| Hotline: 0983.970.780

Khó khăn trong việc đưa nước sạch lên xã vùng cao

Thứ Bảy 30/07/2022 , 20:19 (GMT+7)

QUẢNG NINH Sau sáp nhập, đến nay, nhiều khu vực của TP Hạ Long, nhất là các xã vùng cao như Kỳ Thượng, Đồng Sơn, người dân vẫn chưa được sử dụng nước sạch.

Những khó khăn hiện hữu

Sau sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, đến nay, nhiều khu vực của thành phố, nhất là các xã vùng cao, người dân vẫn chưa được sử dụng nước sạch. Nằm cách trung tâm TP Hạ Long khoảng hơn 40 km, Kỳ Thượng là xã miền núi có diện tích tự nhiên 9.780,16 ha. Xã có 3 thôn gồm: thôn Khe Lương, thôn Khe Tre, thôn Khe Phương. Toàn xã có 232 hộ dân với 860 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao chiếm trên 98%.

Hơn 10 năm về trước, người dân tại xã Kỳ Thượng phải sử dụng nước suối để tắm giặt, ăn, uống. Vào ngày thời tiết hanh khô, ít mưa, những con suối trở nên cạn kiệt và ô nhiễm. Ngày ngày, người dân phải ra suối để xách nước về sinh hoạt. Mùa mưa, suối đầy, nhưng nước lại đục ngầu, đó là chưa kể rác thải, động vật thối rữa, trôi từ đầu nguồn về. Mặc dù biết là không đảm bảo vệ sinh, nhưng người dân vẫn phải sử dụng.

Hiện nay, người dân tại xã Kỳ Thượng sử dụng nước hợp vệ sinh từ mạch ngầm trên núi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện nay, người dân tại xã Kỳ Thượng sử dụng nước hợp vệ sinh từ mạch ngầm trên núi. Ảnh: Nguyễn Thành.

"Mỗi lần xuống suối lấy nước, nguy hiểm luôn rình rập vì địa hình thì dốc, trơn trượt, lởm chởm đá. Không ít lần khiến bà con bị ngã đến trầy xước tay chân", ông Bàn Văn Vi, trưởng thôn Khe Phương chia sẻ.

Cũng theo ông Vi, vài năm trở lại đây, khi xã Kỳ Thượng tập trung xây dựng nông thôn mới, các công trình thủy lợi, cấp nước được xây dựng giúp bà con nơi đây đã có nước hợp vệ sinh để sử dụng.

Cụ thể, nguồn nước này được lấy từ các mạch nước ngầm trên núi cao, sau đó dẫn nối về các bể chứa được xây dựng ở những ngọn đồi thấp hơn. Từ đó, nước được trải qua hệ thống lắng lọc rồi theo các ống dẫn về từng hộ dân ở vị trí thấp hơn. 

Tuy nhiên, do diện tích tự nhiên rộng, dân cư thưa thớt, cộng với địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối, đồi núi, giao thông đi lại khó khăn nên có những bể chứa nằm sâu trong rừng, phải đi bộ khoảng vài cây số mới tới được. Do đó, công tác duy tu, bảo trì không được thường xuyên. 

Có thể nói, việc đầu tư công trình nước tự chảy với một xã nghèo như Kỳ Thượng đã mang lại một ý nghĩa hết sức to lớn. Nhờ các công trình này mà người dân được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, giúp đảm bảo sức khỏe, là tiền đề để nâng cao chất lượng sống nơi vùng sâu, vùng xa này.

