| Hotline: 0983.970.780

Cặp 'chồng điếc, vợ lòa' và 'ông què' lênh đênh giữa sông Hồng trong bão giông

Thứ Ba 10/09/2024 , 07:50 (GMT+7)

Đêm bão gió, giữa những cơn gió rít, tiếng tôn đập ầm ầm, ông Thành chỉ biết chắp tay mà khấn vì nếu mất nhà phao thì vợ chồng ông chẳng còn chốn dung thân.

Đêm kinh hoàng

Bão tan, tôi xuống thăm vợ chồng ông bà Thành Thủy (xóm Nổi, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội). Căn nhà nhỏ đã bay mất 2 tấm tôn trên mái, 1 tấm tôn bên hông bị bung đinh vít là tổ ấm của cặp “chồng điếc - vợ lòa”. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thành (88 tuổi), hư hại như vậy là nhẹ so với những hộ gia đình khác trong xóm.

Bởi bão số 3 là nỗi kinh hoàng đối với người dân ở xóm Phao. Nhiều bè đã bị đánh tan, một số khác trôi theo dòng nước. Phần lớn bị tốc mái, hư hại nặng.

Trước bão, được “mấy đứa cho” cái bạt, ông Thành bọc căn nhà lại để chống nước. Tấm bạt đủ rộng để phủ kín bên trong căn nhà. Bên ngoài, ông buộc thêm 6 dây chạc vào nhà rồi cố định vào mấy gốc cây trên bờ đề phòng bè đứt dây, trôi mất.

Công tác phòng bão đã được hoàn thành từ sớm thế nhưng không giúp ông Thành vơi bớt sự lo lắng. Ngay từ chiều, khi gió nổi, ông Thành cũng chỉ đành chấn an người vợ lòa bằng những cái nắm tay hay những cái vỗ vai.

Nhớ lại đêm kinh hoàng ấy, ông Thành cho biết: “Gió cứ rít ầm ầm bên ngoài. Bên hông nhà thì đinh bung rồi, tấm tôn cứ phần phật bên ngoài, nhức đầu lắm. Bè thì cứ dập dềnh. Bà nhà tôi nằm trên giường mà nhiều khi nó bốc cả lên… Lúc đấy tôi nghĩ, bè mà có đứt thì cũng chỉ đành xốc nách bà mà chạy lên bờ, bè trôi đi đâu thì trôi”.

Ông Thành - bà Thủy trong căn nhà phao ọp ẹp ở bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Minh Toàn.

Ông Thành - bà Thủy trong căn nhà phao ọp ẹp ở bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Minh Toàn.

Cả đêm, ông Thành thức trắng. Phần vì tiếng tôn đập, tiếng gió rít, phần vì lo cho người vợ lòa, chẳng thể di chuyển khi bão đến. Bà Nguyễn Thị Thủy (87 tuổi, vợ ông Thành) nói: “Ông thức trắng 2 đêm nay rồi không ngủ. Đêm đến là lo, ra ngồi ở cửa, canh nước, nước lên đến đâu, kéo bè, đứt dây còn buộc lại…”.

Đêm ấy, gió đập liên hồi vào chiếc bè nhỏ của 2 vợ chồng. Nước, sóng cứ thế mà hắt vào nhà. Bà Thủy giúp chồng lau những chỗ ướt. Ông Thành đùa: “Lau như bà thì đến Tết chả xong…”. Sự lạc quan le lói trong nghịch cảnh.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Bão tan nhưng sự bàng hoàng thì chưa hết. Ông Thành bảo: "Gần đất xa trời rồi, tôi cũng chẳng còn tiếc gì nhưng bão nó mà đánh tan thì bà ấy chẳng còn chỗ dung thân…”.

Ông Thành được một “bà Tây” (người ngoại quốc) ủng hộ 1 triệu đồng khắc phục hậu quả sau bão. Ông đi mua ngay 3 tấm tôn để “vá” nhà. Ông Thành dự tính sẽ kéo dây, quay ngược căn nhà lại để cố định lại tấm tôn. Thế nhưng ông Thành được người hàng xóm (2 vợ chồng vốn quen gọi là “ông què”) can lại vì sợ “già rồi chẳng may làm sao thì không ai cứu được”.

