| Hotline: 0983.970.780

Người dân mòn mỏi chờ hỗ trợ thiệt hại do thiên tai

Thứ Hai 11/07/2022 , 13:09 (GMT+7)

Quảng Nam: Đến nay, đã gần 2 năm từ khi thiên tai ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất nhưng nhiều hộ dân ở các địa phương tỉnh Quảng Nam vẫn chưa nhận được hỗ trợ.

Đợt mưa lũ vào cuối năm 2020 đã khiến cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: L.K.

Đợt mưa lũ vào cuối năm 2020 đã khiến cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: L.K.

Nằm ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Quảng Nam thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, nhất là vào thời điểm cuối năm. Liên tiếp những cơn bão đổ bộ, kèm theo mưa lớn đã khiến cho nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Việc khắc phục hậu quả, ổn định lại sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, đợt mưa lớn vào tháng 10/2020 được xem là là một đợt lũ lụt lịch sử mới, được đặt mức báo động IV, thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn của Việt Nam, ảnh hưởng sâu rộng và tác động gây tổn thất, thiệt hại toàn khu vực miền Trung, trong đó có Quảng Nam. Nhà cửa, tài sản, ruộng nương của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh này bị tàn phá. Nặng nề nhất là ở những huyện miền núi của tỉnh này như Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn…

Tại huyện Nam Giang (Quảng Nam), sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền huyện đã tiến hành thống kê thiệt hại và gửi báo cáo lên các sở ngành cấp trên để có phương án giúp người dân khắc phục hậu quả. Thế nhưng, đến thời điểm này, chỉ còn vài tháng nữa là tròn 2 năm nhưng người dân tại đây vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ nào.

Người dân mong muốn sớm được hỗ trợ thiệt hại để ổn định cuộc sống và tái sản xuất. Ảnh: L.K.

Người dân mong muốn sớm được hỗ trợ thiệt hại để ổn định cuộc sống và tái sản xuất. Ảnh: L.K.

Ông Hôih Blum (trú thôn Cà Lai, xã Cà Dy, huyện Nam Giang) cho biết, thiên tai năm 2020 đã khiến cho gia đình ông thiệt hại hơn 500m2 cây keo 3 năm tuổi, cùng một số diện tích hoa màu khác. “Người đồng bào Cơ Tu chúng tôi sống chủ yếu dựa vào rừng và sản xuất nông nghiệp. Nhưng bây giờ, mô hình kinh tế đã bị thiệt hại, tiền hỗ trợ cũng thưa thấy về, người dân biết lấy gì mà tái sản xuất, khôi phục kinh tế”, ông Blum chia sẻ.

Gia đình ông Hôih Blum chỉ là 1 trong số rất nhiều trường hợp ở huyện Nam Giang chưa thể nhận được tiền hỗ trợ sau thiên tai. Theo ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, qua thống kê, trên địa bàn huyện vẫn còn 4 xã với khoảng 2.500 hộ dân chưa nhận tiền hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh với số tiền 8,7 tỷ đồng.

“Việc chậm chi trả khiến người dân bức xúc nên tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri người dân liên tục kiến nghị về vấn đề này. Huyện cũng đã có báo cáo cụ thể thiệt hại gửi về Sở NN-PTNT đề nghị làm việc với Sở Tài chính, sớm tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thiệt hại do thiên tai gây ra để huyện sớm thực hiện hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, kịp thời ổn định cuộc sống”, ông Chương nói.

Còn tại huyện Tây Giang, thông tin từ lãnh đạo huyện này cho hay, thiên tai năm 2020 gây thiệt hại cho địa phương khoảng 7,1 tỷ đồng. Để kịp thời giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, cùng với ngân sách của tỉnh và trung ương, địa phương cũng đã tạm ứng ngân sách để triển khai hỗ trợ. Tuy nhiên, qua đánh giá, đến nay cũng chỉ mới hỗ trợ được khoảng 40% trong số thiệt hại là 7,1 tỷ đồng.

Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở khu vực ven sông của bà con huyện Nam Giang bị vùi lấp. Ảnh: L.K.

Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở khu vực ven sông của bà con huyện Nam Giang bị vùi lấp. Ảnh: L.K.

Về nguyên nhân của tình trạng này, ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho rằng, việc chậm chi trả hỗ trợ là do nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Trong đó, có việc thống kê, báo cáo chậm trễ theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch 43/2015 của Bộ NN-PTNT và Bộ KH-ĐT, do thời điểm cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh gánh chịu dồn dập nhiều cơn bão.

Cũng theo ông Linh, Thông tư liên tịch 43 quy định là sau thiệt hại, chấm dứt thiên tai 15 ngày phải báo cáo thiệt hại để tỉnh tổng hợp, báo cáo Trung ương. Sau khoảng thời gian này, nếu không tổng hợp, báo cáo thì sẽ không được giải quyết. Trong khi thời điểm đó mưa bão rất tàn khốc, thông tin liên lạc với xã vùng cao gần như bị đứt gãy hoàn toàn do tình trạng sạt lở. Vì thế, việc thống kê có phần chậm hơn so với Thông tư liên tịch 43 quy định.

Liên quan đến vấn đề chậm hỗ trợ thiệt hại cho người dân, ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, nguyên nhân chậm hỗ trợ cho dân là do một số huyện báo cáo thiếu, buộc phải báo cáo bổ sung dẫn đến sai với Thông tư liên tịch 43/2015. Vì vậy, tỉnh không tổng hợp để hỗ trợ theo nguồn đó nữa nên gây ra vướng mắc tại một số huyện như hiện nay.

“Về vấn đề này, Sở đã báo cáo với UBND tỉnh để có hướng xử lý, xem xét giải quyết. Trong trường hợp tỉnh còn dự phòng ngân sách thì sẽ chi về các địa phương để hỗ trợ cho người dân. Thực tế thiên tai xảy ra mà tổng hợp, báo cáo chỉ trong 15 ngày thì cũng khổ cho các huyện. Thông tư liên tịch 43/2015 bất cập khi áp dụng, và thực tế chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh kiến nghị Trung ương điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế”, ông Tý nói.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 23/1, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tới đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất