| Hotline: 0983.970.780

Gặp lại những nghệ sĩ tuyến lửa Trường Sơn: [Bài 2] Mối duyên tiền định

Thứ Sáu 30/08/2024 , 07:08 (GMT+7)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bằng 'tiếng hát át tiếng bom' của mình, nghệ sĩ ưu tú Lệ Ngải đã giúp nhiều người lính trong chiến trường ác liệt quên hết mọi gian khổ.

Liền anh, liền chị cũng ra trận

Bà Nguyễn Thị Ngải sinh năm 1951, tên thường gọi là Lệ Ngải quê ở làng Ngang Nội (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) - một vùng quê có truyền thống hát quan họ lâu đời nhất nhì đất Kinh Bắc. Bố đẻ của bà là nghệ nhân quan họ Nguyễn Đức Xôi, vì vậy ngay từ nhỏ, cô bé Lệ Ngải đã ấp ủ trong mình một tình yêu lớn lao dành cho quan họ.

Tuy nhiên, năm 18 tuổi, Lệ Ngải lại nộp đơn thi vào Trung cấp Sư phạm Hà Bắc. Ngày đi khám sức khỏe để vào trường sư phạm đã đánh dấu bước ngoặt cuộc đời. Nghe bố bảo: “Con không đi Sư phạm nữa. Bố đã làm hồ sơ cho con vào Đoàn dân ca quan họ Hà Bắc rồi. Con cứ nghe bố tiếng hát quan họ bây giờ như thế nhưng sau này bay ra ngoài thế giới đấy con ạ…".

Ảnh bà Ngải năm 18 tuổi khi tham gia chiến trường được các chiến sỹ chụp lại. Ảnh: Minh Toàn.

Ảnh bà Ngải năm 18 tuổi khi tham gia chiến trường được các chiến sỹ chụp lại. Ảnh: Minh Toàn.

Sau đó, Lệ Ngải chính thức được tuyển vào học ở trường Văn hóa nghệ thuật Hà Bắc (cũ). Chỉ sau 6 tháng học, với năng khiếu bẩm sinh, Lệ Ngải không chỉ biết hát mà còn biết diễn và tổ chức các buổi biểu diễn rất chuyên nghiệp. Năm 1969, Trung ương quyết định thành lập Đoàn quan họ Hà Bắc và Lệ Ngải là một trong những người đầu tiên được chọn.

Năm 1970 bà cùng với một số nghệ sĩ khác được chọn vào Đoàn văn công xung kích Hà Bắc đi phục vụ chiến trường. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Lệ Ngải náo nức chuẩn bị cùng đoàn vào chiến trường ác liệt với một tinh thần mang tiếng hát át tiếng bom để động viên chiến sĩ, đó là vinh dự lớn lao và cũng là trách nhiệm thiêng liêng.

Năm đó, bà Lệ Ngải đã tiễn người yêu khi ấy và cũng là chồng bây giờ lên đường vào chiến trường. Đến cuối năm 1970, bà cũng chia tay người thân để đi phục vụ chiến sĩ ở các mặt trận dọc tuyến đường Trường Sơn.

Trở về từ cuộc chiến, bà Ngải luôn trận trọng những kỷ vật năm xưa. Ảnh: Minh Toàn.

Trở về từ cuộc chiến, bà Ngải luôn trận trọng những kỷ vật năm xưa. Ảnh: Minh Toàn.

Ngày tiễn bà Ngải đi phục vụ chiến trường, các chị em trong nhà đều xúc động khôn nguôi vì “đi chiến trường là không còn hy vọng gì”. Bà Ngải cho biết: “Ngày tiễn tôi đi, mấy chị em ruột nhà tôi cứ khóc rưng rức, đưa tôi ra tận cuối làng thế là cụ nhà tôi mới mắng: "Ô mấy cái đứa này, tại sao lại khóc, em mày được đi chiến trường, phải vui, phải phấn khởi chứ, nó đi làm nhiệm vụ chứ đi đâu mà khóc…”.

