| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi dưỡng những ước mơ giữa đại ngàn:[Bài 2] Trọn niềm tin vào giới trẻ

Thứ Sáu 16/08/2024 , 10:15 (GMT+7)

Quảng Bình Chỉ còn mấy năm nữa là nghỉ hưu nhưng thầy Sáu vẫn không muốn rời bản để thấy được các em như những cánh chim bay đi rồi quay trở về xây dựng bản làng…

Gần nửa cuộc đời gắn bó với lớp học ghép của các bản làng trên vùng biên viễn hay vùng biệt lập, thầy giáo Sáu cũng luôn là tấm gương cho thế hệ trẻ. Khi tuổi đã cao, chân đã không còn dẻo dai như thời trai trẻ mà thầy vẫn muốn gắn bó với trường, lớp ở những nơi còn gian khó ấy.

“Tôi cũng không có nguyện vọng xin về xuôi đâu. Những năm tháng cuối tôi vẫn muốn truyền dạy cho các em ước mơ xanh để thấy các em trưởng thành”, thầy Sáu bộc bạch.

Những đứa trẻ ở bản Đoòng bên gia đình. Ảnh: T. Đức.

Những đứa trẻ ở bản Đoòng bên gia đình. Ảnh: T. Đức.

Người bí thư chi bộ đầu tiên

Ở bản Đoòng, thầy giáo Hoàng Văn Sáu như người con của bản. Già Tòa, trưởng bản quý thầy lắm, có việc gì cũng bàn bạc với thầy. Khi Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới thì nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ vùng lõi rừng càng nghiêm ngặt hơn. Già Tòa bàn với thầy Sáu: “Bản miềng nằm trong vùng lõi di sản rồi. Rứa thì phải tuyên truyền nói dân bản làm sao để chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ bầy thú trong rừng chớ không săn bắt như trước đây nữa chớ”.

Có uy tín vậy nên thầy Sáu đã bồi dưỡng và giới thiệu ba quần chúng tốt ở bản cho cấp ủy Đảng để kết nạp đảng viên mới. Có đảng viên trẻ và chi bộ bản Đoòng được thành lập và thầy Sáu là bí thư chi bộ đầu tiên. Hàng tháng, chi bộ đều sinh hoạt để triển khai các hoạt động đẩy mạnh phát triển kinh tế của bản, tăng cường bảo vệ rừng, xây dựng lớp học khang trang hơn và phát động phong trào học tập tốt để con em của bản học lên, vươn xa hơn…

Người dân bản Đoòng đã biết làm du lịch, đón những vị khách Tây đầu tiên trên chặng đường du lịch thám hiểm. Những vị khách Tây cũng lạ khi tận mắt nhìn thấy một bản làng nằm giữa vùng biệt lập mà vẫn có đầy đủ lớp học, thầy và trò ca vang trong những giờ lên lớp. Họ vui thích khi thấy những ngôi nhà sàn ngăn nắp, những con đường đi qua bản sạch sẽ và con người của bản Đoòng thân thiện, tốt bụng làm sao. Cuộc sống như đổi thay hàng ngày, bản Đoòng không còn đói và con trẻ ở bản đang nuôi những ước mơ vượt qua dãy núi trùng điệp với những bài giảng của thầy.

Bây giờ thì bản Đoòng đã có chi bộ với 5 đảng viên là con em của bản. Thầy Sáu thôi không tham gia sinh hoạt tại chi bộ của bản mà trở lại sinh hoạt ở chi bộ nhà trường Tân Trạch. Bí thư chi bộ bản Đoòng Nguyễn Văn Chóc bảo: “Dù thầy Sáu không sinh hoạt ở chi bộ, nhưng cuộc họp nào chúng tôi cũng mời thầy tham dự để cùng bàn thảo về những nhiệm vụ và nhất là việc phát triển giáo dục để ngày càng tốt hơn”.

