nội lại quan tâm đầu tư cho... người chết.

Trong khi người dân cần có nước sạch sinh hoạt để đảm bảo sức khỏe như trời hạn mong mưa thì các cấp chính quyền của Hà Nội cứ đủng đỉnh, còn với dự án Công viên nghĩa trang Thiên đường ở Thanh Tước lại hành động một cách vội vã và quyết liệt.

Quên... hỏi ý kiến nhân dân

Dự án này có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân ở địa phương thì chủ thể chính lại không hề được hỏi đến. Trong văn bản số 17/BC-UBND Báo cáo Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của UBND huyện Mê Linh nhiệm kỳ 2004-2011 ngày 8/3/2011, phần thứ hai là Những nhiệm vụ trọng tâm UBND huyện tập trung chỉ đạo, điều hành trong nhiệm kỳ 2011-2016 không có một từ nào nhắc đến dự án mở rộng nghĩa trang Thanh Tước. Vậy mà dự án xuất hiện như từ trên trời rơi xuống.

Văn bản số 49/TB-UBND ngày 4/3/2013 do Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Phạm Chí Công ký Thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh chủ trì tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện nhà hỏa táng lưu tro, cốt khu vực nghĩa trang Thanh Tước huyện Mê Linh ngày 26/2/2013, cho thấy các nội dung vướng mắc đều chỉ tập trung vào phản ánh đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) trường ĐH Tài nguyên và Môi trường (cơ sở 3 tại Thanh Lâm – PV). Toàn bộ văn bản này không hề nhắc đến ý kiến của nhân dân Mê Linh.


Giếng nước sinh hoạt đen như nước cống

Người dân không được biết về quy hoạch này, chỉ đến khi chủ đầu tư tổ chức chi trả tiền bồi thường GPMB vào 2 ngày 25 và 26/4/2013, họ mới vỡ lẽ. Vì thế, đa số nhân dân không đồng tình và phản đối dự án. Sau đó, trong 3 ngày 15, 16 và 17/5/2013, tổ công tác của huyện Mê Linh họp với cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Thanh Lâm thì hầu hết các đại biểu đều phản đối quyết liệt dự án.

“Việc dùng cụm từ "công viên" để làm dịu bức xúc, có người tưởng đẹp, chưa hiểu hết bản chất nên vô tình làm ngơ sẽ gây hệ lụy đáng tiếc. Chúng tôi kiến nghị: Chấm dứt không triển khai toàn bộ đề án "Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước", gồm tất cả các hạng mục; giữ nguyên trạng nghĩa trang Thanh Tước, không thể mở rộng dưới bất cứ hình thức nào, chỉ củng cố khuôn viên hiện có cho sạch đẹp” (ông Nguyễn Xuân Đào – Chi ủy đường 23).

“Không thể áp đặt từ trên xuống cơ sở những đồ án loại đó nếu không nghiêm chỉnh lắng nghe dư luận và ý kiến của nhân dân – chủ thể của dự án, thông qua đối thoại trực tiếp”, ông Nguyễn Thành Long, đảng viên thôn Phú Hữu bày tỏ.

Mập mờ quy hoạch

Ngày 15/10/2012, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội ban hành Quyết định số 3101/QĐ – QHKT về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước, địa điểm tại xã Thanh Lâm, Mê Linh, Hà Nội, với diện tích đất hơn 6,4ha. Chủ đầu tư dự án này là Cty TNHH thương mại Hoa Sen Vàng, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh.

Trong tổng số hơn 6,4 ha đất để xây dựng “Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước” được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phê duyệt đã phân bổ 5.126m2 đất để xây dựng Khu nhà hỏa táng.

Đây là việc làm bất chấp thực tế, vi phạm các quy định về môi trường, vì thế người dân đã có văn bản gửi tới các cơ quan chức năng đề nghị có ý kiến.

Ngày 31/5/2013, tại văn bản số 1008/BXD-HTKT, Bộ Xây dựng gửi UBND TP Hà Nội nêu rõ: “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị - QCVN07:2010/BXD (khoảng cách ly nhỏ nhất từ nhà hỏa táng đến khu dân cư gần nhất là 1.500 mét”.