Đoàn văn công Hà Bắc đi vào chiến trường biểu diễn khi đó có gần 15 người là những nghệ sĩ trẻ của nhiều môn nghệ thuật truyền thống như chèo, quan họ, ca múa, nhạc... Cho đến bây giờ, bà Ngải vẫn chưa thể quên được hành trình xa nhà đầu tiên, lắm nụ cười nhưng cũng không ít lần suýt chết trên đường đi vì bom đạn.

Nhiều lần “chết hụt”

Từ cuối tháng 12/1970 đến hết năm 1971, đoàn văn công phải đi gần hết các tuyến đường 599, qua những trận tuyến ác liệt như Bắc Quảng Trị, đèo Khỉ, Savanakhet của Lào, mặt trận đường 9 Nam Lào... Trong ngần đấy thời gian với ngần đấy tuyến đường, đi đến đâu, có thời cơ thuận lợi là đoàn lại dựng sân khấu dã chiến để biểu diễn, có một người cũng diễn, không quản ngày đêm.

“Sự sống và cái chết lúc nào cũng liền kề, chẳng trừ ai cả. Nó mong manh, giữ cũng không được. Cứ đi thôi, không màng gì cả…”, bà Ngải bộc bạch. Mong manh là vậy, nhưng bà Ngải cùng đoàn văn công vẫn băng băng vào chiến trường để mang tiếng hát khích lệ động viên tinh thần các chiến sĩ.

Những ngày đầu vào chiến trường bà đều không ngủ được. Không hẳn là vì nhớ nhà. Bà cho biết, đi hành quân, biểu diễn cả ngày ai cũng thấm mệt muốn được nghỉ ngơi. Nhưng đội cứ ngả lưng một chút là “bùm” tiếng bom ngay bên tai nên không thể nào ngủ nổi. Các đồng chí, chiến sĩ phải trấn an rằng: “Nghe gần thế thôi nhưng phải cách 3-4km…”. Sau một thời gian trong chiến trường, bà Ngải có thể ngủ khi bên tai vẫn là tiếng bom rơi.

Quyển nhật ký ghi chép chặng đường phục vụ chiến trường được bà Ngải giữ gìn cẩn thận cho tới tận bây giờ. Ảnh: Minh Toàn.

Quyển nhật ký ghi chép chặng đường phục vụ chiến trường được bà Ngải giữ gìn cẩn thận cho tới tận bây giờ. Ảnh: Minh Toàn.

Vì phục vụ trong thời binh lửa nên bản thân bà Ngải cũng nhiều lần chết hụt. Bà nhớ như in: “Lần đó phải băng qua bãi B52 để sang động bên kia. Nhưng đi đến nửa bãi thì báo động phải quay lại không có bom toạ độ nó chuẩn bị trút xuống bãi này. Thế là sợ quá, quay lại thì tụt xuống hố bom không lên được nữa, cứ lên đến nửa chừng lại tụt xuống, cuống quá, không biết làm gì, xong kéo nhau mãi thì lên được cửa hầm chữ A…”.

Khi kết thúc đợt thả bom, bà Ngải cùng đoàn văn công lại băng qua khói lửa để tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình. Thường xuyên đối mặt với ranh giới của sự sống và cái chết như vậy nên trong chuyến đi năm đó, bà Ngải không thể nào quên được những hy sinh của các chiến sĩ.

Bà Ngải cho biết: “Có một lần, sáng vừa diễn cho tiểu đoàn đó xem. Diễn toàn những bài hào hùng, khích lệ tinh thần anh em…Tiểu đoàn có 9 người. Đến chiều nghe tin tiểu đoàn đã hy sinh quá nửa. Chín người đi nhưng khi về lại chỉ còn có 5 cái balo cùng bốn người. Tôi bàng hoàng nhưng cũng chỉ biết hát tiễn đưa các anh…”.

Tất cả những kỷ niệm ấy đều được bà Ngải ghi chép cẩn thận trong quyển nhật ký năm đó. Trở về thời bình, những người nghệ sĩ năm xưa nay kẻ còn người mất nhưng ký ức về năm tháng hào hùng ấy thì chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí những người người nghệ sĩ trên đỉnh Trường Sơn năm ấy.

Hội ngộ trên đỉnh Trường Sơn

Trở về từ chiến tranh, những ký ức hào hùng trong bà Ngải vẫn còn vẹn nguyên như mới hôm qua. Nhiều cuộc tái ngộ đã diễn ra theo cách tình cờ mà khó ai có thể nghĩ đến.

