Vương Kỳ Sơn, 69 tuổi, người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI), được ca ngợi là lãnh đạo tốt nhất mà Bắc kinh có được trong 4 thập kỷ qua.
Trước khi lên ngồi ghế đứng đầu CCDI, được báo giới phương Tây ví von là “con dao xử lý vấn đề” của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Vương là một nhà cải cách kinh tế có ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc. Từ những năm đầu thập niên 1980, ông xử lý thành công mối quan hệ thương mại, kinh tế với Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Giới phân tích kinh tế thế giới, nhận định ông Vương có vai trò quan trọng trong cải cách kinh tế ở Trung Quốc.
Dao săn hổ
Cuối năm 2012, ông Vương bắt đầu được mang biệt danh “lưỡi dao” sắc bén trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Tập. Dưới sự lãnh đạo của ông Vương, CCDI đã bắt 150 quan chức cấp thứ trưởng trở lên – được gọi là “hổ” và hàng trăm nghìn quan chức cấp thấp – “ruồi”.
Vương Kỳ Sơn được cho là có thần kinh thép khi xử lý các vấn đề thuộc giới tinh hoa. Có thể kể đến các vụ án nổi tiếng Trung Quốc có sự tham gia của ông Vương như: bắt cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, bắt vợ chồng cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, điều tra hai Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng.
Giới phân tích cho rằng ông Vương đứng thứ 6 trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 người, bao gồm Chủ tịch Tập và Thủ tướng Lý. Song từ giữa năm 2013, sau 18 tháng chỉ huy CCDI “tung lưới” bắt hơn 250.000 quan tham, trong đó có 39 quan chức từ cấp thứ trưởng trở lên, quyền lực của ông Vương hiện nay được cho là chỉ đứng thứ hai sau Chủ tịch Tập.
Ông Vương đã qua tuổi nghỉ hưu không chính thức tại Trung Quốc, theo quy định là 68 tuổi. Các tiền lệ tại nước này cho thấy ông sẽ phải rời vị trí trong Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị.
Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay, đánh dấu nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai của ông Tập, với nhiều thay đổi về nhân sự cấp cao. Nhiều đồn đoán cho rằng ông Vương sẽ thế chỗ Thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc Cường.
Giới quan sát cho rằng ông Vương sẽ giúp mở khóa chương trình cải cách kinh tế của Chủ tịch Tập, bởi ông là người thực thi pháp luật, chính trị cứng rắn, am hiểu kinh tế.
Hank Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, kể rằng trong một lần gặp gỡ, ông Vương nói: “Hank, ngài đã từng là thầy giáo của tôi, nhưng hãy nhìn vào hệ thống của Mỹ, có lẽ chúng ta không chắc rằng có thể học thêm điều gì nữa từ đó”. |
“Sẽ là cú sốc lớn cho cả hệ thống nếu một người nắm được thông tin về tất cả những người khác, đột nhiên được đưa vào vị trí điều hành kinh tế”, một người từng gặp ông Vương, bình luận với Financial Times.
Thái tử đảng
Ông Tập và ông Vương đều được truyền thông nước ngoài gọi là thế hệ “thái tử đảng”. Ông Tập là con trai Tập Trọng Huân, cố Phó thủ tướng từng được Chủ tịch Mao Trạch Đông ca ngợi tài trí như Khổng Minh, nhờ chính sách mềm dẻo, ổn định tình hình khu tự trị Tân Cương.
Ông Vương có bố vợ là cố Phó thủ tướng Diêu Y Lâm, một trong những người từng ra lệnh cho xe tăng tiến vào Thiên An Môn năm 1989. Báo chính thống Trung Quốc khẳng định ông Vương tiến thân bằng tài năng bản thân, xuất phát từ một nhà nghiên cứu lịch sử và làm việc tại bảo tàng Thiên An. Vương được ca ngợi là “đội trưởng đội chữa cháy” trong đảng Cộng sản Trung Quốc, với tính cách mạnh mẽ, dám nói dám làm, không ưa nịnh bợ.
Hai thanh niên Tập, Vương quen biết nhau từ thời Cách mạng Văn hóa, khi họ thuộc tầng lớp trí thức bị đưa xuống nông thôn để “tiếp thu giáo dục” tại tỉnh Thiểm Tây. Dù bị đưa xuống hai huyện khác nhau, ông Vương vẫn từng có thời gian gặp gỡ và cho ông Tập mượn nhiều cuốn sách về kinh tế.
Các trang tin chống đối Trung Quốc ở hải ngoại, thường tung nhiều tin đồn về đời tư hoặc sự vắng mặt của ông Vương trước công chúng. Có tin nói ông Vương qua lại với nữ ngôi sao điện ảnh Phạm Băng Băng, tin khác nói ông có con gái ngoài giá thú hiện sống ở Australia. Song các tin này không gây được nhiều chú ý ở Đại lục, nơi ông Vương được biết tới là người không có con cái và dành nhiều tình cảm cho vợ.
Các chuyên gia nghiên cứu chính trị Trung Quốc, cho biết sự vắng mặt bất thường của ông Vương, thay vì giống như các trang tin đồn đoán, lại cho thấy ai đó trong giới quan chức gặp vấn đề, chứ không phải bản thân ông Vương.
Dẫn chứng là việc hồi đầu tháng 7, sau một thời gian ông Vương không xuất hiện, Bí thư thành phố Trùng Khánh là Tôn Chính Tài bị bắt với lý do quen thuộc trong những vụ án quan tham - “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật”. Là quan chức của một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc, ông Tôn từng được coi là người kế nhiệm Chủ tịch Tập.
Trong một video rò rỉ về cuộc họp nội bộ của CCDI, ông Vương từng đùa với một đồng nghiệp, người phản đối ông về việc chưa sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới đầy thử thách: “Tôi xin lỗi nhưng tôi không sẵn sàng nhận nhiệm vụ đứng đầu CCDI vào năm 2012. Ai có thể nghĩ rằng tôi sẽ kết thúc thời công tác với nhiệm vụ này? Nó ngoài dự tính của bất cứ ai. Tôi không thổi phồng mọi chuyện phải không nhỉ?”. Video cũng cho thấy ông Vương tuyên bố: “Cuộc chiến chống tham nhũng không phải là cơn gió thoảng qua trong vài ngày. Nó đã bắt đầu, và không có kết thúc”. |