| Hotline: 0983.970.780

Người dân Quảng Bình chủ động phòng chống mưa lũ

Thứ Ba 19/07/2022 , 08:57 (GMT+7)

Là địa phương hứng chịu nhiều gió bão, lũ lụt, Quảng Bình đã có những bài học kinh nghiệm để hỗ trợ người dân vượt lên, chống chọi với thiên tai…

“Những năm gần đây, thiên tai ngày càng khốc liệt hơn, sức tàn phá nặng nề hơn. Nhưng người dân Quảng Bình vẫn luôn vững vàng để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Đó chính là nhờ thực hiện tốt các phương án phù hợp, hiệu quả”- ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay.

Phát huy hiệu quả  “4 tại chỗ”

Quảng Bình là vùng đất thường xuyên hứng chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai, thực tế đã chứng minh “4 tại chỗ” là bài học chưa bao giờ cũ. Qua nhiều mùa mưa bão cho thấy địa phương nào sẵn sàng phương án “4 tại chỗ” thì sẽ ứng phó hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai.

Phát huy '4 tại chỗ' là tạo nên sức mạnh trong việc hỗ trợ người dân trong mưa lũ. Ảnh: T.P

Phát huy “4 tại chỗ” là tạo nên sức mạnh trong việc hỗ trợ người dân trong mưa lũ. Ảnh: T.P

Xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) cũng được xem là địa phương vùng rốn lũ. Trong đợt mưa lũ tháng 10/2020, lực lượng xung kích đã kịp thời sơ tán những hộ dân trong khu vực nguy hiểm đến các trường học, trụ sở xã, nhà cao tầng… Việc sơ tán đã giúp tính mạng của người dân được bảo đảm. Tuy nhiên, khi địa bàn bị chia cắt dài ngày, các hộ dân phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống. Tương tự, một số gia đình có thể cầm cự với mưa lũ ngay trong ngôi nhà của mình, nhưng việc thiếu các loại nhu yếu phẩm cần thiết là bài toán khó khi thiên tai diễn biến phức tạp và lực lượng chức năng chưa thể ứng cứu… “Để “4 tại chỗ” trong mỗi gia đình phát huy hiệu quả, bên cạnh sự quan tâm và sẵn sàng các phương án ứng phó của tỉnh, các cấp, ngành, người dân cần chủ động phòng, chống thiên tai với phương châm phòng ngừa ngay từ sớm”- ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh nhìn nhận.

Theo ông Lê Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh thì trước mùa mưa lũ, mỗi gia đình cần chuẩn bị túi dự phòng khẩn cấp với đầy đủ các loại nhu yếu phẩm phù hợp. “Các đồ dùng thiết yếu như lương khô, mì tôm, đồ hộp, nước uống, bếp dầu hoặc bếp gas mini, bật lửa, thuốc, vật dụng để cưa song cửa hoặc mái nhà để thoát ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp, áo phao, xuồng… đều có trong túi”- ông Huân nói.

Cũng theo ông Huân, số lượng hàng hóa của các túi dự phòng khẩn cấp này tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu của các thành viên gia đình trong thời gian từ 5-7 ngày để trong trường hợp khó khăn nhất, người dân vẫn được đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, thay vì bị động trông chờ vào lực lượng chức năng.

Trao đổi về nội dung này, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu: “Các huyện, thị xã, thành phố và chính quyền địa phương, cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phát huy ý thức tự giác, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, chủ động phòng tránh ngay tại cộng đồng. Quá trình thực hiện, đối với số hộ nghèo nằm trong vùng nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở, lũ ống, lũ quét… tỉnh sẽ có phương án hỗ trợ. Ngân sách trung hạn và dự phòng năm 2022 đều chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống này, bảo đảm không bị động, bất ngờ trong mùa mưa lũ năm nay”.

