| Hotline: 0983.970.780

Gặp lại những nghệ sĩ tuyến lửa Trường Sơn: [Bài 1] Vượt lằn ranh sinh tử

Thứ Năm 29/08/2024 , 07:05 (GMT+7)

Năm 1970, Đoàn văn công Hà Bắc khởi hành vào chiến trường để phục vụ bộ đội Trường Sơn. Đã hơn 50 năm nhưng ký ức vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi người nghệ sĩ.

Nằm thở trên bãi B52

Đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng với ông Nguyễn Hữu Luận – Phó đoàn văn công xung kích Hà Bắc năm đó (nay đã 81 tuổi, ở TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) những câu chuyện ở Chiến dịch đường 9 Nam Lào vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. Khó quên là bởi, chính ông Luận là người đã trực tiếp tham gia chiến trường, trực tiếp đối mặt với những khoảnh khắc sinh tử ở chiến dịch Trường Sơn.

Lần vượt cửa khẩu Bến Mới với người đàn ông đã “bát thập cổ lai hy” này chính là kỷ niệm sâu sắc và đáng nhớ nhất. Ngày 14/1/1971, Đoàn văn công Hà Bắc được lệnh vượt trọng điểm Bến Mới hay còn gọi là trọng điểm 71. Khi đó, đội có 15 người bao gồm 14 người thuộc Đoàn văn công Hà Bắc và một chiến sĩ quân đội dẫn đường. Đội chia thành 5 tổ, mỗi tổ 3 người, mỗi người cách nhau 5m, mỗi tổ cách nhau 50m để vượt trọng điểm.

Đúng 7 giờ sáng, đội được lệnh xuất phát. Tổ thứ nhất đến sông Sê Băng Hiêng thì tổ cuối cùng mới xuất phát được vài trăm mét. Ngay lúc đó, đài quan sát đã bắn súng báo hiệu cho đoàn dừng lại. Bởi một chiếc OV10 (loại máy bay cường kích hạng nhẹ kiêm do thám, trinh sát) bay thẳng đến vị trí của đoàn, lượn nhiều vòng.

Đoàn văn công tiền phương thời ấy gồm 14 người trong đó có 9 nam và 5 nữ (ông Luận mặc áo đen, đứng hàng sau cùng, thứ 6 bên trái qua). Ảnh: NVCC.

Đoàn văn công tiền phương thời ấy gồm 14 người trong đó có 9 nam và 5 nữ (ông Luận mặc áo đen, đứng hàng sau cùng, thứ 6 bên trái qua). Ảnh: NVCC.

 

Ông Luận cho biết: “Nó ném hoả mù xuống chỗ nghi ngờ, rồi thả bom xuống đó. Nhưng may quá, nó ném sau lưng nên chúng tôi vẫn cứ ngồi yên. Chỉ cần có một người chuyển động đội hình thì hôm đó Đoàn văn công xung kích Hà Bắc chắc không còn một ai. Hú vía đấy. Chúng tôi chạy thục mạng về cửa hang. Tổ cuối cùng chưa về đến hang, thì chiếc OV10 khác đã xuất hiện, hết chiếc này tới chiếc khác đến gần 12h trưa”. Khi đó trời nắng, các chiến sĩ phải nhường chỗ mát cho đoàn văn công nghỉ ngơi.

Đúng 12 giờ, đoàn vượt trọng điểm lần thứ hai. Khi này trời nắng nên OV10 không phát hiện được đoàn văn công. Khi tổ 1, tổ 2, tổ 3 đã vượt qua sông Sê Băng Hiêng đang tiến vào bãi B52, thì tổ 4, tổ 5 nhận được thông báo B52 sắp đến.

Ông Luận nhớ lại: “Mấy phút nữa B52 đến, các đồng chí nằm đâu nằm đó. Tổ tôi dẫn đầu mọi người còn đang ở dưới một hố bom rất sâu. Cứ bò đến miệng hố lại tụt xuống. Sau một hồi, chúng tôi lên được. Lúc này, cả 3 tổ đều nằm giữa bãi B52. Khi ấy, ai cũng mệt, nằm trên ba lô ngửa mặt lên trời mà thở dốc. Tôi nhìn thấy trên trời có ba chấm đen, chín vệt khói dài đang bay thẳng tới chỗ chúng tôi. Tất cả mọi người đều căng mắt nhìn theo, mặc cho số phận…”.

