| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ đàn vật nuôi sau mưa lũ

Thứ Ba 15/08/2023 , 15:09 (GMT+7)

Yên Bái đang khẩn trương thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.

Trận lũ lịch sử vừa qua đã để lại nhiều mất mát lớn về người và tài sản ở huyện Mù Cang Chải. Hoạt động chăn nuôi của người dân cũng ảnh hưởng thiệt hại nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy PCTT - TKCN huyện, mưa lũ và sạt lở đất đá đã làm chết trên 400 con gia súc, trong đó có 18 con trâu, 10 con bò, 35 con dê và hơn 350 con lợn. Ngoài ra, còn có trên 1.300 con gia cầm các loại bị chết do lũ cuốn trôi và bị vùi lấp. Các xã có đàn vật nuôi bị thiệt hại nặng nhất là: Hồ Bốn, Lao Chải, Kim Nọi.

Hộ gia đình ông Giàng A Trống ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải bị mưa lũ cuốn trôi hoàn toàn về nhà ở và các tài sản khác. Đàn gia súc của gia đình ông Trống cũng bị thiệt hại nặng nề, trong đó có 4 con trâu và 3 con lợn bị chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi. Hiện, gia đình chỉ còn duy nhất một con trâu bị thương. Gia đình ông đang tích cực chăm sóc để duy trì tài sản duy nhất còn sót lại này.

Đàn gia súc chính của huyện Mù Cang Chải được tiêm phòng vacxin bệnh lở mồm long móng và viêm da nổi cục. Ảnh: Thanh Tiến.

Đàn gia súc chính của huyện Mù Cang Chải được tiêm phòng vacxin bệnh lở mồm long móng và viêm da nổi cục. Ảnh: Thanh Tiến.

Mưa lũ đã làm xác động vật chết và nguồn nước thải chăn nuôi tràn ra môi trường, cùng với thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh. Không chỉ thế, huyện Mù Cang Chải còn là địa bàn đã từng xuất hiện các loại dịch bệnh như: dịch tả lợn Châu Phi, dịch lở mồm long móng ở gia súc, dịch bệnh cúm gia cầm… chính vì vậy, ngay sau mưa lũ, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được phòng chuyên môn của huyện nhanh chóng triển khai.

Ông Lương Văn Thư - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mù Cang Chải cho biết: “Ngay khi đợt mưa lũ kết thúc, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn đến cơ sở để nắm tình hình thiệt hại. Đồng thời, chỉ đạo đội ngũ thú y cơ sở tuyên truyền, hỗ trợ người chăn nuôi vệ sinh môi trường, phun khử trùng tiêu độc chuồng trại nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh có thể phát sinh.

Cùng đó là tổ chức thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho gia súc, gia cầm theo đúng quy định. Đặc biệt, đối với các hộ chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị chết do thiên tai, đơn vị sẽ tham mưu cho tỉnh và huyện thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân tái đàn để ổn định sản xuất".

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái đang phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai phương án để khôi phục, tái đàn vật nuôi, giúp các hộ chăn nuôi khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, Chi cục cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với đơn vị chuyên môn để hướng dẫn cụ thể một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau mưa lũ.

Theo đó, cán bộ của Chi cục đã cùng cán bộ phụ trách lĩnh vực thú y của Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển nông nghiệp huyện tổ chức hướng dẫn các hộ chăn nuôi thu gom, xử lý gia súc, gia cầm chết và nhanh chóng tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng nuôi và khu vực xung quanh.

Người dân Mù Cang Chải không thả gia súc lên rừng trong mùa mưa lũ và chuẩn bị nguồn thức ăn xanh dự trữ. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân Mù Cang Chải không thả gia súc lên rừng trong mùa mưa lũ và chuẩn bị nguồn thức ăn xanh dự trữ. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết: "Bên cạnh việc tiêm phòng các loại dịch bệnh, chúng tôi cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Thường xuyên giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nếu thấy có biểu hiện bệnh cần khẩn trương báo cho cán bộ thú y cơ sở biết để kịp thời xử lý. Tăng khẩu phần ăn cho đàn vật nuôi để gia tăng sức đề kháng… Đây là được xem giải pháp phòng bệnh hiệu quả và quan trọng nhất trong thời điểm này.

Thời gian qua, huyện Mù Cang Chải đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa kết hợp với phát triển những sản phẩm, đối tượng vật nuôi có tiềm năng và lợi thế của huyện.

Từ năm 2020 đến nay huyện đã hiện hỗ trợ cho 298 cơ sở chăn nuôi theo hướng hàng hóa hoặc đặc sản hữu cơ. Hiện tổng đàn gia súc chính của huyện ước đạt 83.500 con, đàn gia cầm ước đạt 225.000 con. 

Hiện nay, mới chỉ mới bắt đầu vào mùa mưa bão ở khu vực phía Bắc, dự báo tình hình mưa bão sẽ còn tiếp diễn và thời tiết mưa nhiều gây ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh dịch trên đàn vật nuôi phát sinh. Trong đó, loại bệnh dễ phát sinh nhất như bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tụ huyết trùng, lở mồm long móng và cúm gia cầm. Do vậy, để phòng ngừa dịch bệnh, bà con nông dân cần chủ động tiêm phòng vacxin các bệnh cho đàn vật nuôi, đồng thời, thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.