Học sinh bản Đoòng chăm sóc vườn hoa trồng ở lớp học như nuôi ước mơ được đi học cao hơn. Ảnh: T. Đức.

Học sinh bản Đoòng chăm sóc vườn hoa trồng ở lớp học như nuôi ước mơ được đi học cao hơn. Ảnh: T. Đức.

Ngoài việc bảo vệ rừng, bảo vệ di sản, người dân bản Đoòng đã biết tận dụng tiềm năng để phát triển chăn nuôi gia súc. Bí thư Nguyễn Văn Chóc đi đầu, gương mẫu với việc phát triển đàn trâu của gia đình lên gần 30 con. “Hiện cả bản cũng có trên 100 con trâu đấy. Việc này cũng có công lao góp ý, xây dựng kế hoạch, quy hoạch khu chuồng trại chăn nuôi xa khu dân cư được thực hiện cũng là được thầy Sáu đưa ra bàn bạc với chi bộ làm kế hoạch hành động mà”, Bí thư Nguyễn Văn Chóc bộc bạch thêm.

Còn sức khỏe là còn cống hiến

Không biết thầy Sáu đã đi qua bao lần với đôi chân xuyên đường rừng vì sự nghiệp mang con chữ lên non trong khoảng thời gian 25 năm ấy? Hỏi về những khen thưởng, danh hiệu mà thầy có được thì thầy cười hiền. Rồi thầy cũng chia sẻ với chúng tôi nơi vùng biên viễn chỉ mong các em biết đọc thông, viết thạo, làm được con tính là mừng rồi. “Thấy các em chăm đến lớp, học hành ngày càng tiến bộ, có em đỗ đại học, có em đã trưởng thành tham gia công tác xã hội là phần thưởng cao nhất rồi. Còn mong gì hơn”, thầy Sáu nói, trong mắt ánh lên niềm vui.

Nhớ lại những lứa học sinh đầu tiên làm thầy Sáu luôn bận rộn với việc cầm tay các em để tô từng con chữ, uốn giọng các em trong mỗi buổi học vần. Hay những ngày xuống suối lượm đá cuội mang về để làm giáo cụ dạy các em học cộng trừ trong phạm vi 10, phạm vi 20… cho các em quen dần tư duy cộng trừ để nâng dần lên thành tính nhẩm trong đầu trả lời đáp số. “Lứa học đầu tiên giờ các em cũng chững chạc rồi đó”, thầy Sáu cho hay.

Lứa học sinh đó có 6 em học sinh. Có hai em lấy chồng ở tận xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), cũng tham gia công tác hội cơ sở, một em khác học Cao đẳng Công Nông nghiệp tỉnh đã nhận công tác tại Trạm Kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Thế hệ học sinh đầu tiên từ khi điểm trường bản Đoòng thành lập hiện tại có hai em bước chân vào giảng đường đại học. Đó là các em Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Thị Xa, đang học khoa Nông lâm, trường Đại học Quảng Bình.

Em Nguyễn Văn Xuân cho hay: “Chúng em đã hoàn thành tốt các học phần của chương trình năm thứ nhất và bắt đầu bước vào năm học thứ 2. Sau khi tốt nghiệp ra trường, chúng em sẽ về địa phương tham gia công tác để góp phần xây dựng bản làng ngày càng đổi mới”.

Thế hệ tiếp theo có các em Nguyễn Văn Buôn, Nguyễn Thị Gia khi đang học lớp 9 đã đoạt giải nhì hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp huyện với mô hình “Bếp củi cải tiến cho đồng bào dân tộc thiểu số”. Theo thầy Hoàng Văn Sáu, mô hình bếp củi cải tiến của Buôn và Gia được Ban giám khảo hội thi đánh giá cao khi phát huy nhiều ưu điểm, tiết kiệm nhiên liệu, giữ nhiệt độ cao, hầu như không khói và giảm tối đa ô nhiễm môi trường. Hiện hai em đã tốt nghiệp THPT, em Nguyễn Văn Buôn đang làm thủ tục vào học trường Cao đẳng Công Nông nghiệp Quảng Bình, riêng em Nguyễn Thị Gia đang học tiếng để đi du học nước ngoài.