Ban đầu, ông Luận thấy những chấm đen tiến thẳng về phía đoàn. Nhưng sau đó, cả đoàn đều mừng rỡ khi nghe tiếng hét thất thanh của đồng chí bộ đội dẫn đường: “Dài rồi, dài rồi…”. Theo kinh nghiệm chiến trường, “dài” tức là bom không rơi đúng chỗ mọi người đang nằm mà rơi ở một vị trí khác.

Ông Luận đã sáng tác không ít bài thơ về về hành trình của mình khi hành quân dọc dãy Trường Sơn. Ảnh: Minh Toàn.

Ông Luận đã sáng tác không ít bài thơ về về hành trình của mình khi hành quân dọc dãy Trường Sơn. Ảnh: Minh Toàn.

 

Biết đã thoát chết, đoàn ông Luận vừa ôm bụng, vừa thở, vừa cúi, vừa chạy mà không sao chạy nổi. Chỉ được vài chục mét, mọi người lại lăn ra đường nằm thở. Cứ thế lặp đi lặp lại nhiều lần, một số người cũng về đến nơi an toàn…

4 giờ chiều, 2 tổ còn lại vượt trọng điểm. Sau hơn 1 giờ đồng hồ, tất cả mọi người đều đã an toàn. “Chúng tôi ôm nhau khóc, không phải vì sợ mà vì mọi người đều đã vượt qua trọng điểm ác liệt mà không tổn thất gì. Khóc vì thương mấy anh bộ đội, nắng thì nhường hang cho văn công nằm. Chúng tôi đi được 15 phút thì pháo tọa độ bắn thẳng vào hang. Toàn bộ 7-8 đồng chí trong hang đều hy sinh trong đó có cả đồng chí ban sáng đã dẫn đường cho chúng tôi…”, ông Luận khóc kể.

Xuân chiến trường

Tết năm 1971, Đoàn văn công xung kích Hà Bắc ăn Tết cùng một trung đoàn độc lập – Trung đoàn 98 pháo binh. Trung đoàn này là một đơn vị mà hầu hết các cán bộ, chiến sĩ là những người Hà Bắc. Hơn nữa, đây là trung đoàn vừa mới lập công xuất sắc khi đã bắn rơi một máy bay địch.

Ở chiến trường, gặp được người đồng hương đã khó, được ăn Tết cùng họ là điều còn khó hơn. Ông Luận cho biết: “Các chiến sĩ vừa chiến đấu, vừa đi săn để có đồ ăn ngon cho văn công. Các đồng chí săn được một con hươu gần 2 tạ để mừng đoàn văn công. Nào là nấu cháo, nào là nướng thịt…Đây là lần đầu tiên tôi được ăn một báo cháo béo đến vậy, không ăn hết được, đành bỏ dở”.

Từ trái qua, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Luận, nghệ sĩ ưu tú Lệ Ngải, nghệ sĩ Hồng Thắm và nghệ sĩ Phương Lan (thứ 6) trong buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Sư đoàn 470. Ảnh: NVCC.

Từ trái qua, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Luận, nghệ sĩ ưu tú Lệ Ngải, nghệ sĩ Hồng Thắm và nghệ sĩ Phương Lan (thứ 6) trong buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Sư đoàn 470. Ảnh: NVCC.

Đêm giao thừa năm Tân Hợi là đêm giao thừa đặc biệt với Đoàn văn công Hà Bắc, không chỉ bởi, đây là cái Tết xa nhà mà còn là cái Tết trong lòng đất (ở Savanakhet, Lào). Cả hội trường rộng lớn nằm sâu trong lòng đất cũng được treo đèn, kết hoa, ngập tràn ánh sáng. Cành đào giả, to như cành đào thật, với hàng chữ “Năm mới thắng lợi mới”. Cùng ăn Tết lúc đó có rất nhiều anh em chiến sĩ thuộc các tiểu đoàn, trung đoàn và một số tướng lĩnh. Đặc biệt là có tướng Đồng Sỹ Nguyên - lúc bấy giờ là Tư lệnh Đoàn 559.