Xét thực trạng hiện tại, dự kiến xây dựng công trình nhà hỏa táng tại dự án Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước gần với nơi tập trung dân cư đông đúc, có vị trí chỉ 200 mét, vì vậy Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội: “Không xây dựng nhà hỏa táng tại nghĩa trang Thanh Tước; việc đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện nghĩa trang Thanh Tước phải theo hướng trở thành công viên nghĩa trang với thời hạn nhất định”.

Chi bộ Đảng, các đoàn thể chính trị xã hội cùng nhân dân xã Thanh Lâm và các xã chịu ảnh hưởng từ nghĩa trang Thanh Tước thu thập thêm hồ sơ văn bản liên quan đến dự án này đã phát hiện thêm nhiều điều bất hợp lý.

16-24-06_img_4257
Nước ô nhiễm xả thẳng từ nghĩa trang ra môi trường

Thứ nhất, ngày 28/5/2012, UBND TP Hà Nội ra quyết định số 2281/QĐ-UBND giao nhiệm vụ cho Trung tâm phát triển quỹ đất TP Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện công tác GPMB theo quy hoạch dự án xây dựng mới nhà lưu tro, lưu cốt và nhà hỏa táng tại khu vực nghĩa trang Thanh Tước, trong đó nguồn kinh phí GPMB được TP tạm ứng từ Quỹ phát triển đất thành phố. Điều người dân thắc mắc là lúc này nhiệm vụ quy hoạch của dự án trên còn chưa được phê duyệt!

Thứ hai, như văn bản 1008 của Bộ Xây dựng đã nêu về QCVN, cho thấy Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội là cơ quan chủ trì thẩm định, tham mưu cho UBND TP đồng thời cũng là cơ quan ký quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án này chưa thể hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình.

Điều này thể hiện rõ nhất là Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội hướng dẫn chủ đầu tư áp dụng quy chuẩn xây dựng ban hành năm 2008 mà không áp dụng quy chuẩn mang tính thời sự hơn là quy chuẩn ban hành năm 2010. QCVN 2010 quy định khoảng cách cự ly an toàn là 1.500 mét chứ không phải 500 mét như QCVN 2008.

“Chẳng lẽ lợi ích của doanh nghiệp lại lớn hơn lợi ích của nhân dân?” – đông đảo nhân dân các xã chịu ảnh hưởng của nghĩa trang Thanh Tước đặt câu hỏi.

Dân xin nước, chính quyền cho lửa

Rất nhiều hộ dân thuộc tổ 3 khu đường 23 sống rất gần nghĩa trang Thanh Tước, có nhiều hộ cách khu vực mộ chôn chỉ vài chục mét. Theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCVN07:2010) thì nghĩa trang chôn một lần phải cách khu dân cư khoảng 500 mét.

Thực tế, họ đang chung sống gần khu chôn mộ tươi đã nhiều năm nay. Sau hơn 6 năm về làm công dân Thủ đô, bà con hằng ngày vẫn phải đối diện với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, ô nhiễm không khí, đường ống nước sạch không có.

Người dân khu đường 23 còn có đường nước sạch “mua chui” từ thị xã Phúc Yên, trong khi đó 100% nhân dân thôn Văn Lôi với 1.080 hộ, 4.300 nhân khẩu đang phải dùng nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Họ mong đợi đường ống nước sạch từ nhiều năm nay nhưng chưa thấy.

Cùng với đó là đời sống xã hội có nhiều bất cập. Mỗi khi có đám tang là ùn tắc giao thông xảy ra. Thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ, khi các gia đình đến thăm viếng mộ thì rác thải từ vàng mã, hoa quả, vỏ đồ uống lan tràn. Thậm chí, vì lợi nhuận từ kinh doanh nghĩa trang, đồi thông có tuổi đời 30-40 năm bị chặt phá không thương xót.

Trong khi các dự án trọng điểm, dự án dân sinh cần thiết không được quan tâm, đời sống của những người đang sinh sống không được chú ý. Các cấp chính quyền lại lo xa cho người cõi âm. Thật đúng là trời hanh vật khô, dân xin nước, chính quyền lại cho mồi lửa!

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.