Thầy giáo Hoàng Văn Sáu, người nâng những ước mơ cho trẻ em bản Đoòng trong 15 năm qua. Ảnh: T. Đức.

Thầy giáo Hoàng Văn Sáu, người nâng những ước mơ cho trẻ em bản Đoòng trong 15 năm qua. Ảnh: T. Đức.

Có lần đến với bản Đoòng, chúng tôi bắt gặp tại điểm trường hai cô bé Trần Yến Nhi, Nguyễn Thị Dữ (học sinh lớp 9) ngồi dưới mái hiên mải mê ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi. Bây giờ, thầy Sáu mới cho hay, cả hai em đã vào học Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Cả hai em đều đạt số điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển trong những học sinh dân tộc thiểu số của huyện Bố Trạch.

Cô bé Trần Yến Nhi tâm sự đầy tự hào: “Chúng cháu là những thế hệ tiếp theo là học trò của thầy Hoàng Văn Sáu từ bản Đoòng ra thành phố học tập. Vì thế sẽ cố gắng hết sức mình để tương lai sau này trở thành người có ích giúp quê hương mình đổi thay. Mỗi dịp hè chúng cháu trở về bản để kể cho các em của mình nghe chuyện học hành, sinh hoạt ở phố và mong các em cũng nuôi ước mơ như mình”.

Một chặng đường trong cuộc đời của thầy giáo Hoàng Văn Sáu như đã gắn bó với các em ở vùng núi cao, miền xa. Thầy cũng bộc bạch còn khoảng năm mùa khai giảng là đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ. Tuổi cao, sức khỏe không còn như lúc tóc còn xanh, nhưng thầy vẫn chưa hề có ý định xin về dạy ở một trường đồng bằng hay ở gần nhà. Ngôi nhà nhỏ của thầy ở xã Xuân Trạch đang đong đầy hạnh phúc. Vợ thầy vẫn chăm lo công việc đồng áng, hai cô con gái được học hành và đang theo nghề của bố. Riêng cậu con trai út đang chuẩn bị vào học một trường đại học ngành y. Thầy Sáu bộc bạch: “Gia đình là động lực cho tôi để vun vén cho các em nhỏ vùng sâu vùng xa nuôi dưỡng những ước mơ”.

Bây giờ, bản Đoòng có 20 học sinh đang đến lớp với các bậc học từ lớp 2 đến lớp 9. Năm học mới, thầy giáo Hoàng Văn Sáu lại đón nhận và nắm tay tô chữ cho 5 em ở độ tuổi vào lớp 1. Chắc chắn những năm tới, bản sẽ có nhiều em tiếp bước theo các anh chị lớp trước. Các em sẽ là những mầm xanh cho vùng đất biên cương, là những hạt nhân góp phần làm đổi thay cuộc sống của bà con nơi vùng biên giới này”, thầy Sáu hy vọng.

Xem thêm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra tình hình bão lụt

Tuyên Quang Ngày 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại Tuyên Quang.

Một số khu vực vùng ĐBSH sẽ thoát ngập úng trong vài ngày tới

Thông tin dự báo cho thấy, lượng mưa ở vùng ĐBSH đang giảm, mực nước sông đã qua đỉnh và xu thế xuống dần, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiêu úng.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Một buổi sáng, điểm trường mầm non Làng Nủ mất 10 em nhỏ

LÀO CAI 10/18 cháu học sinh điểm trường mầm non Làng Nủ đã không thể tiếp tục đến trường. Trận lũ quét rạng sáng 10/9 đã khiến các em mãi mãi không trở lại.