Liên tục trong những ngày Tết, Đoàn văn công xung kích Hà Bắc phục vụ các đơn vị của Trung đoàn 98. Đến đâu đoàn cũng được ăn Tết cùng đơn vị. Theo chỉ đạo, mỗi đơn vị chỉ được ăn Tết một ngày. Tuy không được đầy đủ nhưng vẫn có bánh, có giò, có thịt lại có cả rượu.

Trở về từ dãy Trường Sơn, ông Luận được phong tặng nhiều huân, huy chương, trong đó có Huân chương Kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Minh Toàn.

Trở về từ dãy Trường Sơn, ông Luận được phong tặng nhiều huân, huy chương, trong đó có Huân chương Kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Minh Toàn.

Không chỉ ăn Tết ở Trung đoàn 98, mà khi về đến Binh trạm 27, Đoàn văn công Hà Bắc lại được ăn cái Tết nữa. “Cũng có giò, có có thịt, có bánh và có kẹo như Tết bình thường. Nhưng đặc biệt ở chỗ, mỗi người trong đoàn còn được ăn một búp xà lách được gửi từ chính quê hương Bắc Ninh vào…”. 

Nhớ mãi ngày trở về

Ngày 18/6/1971, Đoàn văn công xung kích Hà Bắc nhận được lệnh về Việt Nam, ai cũng vô cùng sung sướng, phấn khởi khi đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về quê nhà. Hơn một tháng trời, đoàn hành quân về nước. Nắng có, mưa có nhưng không làm chùn bước của đoàn.

Ông Luận cho biết: “Có đợt, mưa cả tuần không ngớt, khi hành quân chúng tôi phải mặc quần áo ướt. Lúc đầu khó chịu lắm, người ẩm ướt, bứt dứt suốt cả ngày. Có được hôm nào nắng thì sướng lắm, dù là đang hành quân cũng phải xin phép người dẫn đường cho nghỉ năm, mười phút để xuống suối giặt giũ quần áo.

Ngày nào đoàn cũng hành quân, bất kể mưa hay nắng, mỗi ngày một trạm. Trạm nào trời nắng, bộ đội tập kết đông thì đoàn lại tổ chức biểu diễn. Trạm nào mưa, không có bộ đội thì đoàn lại cùng các chiến sĩ trong trạm hát hò cùng nhau. “Cũng có hôm hát hò vui quá quên cả mệt…”, ông Luận nhớ lại.

Trở về từ Trường Sơn, ông Luận (đứng giữa hàng đầu) công tác tại các Đoàn văn hoá nghệ thuật tỉnh Hà Bắc. Ảnh: NVCC.

Trở về từ Trường Sơn, ông Luận (đứng giữa hàng đầu) công tác tại các Đoàn văn hoá nghệ thuật tỉnh Hà Bắc. Ảnh: NVCC.

Trên đường hành quân trở về, lần lượt từng thành viên trong đoàn thay nhau ốm. Bắt đầu với ông Đắc An – trưởng Đoàn văn công xung kích Hà Bắc, sau đó đến nhạc công Thân Quang Kết. Ai bị ốm đều phải gửi lại trạm giao liên để chuyển đi bệnh viện điều trị.

Tổng kết chuyến đi này, Đoàn văn công xung kích Hà Bắc đã biểu diễn được tất cả 128 buổi và hơn chục buổi liên hoan cho các Binh trạm của Bộ Tư lệnh Trường Sơn và Sư đoàn 470. Mỗi ngày đoàn văn công phải di chuyển trung bình 7-10km, thậm chí có những hôm phải di chuyển đến cả 40km đường bộ. Nhưng cũng có những hôm vượt trọng điểm thì phải cả ngày mới đi được 3km.

Tất cả những bài thơ đều được ông Luận viết trong thời gian tham gia chiến trường. Video: Minh Toàn.

Ngày ông Luận rời Hà Bắc vào chiến trường là ngày 14 tháng 12 năm 1970. Khi đó, bà Nguyễn Thị Thuý Tình – vợ ông khi đó đang mang thai con trai đầu lòng 7 tháng nên rất tiếc vì không thể đi cùng chồng. Người con trai còn nằm trong bụng mẹ chính là động lực để ông Luận cố gắng nỗ lực trong những năm tháng ở Trường Sơn. Ngày 16 tháng 8 năm 1971, ông Luận trở về từ chiến trường sau đó được Ty Văn hoá Hà Bắc đưa về Tân Yên để tĩnh dưỡng 3 tháng.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.