Nước từ các bể chứa sẽ theo đường ống dẫn chảy đến từng hộ dân trên địa bàn xã. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nước từ các bể chứa sẽ theo đường ống dẫn chảy đến từng hộ dân trên địa bàn xã. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Linh Du Hồng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết, mục tiêu đến năm 2025, xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, không còn nhà tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt 100%, tỷ lệ kênh mương, hệ thống thủy lợi được kiên cố hóa 100% đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt từ 70% trở lên, sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 100%.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc đưa nước sạch đến các xã vùng cao như Kỳ Thượng gặp rất nhiều khó khăn. Con đường lên xã là đường đèo quanh co, khúc khuỷu, xã lại có độ cao gần 1000m so với mực nước biển. Chính vì vậy, muốn đưa nước sạch lên địa bàn cần rất nhiều chi phí lắp đặt, xây dựng.

Chưa kể, người dân xã Kỳ Thượng mới ra khỏi diện 135, thu nhập người dân ở mức khiêm tốn, khoảng 56,3 triệu/năm, để người dân chuyển sang dùng nước sạch trả phí cần nhiều thời gian để tuyên truyền cũng như cần nâng cao thu nhập của người dân, từ đó nâng tầm chất lượng cuộc sống, trong đó có nhu cầu sử dụng nước sạch.

Đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung

Hiện nay, đơn vị cung cấp nước sạch cho các địa phương là Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh. Để nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, đến nay, công ty đã cơ bản hoàn thành đấu nối, cấp nước ổn định, liên tục cho hầu hết các hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Quảng Ninh cho biết, để góp phần cùng TP Hạ Long từng bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I, cũng như cải thiện, nâng cao năng lực cấp nước, đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước sạch cho các hộ khách hàng, công ty đang tập trung chỉ đạo các xí nghiệp thành viên tăng cường năng lực cấp nước của các nhà máy nước; tiếp tục nghiên cứu, mở rộng phạm vi cấp nước tại các vùng đô thị, ven đô thị và nông thôn.

Đập Thác Nhòng cung cấp nước nguồn cho nhà máy nước Đồng Ho (TP Hạ Long), qua xử lý thành nước sạch cung cấp cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đập Thác Nhòng cung cấp nước nguồn cho nhà máy nước Đồng Ho (TP Hạ Long), qua xử lý thành nước sạch cung cấp cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thành.

Với các xã miền núi như Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Đồng Lâm... do đặc thù địa hình, xa trung tâm, điều kiện cấp nước khó khăn, TP Hạ Long đang nghiên cứu chủ trương đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung cho các xã này, với các hạng mục chính như đập tràn lấy nước, khu xử lý và cấp nước sạch, hệ thống điện và hệ thống đường ống cấp nước thô; đảm bảo đủ về lưu lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

Theo đó, các hệ thống cấp nước này có công suất 500m3/ngày đêm cho xã Đồng Sơn; 200m3/ngày đêm cho xã Kỳ Thượng; 661m3/ngày đêm cho xã Đồng Lâm... Tổng mức đầu tư khái toán gần 190 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố.

Thời gian thực hiện dự kiến từ 2024-2027. Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành sẽ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, nâng cao đời sống của người dân.

Có thể khẳng định, nước sạch nông thôn là một trong những công trình thiết yếu, không chỉ giúp cải thiện điều kiện sống, nâng cao nhận thức của người dân khu vực nông thôn mà còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh cần chú trọng hơn nữa đến công tác này và thực hiện một cách sáng tạo, phù hợp với từng địa phương, từ đó tạo điều kiện cho bà con được dùng nước sạch hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe.

Tổng lượng nhu cầu nước khai thác, sử dụng hàng năm của tỉnh Quảng Ninh hiện tại vào khoảng 431,28 triệu m3/năm, trong đó lượng nước sử dụng cho nông nghiệp (gồm trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản) với tần suất 85% là 236,93 triệu m3/năm (chiếm 54,94%), nước cho công nghiệp và dịch vụ 77,91 triệu m3/năm (chiếm 18,06%), nước cho sinh hoạt tại đô thị, du lịch và nông thôn 100,91 triệu m3/năm (chiếm 23,40%) và nước cho môi trường 15,53 triệu m3/năm (chiếm 3,60%).

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.