Lực lượng xung kích địa phương cứu giúp dân trong lũ đưa đến nơi an toàn. Ảnh: T.P

Lực lượng xung kích địa phương cứu giúp dân trong lũ đưa đến nơi an toàn. Ảnh: T.P

Trong năm nay, nguồn ngân sách đầu tư công của tỉnh Quảng Bình đã ưu tiên cho các công trình thiết yếu phòng, chống thiên tai. Cùng với đầu tư cho một số công trình hồ đập, đê kè bị xuống cấp cần tu sửa, nâng cấp, ngân sách đã dành để đầu tư mới các công trình xung yếu, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn, đến đời sống, sản xuất của nhân dân trong mùa mưa lũ năm 2022.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT - TKCN kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh cho biết, ngành đang thực hiện nội dung chỉ đạo của tỉnh. Trên cơ sở thực tế ảnh hưởng của thiên tai và dự báo tình hình năm 2022, Sở đã chuẩn bị danh mục vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương án “4 tại chỗ”. “Cùng với vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm là một số công trình nhà văn hóa cộng đồng kết hợp phòng, tránh lũ cho một số địa bàn trọng yếu, thường xuyên bị ngập lụt. Qua đó, nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân trong những tình huống cấp bách nhất”- ông Minh cho biết.

Bước vào mùa mưa lũ năm nay, đặc biệt là hai đợt mưa lũ sớm vừa qua, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con chủ động các phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là sẵn sàng phương án “4 tại chỗ” bao gồm việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm đề phòng chia cắt dài ngày.

Thêm nhiều nhà văn hóa cộng đồng

Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng tài sản cho nhân dân, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai để các cấp, ngành rút kinh nghiệm.

Những mùa mưa bão trước đây, tỉnh đã triển khai cơ bản hiệu quả các giải pháp phòng chống, ứng phó, góp phần giảm nhẹ những hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Đó là tình trạng hàng trăm nghìn hộ dân bị chia cắt trong mưa lũ, đặc biệt là đợt mưa lũ tháng 10/2020, bị thiếu thức ăn và các nhu yếu phẩm cần thiết, phải trông chờ vào sự ứng cứu của chính quyền, các lực lượng chức năng và thiện nguyện. Ông Trần Thắng nhìn nhận: “Mặc dù tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân nhưng do số lượng hộ dân bị chia cắt lớn, mưa lũ kéo dài nên lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận kịp thời để cung cấp nhu yếu phẩm và hỗ trợ bà con”.

Ngay từ đầu năm nay, Quảng Bình đã khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, hướng tới mở rộng lực lượng này tới cấp thôn, bản, cộng đồng dân cư. Nâng cao năng lực, kỹ năng, khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các đội xung kích phòng, chống thiên tai. Tăng cường tập huấn, huấn luyện nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng xung kích cấp xã.

Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp nhà tránh lũ là điểm an toàn cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong mùa mưa lũ. Ảnh: T.P

Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp nhà tránh lũ là điểm an toàn cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong mùa mưa lũ. Ảnh: T.P

Việc rà soát các phương án phòng, chống thiên tai năm 2022; phương án, kế hoạch hiệp đồng, huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn liên vùng, liên xã để hỗ trợ, ứng cứu kịp thời khi thiên tai xảy ra đã được tiến hành kịp thời. Các địa phương chỉ đạo kiểm tra, nắm chắc các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lũ quét, sẵn sàng phương án sơ tán đảm bảo an toàn tính mạng người dân. “Các địa phương kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư lập phương án đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình để đưa vào vận hành khai thác trong mùa mưa bão 2022”- ông Trần Thắng nhấn mạnh.

Qua thực tế, nhà văn hóa cộng đồng kết hợp nhà tránh lũ được đánh giá là công trình hiệu quả trong ứng phó với thiên tai. Năm 2021, toàn tỉnh Quảng Bình đã có 5 nhà được đầu tư xây dựng từ ngân sách và nguồn xã hội hóa. Nhà được thiết kế kết hợp hài hòa công năng sử dụng, đáp ứng yêu cầu ứng phó với mưa lũ cũng như sinh hoạt văn hóa của người dân.

Tiếp nối những bài học kinh nghiệm này, trong danh mục các công trình ứng phó với thiên tai giai đoạn 2022-2024, Sở NN-PTNT đề xuất tỉnh đầu tư thêm 7 nhà tại những địa bàn thường xuyên bị ngập lụt. “Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp nhà tránh lũ là điểm tránh trú an toàn nhất cho người dân. Nếu mỗi khu dân cư thường bị ngập lụt có được một nhà thì sẽ tạo cho người dân sự an tâm khi sống chung với mưa lũ”- ông Mai Văn Minh nói thêm.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.