Với khoảng 130 thành viên, được trao quyền lực đặc biệt khi điều tra nghi án tham nhũng của các quan chức, CCDI không phải trả lời bất cứ cơ quan nào từ tòa án đến cảnh sát. Họ báo cáo thẳng sự việc với các lãnh đạo cao cấp nhất tại Trung Quốc.
Ông Vương Kỳ Sơn, người đứng đầu CCDI. Ảnh: SCMP |
Rất ít người được biết những điều gì đang xảy ra ở CCDI, cơ quan mang nhiều màu sắc bí ẩn tại Trung Quốc. CCDI được trao quyền điều tra bất cứ quan chức nào, từ cấp cao tầm cỡ Ủy viên Bộ Chính trị, cho đến giới chức địa phương. Tại Trung Quốc, cũng rất ít người biết về cách thức hoạt động của CCDI, theo tờ Washington Post (Mỹ).
Các học giả Mỹ nghiên cứu về chính trị Trung Quốc, cho rằng CCDI thực sự “lột xác” từ năm 2012, khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, nó trở thành vũ khí chính của ông Tập trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” hay “săn cáo”.
Bí ẩn
Tổng hành dinh của CCDI đặt tại Bắc Kinh, song nó không được thể hiện trên hầu hết các loại bản đồ ở Trung Quốc. Đó là một tòa nhà có nhiều lính gác, được bao quanh bằng bức tường cao hơn 2,1 mét, gần như có thể tránh mọi nhòm ngó từ bên ngoài. Trên bức tường, chỉ duy nhất có số hiệu đánh dấu địa chỉ như nhiều tòa nhà khác. Khu vực này bị cấm chụp ảnh, bất cứ ai dừng lại chụp sẽ bị yêu cầu xóa ảnh, mời đi nơi khác.
Một số người từng được vào bên trong, do chức trách, hoặc do mối quan hệ khác, kể với Washington Post với điều kiện giấu tên, rằng tổng hành dinh CCDI được bài trí khá đơn giản, không màu mè. Bên trong tòa nhà cất giữ hàng chục nghìn tài liệu điều tra về các vụ án đảng viên tham nhũng, được bảo mật rất cao, cần nhiều bước phức tạp để mở khóa tài liệu. Ngay giữa sân của CCDI là một cây gỗ bồ kết ba gai khoảng 350 năm tuổi. Cây này biểu trưng cho “chí công vô tư”, không thiên vị trong thực thi pháp luật.
Một cuộc điều tra án tham nhũng ở CCDI thường có nhiều bước, đầu tiên là giai đoạn “tiền điều tra”. Các điều tra viên của CCDI lúc này sẽ thu thập tài liệu để trình lên quan chức cấp cao hơn, gồm cả các thành viên trong Bộ Chính trị đầy quyền lực của Bắc Kinh. Cuộc điều tra chính thức, mở rộng, chỉ được bắt đầu nếu các lãnh đạo của Bộ Chính trị đồng ý. Sau khi điều tra, sẽ có một phiên tòa bí mật diễn ra trong tổng hành dinh CCDI. Các quan chức bị điều tra hay luật sư không được phép có mặt tại đây. “Đó không phải là một phiên tòa như hầu hết mọi người thường nghĩ. Về cơ bản, các nhân viên của CCDI đọc báo cáo cho cấp trên nghe”, một cựu nhân viên CCDI nói.
Người đứng đầu CCDI là ông Vương Kỳ Sơn, được coi là có quyền lực thứ hai tại Trung Quốc, chỉ sau Chủ tịch Tập Cận Bình. “Người ta sợ ông Vương hơn ông Tập, gặp ông Vương chắc chắn không phải điều các quan chức mong muốn”, một quan chức CCDI, nói. |
CCDI được giới lãnh đạo Bắc Kinh trao cho quyền lực đặc biệt, họ có thể thu giữ bằng chứng, tạm giữ một quan chức trong Đảng Cộng sản suốt thời gian vài tháng mà không cần lệnh bắt. Tuy nhiên, điều tra viên của CCDI cũng chịu một vài hạn chế, họ không được “chọc ngoáy” vào điện thoại của đối tượng điều tra, hoặc sử dụng biện pháp dò la bí mật, hai cựu quan chức CCDI kể.
Bí mật trong bí mật
Công việc chính của CCDI là thanh tra, sự xuất hiện của các nhóm nhân viên CCDI tại vùng nông thôn luôn là nỗi ám ảnh với nhiều quan chức tại đây. Các nhân chứng nói CCDI thường thiết lập văn phòng tại các khách sạn địa phương, trong khoảng hai đến ba tháng, gặp gỡ hàng chục quan chức từ cấp thấp đến cấp trung. Họ cũng sẽ dùng nhiều biện pháp để thu thập các phàn nàn từ giới chức và công chúng với lãnh đạo địa phương, đảm bảo người tố cáo có thể ẩn danh. Người của CCDI đến địa phương thường không bao giờ theo một chương trình định trước.
Lâm Triết (Lin Zhe), một giáo sư tại trường đảng trung ương Trung Quốc, từng tới thăm một trung tâm điều tra của CCDI đặt tại Thượng Hải, cho biết điều đặc biệt nhất ở đây là tường của các căn phòng thẩm vấn, giam giữ, luôn được bọc bằng cao su. Bà Lâm nói thiết kế này nhằm ngăn chặn nhiều quan chức khi bị gọi tới văn phòng của CCDI đã liều lĩnh tự tử.
Tổng hành dinh CCDI tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Quan chức bị CCDI triệu tập, có thể phải ở đây trong vài tháng, với khá đủ tiện nghi từ phòng tắm, bàn ghế, sofa. Từng có nhiều ý kiến chỉ trích về việc CCDI tra tấn, khủng bố tinh thần... song chưa có chứng cứ cụ thể nào được đưa ra. CCDI cũng phủ nhận mọi cáo buộc.
CCDI có nguyên tắc làm việc “bí mật trong bí mật”, ngay cả các quan chức cấp trung của cơ quan này cũng không thực sự nắm được đồng nghiệp của họ có bao người, cụ thể là những ai, theo Finacial Times. “Công việc của chúng tôi rất quan trọng. Cần phải hiểu rằng nó rất nhạy cảm”, một quan chức CCDI giải thích, với điều kiện giấu tên.
Khoảng năm 2014, khi đối mặt với nhiều chỉ trích từ những người bất đồng chính kiến ở trong và ngoài Trung Quốc, CCDI đã quyết định công khai trang web, đường dây nóng nhận khiếu nại, công khai các quy trình làm việc, điều tra.
Hồi tháng 7, Trung Quốc cho biết nước này đã kỷ luật 210.000 quan chức trong nửa đầu năm, dựa trên 1,31 triệu đơn thư khiếu nại. CCDI đóng vai trò chính trong sự kiện này, với việc điều tra 260.000 trường hợp bị nghi tham nhũng, lạm dụng chức quyền. Trong số này, có 38 quan chức cấp bộ, cấp tỉnh và 1.000 quan chức cấp thành phố. |