Đáng sợ hơn, 1 đêm sau, nhà chưa kịp vá, cuộn tôn mới còn nằm ngổn ngang trước cửa, nước sông đã lên, gió đã nổi, căn nhà lại một lần nữa dập dềnh trên sóng. Ông Thành cùng “ông què” lại trắng đêm để canh nước. Nước lên đến đâu kéo bè lên đến đó.

Nước sông bên cao, người dân xóm ngụ cư oằn mình chống lũ. Ảnh: Minh Toàn.

Nước sông bên cao, người dân xóm ngụ cư oằn mình chống lũ. Ảnh: Minh Toàn.

Trong bè không chỉ có tài sản mà là cả cuộc đời của ông Thành - người vợ lòa. Bằng mọi giá ông Thành phải cứu lấy cái bè. Trưa hôm sau, tôi bắt gặp ông Thành đang nằm thở hổn hển trên con dốc phía trên bãi bơi cựu chiến binh ven sông Hồng. Dưới dòng nước lũ, một vài chiếc thùng phi bị sóng đánh dạt vào bờ.

Lúc này, 2 ông già gân (ông Thành và “ông què”) vừa cố định xong chiếc bè của ông Thành vào mép vườn để không trôi đi mất. Căn lều tạm của “ông què” thì không được may mắn như vậy, nó chìm nghỉm, siêu vẹo trong sóng nước sông Hồng.

2 người ngồi nghỉ, “làm bi thuốc lào cho tỉnh người”. 1 chiếc thuyền hơi đã thủng trôi dạt vào bờ. Ông Thành nói: “Nó mà chưa thủng thì bơm lên, bè có làm sao thì tôi cho bà nằm lên đó rồi tôi kéo vào bờ…”. Bà Thủy thấy tiếng xì xào thì mò mẫm ra phía cửa sổ để ngóng. Ông Thành quát lớn: “Bà đừng có mò ra đấy, ngã xuống đó bây giờ…”.

Ông Thành và 'ông què' mệt nhoài sau khi trắng đêm để kéo bè. Ảnh: Minh Toàn.

Ông Thành và "ông què" mệt nhoài sau khi trắng đêm để kéo bè. Ảnh: Minh Toàn.

Không chỉ gia đình ông Thành mà nhiều hộ gia đình khác trong xóm cũng chịu cảnh tan hoang. Chưa hết bàng hoàng sau cơn bão, những lỗ hổng chưa kịp vá, vài miếng tôn bị bung chưa kịp cố định lại, người dân xóm ngụ cư lại phải tiếp tục oằn mình chống lũ. Nước dâng đến đâu phải kéo bè lên đến đó.

Nước dâng cao, chảy xiết cuốn đi cả cuộc sống của người dân xóm ngụ cư. Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết, mặc dù khu vực xóm Phao (xóm Nổi) thuộc quản lý của phường Ngọc Thụy, nhưng do người dân tại đây là dân ngụ cư từ khắp nơi về tụ lại nên trách nhiệm quản lý những người dân tại đây không thuộc UBND phường Ngọc Thụy.

Trước bão, UBND phường Ngọc Thụy đã tuyên truyền vận động người dân neo đậu nhà phao chắc chắn và di chuyển lên bờ tránh bão. Nhưng sau cơn bão, người dân xóm Phao phải tự chủ động trong việc dọn dẹp môi trường, cắt tỉa cây bị đổ.

Xem thêm
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Phó Bí thư Tỉnh ủy
Cà Mau

Ông Nguyễn Đức Hiển được điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, nhiệm kỳ 2020-2025.

Một số khu vực vùng ĐBSH sẽ thoát ngập úng trong vài ngày tới

Thông tin dự báo cho thấy, lượng mưa ở vùng ĐBSH đang giảm, mực nước sông đã qua đỉnh và xu thế xuống dần, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiêu úng.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Kon Tum siết chặt quản lý vườn sâm Ngọc Linh

Ngày 14/9, UBND tỉnh Kon Tum đã có công văn gửi UBND các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và các sở ngành liên quan về việc tăng cường kiểm soát vườn sâm Ngọc Linh.