| Hotline: 0983.970.780

Người dân nông thôn Đăk Lăk không lo thiếu nước sạch

Thứ Tư 12/05/2021 , 09:19 (GMT+7)

Những năm 1990, người dân nông thôn Đăk Lăk được sử dụng nước hợp vệ sinh có tỉ lệ rất thấp, nhưng đến hết năm 2020, tỷ lệ này đã đạt 95%.

Người dân vùng nông thôn được tiếp cận nước sạch. Ảnh: Quang Yên.

Người dân vùng nông thôn được tiếp cận nước sạch. Ảnh: Quang Yên.

Người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch

Theo báo cáo của Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Đăk Lăk, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh, bao gồm cả hộ sử dụng nước sạch đạt 95%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch khoảng 11,3%.

Việc người dân nông thôn được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh giúp điều kiện vệ sinh được cải thiện, góp phần làm giảm tình trạng bệnh tật, tăng cường sức khỏe.

Về mặt xã hội, việc tiếp cận được nguồn nước sạch đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về nước sạch, nâng cao nếp sống văn hóa, ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Bà H’bhet Êban, buôn Sah A, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk, cho biết trước đây khi chưa có hệ thống nước sạch các gia đình phải đào giếng để lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước không đảm bảo, nhiễm phèn nên khi người dân sử dụng ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, vào mùa khô nguồn nước không đảm bảo, thường xuyên thiếu hụt.

“Từ khi có nước sạch người dân rất vui, không phải lo về nguồn nước sinh hoạt hằng ngày. Việc đầu tư nước sạch giúp sức khỏe của người dân cải thiện, ít bệnh ngoài da như trước đây”, bà H’bhet Êban nói.

Theo ghi nhận của phóng viên tại buôn Sah A, xã Ea Tul, hiện đa số người dân đã bắt nước sạch để sinh hoạt. Đời sống người dân ngày được nâng cao, không phải lo lắng về vấn đề nước sinh hoạt hằng ngày.

Ông Y Vôn Niê, Trạm trưởng Trạm cấp nước sinh hoạt xã Ea Tul cho biết, công trình đang cấp nước cho 954 hộ dân tại địa phương với khoảng 4.300 m3 nước sử dụng mỗi tháng.

Theo ông Y Vôn Niê, từ khi tiếp nhận đến nay công trình hoạt động tốt, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn.

Người dân sử dụng nước sạch vào sinh hoạt hằng ngày, tránh các bệnh về da. Ảnh: Minh Hậu.

Người dân sử dụng nước sạch vào sinh hoạt hằng ngày, tránh các bệnh về da. Ảnh: Minh Hậu.

“Nguồn nước lấy từ mạch nước ngầm, sau đó xử lý qua lớp cát để lắng đọng. Nước được bơm vào bể để khử khuẩn bằng Clo rồi đưa lên đài cấp cho người dân. Đơn vị thường xuyên test Clo và chất lượng nước hàng tháng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế”, ông Y Vôn Niê thông tin.

Phấn đấu cấp nước cho 5% người dân còn lại

Tính đến hết năm 2020, Đăk Lăk có 201 công trình cấp nước, trong đó 112 công trình cấp nước được đầu tư hoàn chỉnh; 79 công trình đầu tư chưa hoàn thành, 10 công trình mới đưa vào hoạt động nên chưa đánh giá.

Ông Phạm Ngọc Bình, Phó giám đốc Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Đăk Lăk, cho biết về cơ bản tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt được tiêu chí mà nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.

Theo ông Bình, Trung tâm đang quản lý 34 công trình cấp nước tập trung cho người dân. Tuy số khách hàng ít nhưng chiếm đến 80% các hộ sử dụng nước sạch của tỉnh.

Trạm cấp nước sinh hoạt xã Ea Tul cho biết công trình đang cấp nước cho 954 hộ dân tại địa phương với khoảng 4.300 m3 mỗi tháng. Ảnh: Quang Yên.

Trạm cấp nước sinh hoạt xã Ea Tul cho biết công trình đang cấp nước cho 954 hộ dân tại địa phương với khoảng 4.300 m3 mỗi tháng. Ảnh: Quang Yên.

“Hiện nay, Đăk Lăk còn 5% người dân vùng nông thôn chưa tiếp cận được nguồn nước hợp vệ sinh. Theo nghị quyết của HĐND tỉnh thì đến năm 2025 phải đạt 100%, tuy nhiên đơn vị phấn đấu hoàn thành sớm hơn”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, để hoàn thành mục tiêu này thì Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Đăk Lăk sẽ rà soát lại các công trình cấp nước không đảm bảo, hoạt động kém hiệu quả. Từ đó, trung tâm đề xuất UBND tỉnh tạm dừng những công trình không hiệu quả.

“Trung tâm sẽ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ của địa phương có công trình cấp nước, kiện toàn lại tổ chức bộ máy. Tận dụng Chương trình Nông thôn mới để hoàn thành mục tiêu cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn”, vị Phó Giám đốc nói thêm.

Tuy nhiên theo ông Bình, việc cấp nước sạch nông thôn còn mang tính chất chính trị và xã hội cao hơn là tính kinh doanh dịch vụ, người dân còn trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chưa sẵn sàng chi trả tiền sử dụng nước, nên nguồn thu không đủ chi phí để duy trì hoạt động của công trình.

"Chương trình mục tiêu Quốc gia Nước sạch và VSMTNT đã thúc. Tuy nhiên chỉ tiêu nước sạch nông thôn là một trong 19 tiêu chí Nông thôn mới, nên việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ vẫn phải thực hiện", Ông Phạm Ngọc Bình, Phó giám đốc Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Đăk Lăk.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.