Cuộc hội ngộ với người yêu bà khi đó là ông Nguyễn Hoa Ngân cùng quê (sinh năm 1946) – chồng bà hiện tại là cuộc gặp mà có lẽ cả đời bà Ngải cũng không bao giờ quên được. Lần đó, ông Ngân bị sức ép bom, sốt rét ác tính…hành hạ, đang trên đường trở ra Bắc để điều trị vì ở tuyến trong không đủ điều kiện.

Tại trạm giao liên 34, bà Ngải cùng Đoàn văn công Hà Bắc vừa biểu diễn xong thì bị biệt kích truy đuổi. Đoàn được các đơn vị xung quanh hỗ trợ để rút về an toàn. “Vừa về đến chân núi, chưa kịp nghỉ thì tôi nghe có tiếng gọi tên tôi: "Ngải ơi…", tôi tỉnh người. Tôi nghĩ: "Ô, sao lại có tiếng người làng mình ở đây…".

Nghỉ hưu năm 1992 nhưng với một 'gia tài quan họ' khổng lồ nên nghệ sĩ ưu tú Lệ Ngải vẫn tiếp tục giảng dạy và truyền bá quan họ cho các trường học, CLB trên địa bàn. Ảnh: Minh Toàn. 

Nghỉ hưu năm 1992 nhưng với một "gia tài quan họ" khổng lồ nên nghệ sĩ ưu tú Lệ Ngải vẫn tiếp tục giảng dạy và truyền bá quan họ cho các trường học, CLB trên địa bàn. Ảnh: Minh Toàn. 

Tôi sung sướng quá mới hét lên: "Chị Trinh ơi, chị Sâm ơi, chị Thắm ơi…Làng em đây rồi, đúng người làng em ở đây rồi…”. Tiếng “Ngải ơi…” vang lên lần nữa, bà Ngải như được thúc đẩy bằng động lực vô hình. Không quản mệt mỏi, bà chạy thẳng lên núi còn ông Ngân thì chạy xuống, hai người hội ngộ nhau trên đỉnh Trường Sơn.

Khi đó, cả hai chỉ biết nắm tay nhau mà khóc. “Khóc chán, lại nắm tay nhau cười…”, bà Ngải kể lại bằng ánh mắt long lanh, nụ cười hồn nhiên. Đêm đó, ông Ngân quyết định ở lại liên hoan cùng Đoàn văn công Hà Bắc, chấp nhận đi muộn hơn một ngày so với đoàn đang di chuyển ra Bắc để điều trị.

“Anh ra, em vào thì bao giờ mình mới được gặp nhau?”, bà Ngải thắc mắc. Hai người khi ấy hẹn nhau ngày chiến thắng, gặp nhau ở ngoài Bắc. Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng nhưng tình yêu của họ thì vĩnh cửu. Say này, khi kết thúc chuyến công tác, bà Ngải cùng ông Ngân trở về sum họp, kết hôn và sống hạnh phúc đến bây giờ.

Bài thơ bà Ngải được nhà thơ Phạm Tiến Duật viết tặng khi hai người có duyên gặp gỡ trên đỉnh Trường Sơn. Video: Minh Toàn.

 
 

“Trong chiến trường, gặp người đồng hương cùng tỉnh đã khó, cùng huyện lại càng khó, nhưng tôi lại gặp được người yêu cùng làng. Chúng tôi gặp nhau trong hoàn cảnh éo le nhất, nhưng cũng vì đó mà có động lực tiếp tục sứ mệnh để có thể trở về đoàn viên…Tôi chỉ biết nói đó là định mệnh…”, bà Ngải xúc động nói.

Xem thêm
Hà Giang có 10 Sở thực hiện hợp nhất

Ngày 17/12, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai, xây dựng phương án sắp xếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh này.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Sau đợt mưa lớn, hồ thủy lợi ở Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích

Nhờ đợt mưa lớn vừa qua, các hồ thủy lợi ở tỉnh Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích thiết kế, đảm bảo 100% diện tích kế hoạch sản xuất vụ đông xuân.