| Hotline: 0983.970.780

Người dân khát bên công trình cấp nước hàng tỷ đồng bỏ hoang

Thứ Hai 08/08/2022 , 11:05 (GMT+7)

Trong khi nhiều hộ dân đang phải dùng nguồn nước nhiễm phèn, không đảm bảo vệ sinh thì công trình cấp nước được đầu tư hàng tỷ đồng lại bỏ hoang gần 4 năm qua.

Công trình cấp nước ở xã Tiên Thọ (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 3 tỷ đồng nhưng hoạt động được 1 thời gian rồi bỏ hoang gần 4 năm qua. Ảnh: L.K.

Công trình cấp nước ở xã Tiên Thọ (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 3 tỷ đồng nhưng hoạt động được 1 thời gian rồi bỏ hoang gần 4 năm qua. Ảnh: L.K.

Theo tìm hiểu của PV, vào khoảng năm 2010 trở về trước, người dân ở xã Tiên Thọ (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch khi nguồn nước ở địa phương thường bị nhiễm phèn. Trong khi đó, đa phần điều kiện kinh tế của người dân nơi đây đều khó khăn nên không đủ chi phí để khoan, đào giếng sâu lấy nước sinh hoạt.

Từ thực tế trên, chính quyền xã Tiên Thọ đã có đề xuất lên sở, ngành để xây dựng 1 công trình cấp nước phục vụ đời sống, sinh hoạt cho bà con. Đáp ứng nguyện vọng này, một công trình nước sạch đã được xây dựng tại thôn 3 (xã Tiên Thọ) với kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng. Công trình do Phòng NN-PTNT huyện Tiên Phước làm chủ đầu tư đến năm 2011 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Theo thiết kế, công trình sẽ đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho 230 hộ dân ở thôn 2 và thôn 3 (xã Tiên Thọ). “Lúc công trình hoàn thành, rất nhiều hộ dân ở địa phương đồng tình hưởng ứng và lắp đường ống để sử dụng. Công trình cũng đã phát huy hiệu quả trong 1 thời gian”, bà Lê Thị Nam, Trưởng thôn 3 cho biết.

Sau đó, UBND xã Tiên Thọ đã giao việc quản lý công trình cho Hợp tác xã Sông Tiên. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, công trình nước sạch xã Tiên Thọ liên tục gặp nhiều sự cố, hư hỏng như hỏng mô tơ, vỡ đường ống, đến mùa hè thì giếng khoan không đủ nước để bơm cấp cho công trình.

Bên ngoài công trình được rào bằng lưới sắt, nhà điều hành bên trong luôn trong tình trạng khóa kín cửa. Ảnh: L.K.

Bên ngoài công trình được rào bằng lưới sắt, nhà điều hành bên trong luôn trong tình trạng khóa kín cửa. Ảnh: L.K.

Không được sự quan tâm của chính quyền xã, Hợp tác xã lại không đủ nguồn lực để duy trì, sửa chữa nên đến năm 2016, 2 hộ dân trong xã đã xin chủ trương rồi bỏ ra hơn 20 triệu đồng để sửa chữa công trình nước sạch, vận hành trở lại. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, công trình tiếp tục hư hỏng, 2 giếng khoan của công trình bị cạn nước. Từ đó, công trình cấp nước ở xã Tiên Thọ bị bỏ hoang cho đến nay.

Theo quan sát của PV, tại công trình cấp nước này sau nhiều năm không sử dụng đã hoang phế, xuống cấp. Toàn bộ khu vực được rào và khóa bằng lưới sắt. Nhà điều hành luôn trong tình trạng khóa kín cửa. Nắp đậy bằng bê tông của các bể chứa nước, hệ thống đường ống bị vỡ, gãy nằm ngổn ngang. Khu vực xung quanh công trình cây cối mọc um tùm, chắn hết cả lối đi.

Theo ông Nguyễn Quân (trú thôn 3, xã Tiên Thọ) – 1 trong 2 người tự bỏ tiền ra để sửa chữa công trình cho rằng, trước đây việc thi công không đảm bảo nên hệ thống đường ống nhanh chóng bị gãy, vỡ. Sau khi ông bỏ tiền ra sửa chữa nhưng được khoảng 2 năm, do nhiều tác động, công trình lại tiếp tục bị hư hỏng, đành bỏ hoang cho đến nay đã gần 4 năm.

Bể chứa, hệ thống đường ống sau nhiều năm không sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: L.K.

Bể chứa, hệ thống đường ống sau nhiều năm không sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: L.K.

Trong khi đó, thời gian đầu, toàn xã có đến trên 170 hộ có nhu cầu dùng nước sạch. Ngoài các hộ dân được hỗ trợ thì những hộ còn lại đã bỏ ra một khoảng tiền từ 650.000 – 1.000.000 đồng để lắp đặt đường ống, đồng hồ. Tuy nhiên, việc bỏ chi phí mà chỉ sử dụng được 1 thời gian ngắn nên các hộ dân rất bức xúc, nhiều lần kiến nghị lên xã để đề xuất cơ quan chức năng sớm sửa chữa, đưa công trình hoạt động trở lại.

“Do nguồn nước ở địa phương đa phần bị nhiễm phèn, không đảm bảo vệ sinh nên việc ăn uống nhiều hộ phải sử dụng nước bình. Còn nước sinh hoạt, ai có điều kiện sẽ khoan giếng, nhà nào không khoan được thì dùng nhờ người khác. Hiện nay, nếu có công trình nước sạch đảm bảo thì nhu cầu ở địa phương là rất lớn, lên đến hàng trăm hộ. Trong khi công trình cấp nước trước đây lại bỏ hoang nhiều năm nay, rất lãng phí”, ông Quân nói.

Trao đổi với PV, ông Lê Anh Minh, Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ cũng thừa nhận, hiện nay tại thôn 2 và thôn 3 đặc biệt là khu vực chợ và các tiểu thương đang phải dùng nước giếng, nhiễm phèn. Do đó, nhu cầu sử dụng nước sạch ở đây là rất lớn. Do đó, hiện nay, chính quyền xã đang làm hồ sơ, lấy ý kiến của người dân để xem nhu cầu của họ như thế nào sau đó trình UBND huyện Tiên Phước thống nhất phương án sữa chữa, khắc phục công trình nước sạch nói trên.

“Qua khảo sát, 1 số đoạn đường ống của công trình vẫn còn có thể sử dụng được. Do đó, nếu sửa chữa công trình, tiếp tục lấy nước trong khu vực trước đây từ 2 giếng khoan thì kinh phí hết khoảng 200 triệu đồng. Còn mở rộng ra, lấy ở khu vực khác thì phải xây đập dâng, chi phí cho hoạt động này lên đến gần 1 tỷ đồng”, ông Minh nói.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.