| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi bò ở Mỹ phấn khởi, còn ở Úc 'chưa thấy tác động'

Thứ Sáu 04/04/2025 , 08:32 (GMT+7)

Thịt bò Úc được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng, đặc biệt là ở các chuỗi cửa hàng đồng ăn nhanh. Chính phủ Úc coi đây là lợi thế đàm phán thương mại.

Tổng thống Donald Trump áp mức thuế nhập khẩu 10% đối với thịt bò từ Úc. Ảnh: Waikato Times. 

Tổng thống Donald Trump áp mức thuế nhập khẩu 10% đối với thịt bò từ Úc. Ảnh: Waikato Times. 

Mức thuế 10% đối với hàng hóa từ 3 đối tác thương mại thịt bò lớn nhất của Hoa Kỳ gồm Brazil, Úc và New Zealand được cho là "đòn bẩy" tiêu dùng nội địa.

Một số chủ trang trại ở Mỹ bày tỏ ủng hộ đối với kế hoạch thuế quan của Tổng thống Trump. Họ kỳ vọng rằng chính sách này sẽ hạn chế việc nhập khẩu thịt bò, kích cầu tiêu thụ nội địa. 

Hiệp hội Thịt bò Quốc gia và Hiệp hội chăn nuôi gia súc Hoa Kỳ (R-CALF USA) đồng tình, chính sách áp thuế quan có thể thúc đẩy một số quốc gia gỡ bỏ rào cản thương mại cho thịt bò Mỹ. 

Trong khi đó, ở Úc, hoạt động mua bán vẫn diễn ra sôi động như thường lệ. Bất chấp động thái từ phía Mỹ, các nông dân, thương nhân và đại diện ngành công nghiệp thịt bò Úc khẳng định, họ sẽ không chịu gánh nặng tài chính từ thuế quan. 

Chính phủ Úc tận dụng vai trò của ngành thịt bò nước này trong chuỗi cung ứng đồ ăn nhanh của Mỹ như một lợi thế đàm phán, nhấn mạnh rằng các nhà hàng thức ăn nhanh và chuỗi siêu thị lớn ở Mỹ sẽ chịu áp lực nếu nguồn cung bị gián đoạn hoặc giá cả tăng cao.

Ông Dhugald McDowall, một nhà chăn nuôi thuộc công ty Elders Cleary McDowall, cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa thấy tác động rõ ràng nào đến thị trường của mình. Nhưng chắc chắn là mức thuế này sẽ khiến thịt bò xuất khẩu sang Mỹ đắt đỏ hơn nhiều đối với người tiêu dùng nước họ. Vì vậy, trong ngắn hạn, tôi nghĩ đây có thể là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế Hoa Kỳ”.

Úc là nhà xuất khẩu thịt bò hàng đầu sang Hoa Kỳ, với kim ngạch đạt mức kỷ lục 4 tỷ AUD (tương đương 2,52 tỷ USD) mỗi năm. 

Tuy nhiên, trong suốt hơn hai thập kỷ qua, Úc đã cấm nhập khẩu thịt bò tươi từ Mỹ kể từ năm 2003, sau khi phát hiện bệnh bò điên (bệnh não xốp ở bò) trong đàn gia súc Hoa Kỳ. Động thái này từ lâu đã trở thành một điểm gây tranh cãi trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Không nằm ngoài dự đoán, quyết định của Úc đã khiến Trump tức giận. 

Trong tuyên bố hôm ngày 3/4 (giờ địa phương), ông chỉ trích gay gắt rằng Úc “không nhập bất kỳ sản phẩm thịt bò nào của Mỹ” ngay khi ông công bố mức thuế đối với quốc gia này.

Ông Garry Edwards, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia súc của Úc cho biết, các nhà sản xuất nước này đã gặp phải một số gián đoạn ngắn hạn trong hoạt động xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Nhưng ông tin rằng cuối cùng, người tiêu dùng Mỹ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận mức giá cao hơn để mua thịt bò Úc.

“Hoa Kỳ hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thịt bò ăn cỏ và một số loại thịt bò chất lượng cao của chúng tôi để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tôi không nghĩ rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ vui vẻ trả nhiều tiền hơn cho bánh mì kẹp thịt hoặc bít tết của họ trong thời gian tới, nhưng họ có thể không còn cách nào khác”, ông Edwards nói.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), năm 2024, Úc đã xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD giá trị thịt bò sang Hoa Kỳ, gần gấp đôi so với 5 năm trước. Trong khi đó, số lượng đàn gia súc tại Mỹ đã giảm trong những năm gần đây, đẩy giá thịt bò bít tết và thịt bò xay lên cao, đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng.

Xem thêm
Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất