| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi heo mắc lừa thương lái mất hàng tỷ đồng

Thứ Tư 17/11/2021 , 10:03 (GMT+7)

Nhiều hộ dân tại thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) như đang ngồi trên ‘đống lửa’ khi đàn heo đã bán nhưng tiền chưa nhận được, thương lái thì bỏ trốn.

Nhiều hộ dân nuôi heo điêu đứng khi bị thương lái lừa tiền. Ảnh Tuấn Anh.

Nhiều hộ dân nuôi heo điêu đứng khi bị thương lái lừa tiền. Ảnh Tuấn Anh.

Hơn 20 hộ dân nuôi heo tại thị xã An Khê đã làm đơn tố cáo bà Võ Thị Vân (SN 1983, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) và bà Võ Thị Hạnh (SN 1977, phường An Tân, thị xã An Khê) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức mua heo rồi bỏ trốn không trả tiền.

Lên sẵn kế hoạch lừa người dân?

Theo đơn tố cáo của nhiều hộ dân, vào khoảng từ tháng 6/2021, thời điểm bà Hạnh và bà Vân bắt đầu đến đặt vấn đề mua heo số lượng lớn. Sau khi 2 bên thỏa thuận giá cả xong thì bà Hạnh và bà Vân bắt heo về, đồng thời hẹn 10 ngày sau sẽ mang tiền đến trả đủ. Tuy nhiên, 2 người này tiếp tục hẹn thêm nhiều lần khác sẽ trả tiền đủ cho mọi người.

Đến lần hẹn cuối cùng vào ngày 10/10, người dân qua nhà để lấy tiền thì phát hiện bà Vân đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Trong khi đó, bà Hạnh không bỏ trốn nhưng viện lý do mình chỉ là người đi môi giới cho bà Vân để kiếm phần tiền chênh lệch.

Ông Đỗ Đình Tuấn là người bị nợ nhiều nhất với số tiền hơn 200 triệu đồng. Ảnh Tuấn Anh.

Ông Đỗ Đình Tuấn là người bị nợ nhiều nhất với số tiền hơn 200 triệu đồng. Ảnh Tuấn Anh.

Là người bị nợ tiền nhiều nhất, ông Đỗ Đình Tuấn (tổ 3, phường Tân An, thị xã An Khê) cho biết, vào khoảng tháng 6/2021, ông được hàng xóm giới thiệu bà Hạnh là thương lái mua heo số lượng lớn. Sau đó, bà Hạnh đã mua của gia đình ông tổng cộng 17 con heo với giá 118 triệu đồng.

Sau lần giao dịch thành công đó, đến khoảng tháng 7/2021, bà Hạnh tiếp tục đến nhà ông Tuấn đặt mua 100 con heo với giá 592 triệu đồng và hẹn 10 ngày sau sẽ trả đủ tiền. Tuy nhiên, bà Hạnh đã trả tiền không đúng hẹn, đồng thời viện nhiều lí do để chậm trả cho ông Tuấn.

Sau nhiều lần dọa tố cáo ra công an, bà Hạnh đã dẫn theo bà Vân xuống giới thiệu là 2 người làm chung và hứa đến ngày 15/9 sẽ trả đủ số tiền. Nhưng đến ngày đó, 2 người này vẫn không đưa tiền đầy đủ mà trả theo kiểu “nhỏ giọt”. Đến ngày 25/9, bà Hạnh và bà Vân còn nợ lại hơn 224 triệu đồng và tiếp tục xin khất ông Tuấn thêm ít ngày.

Đến ngày 11/10, ông Tuấn ngã ngửa khi nghe tin bà Vân bỏ trốn khỏi nơi cư trú cùng số tiền nợ hàng chục tỉ đồng.

“Ban đầu bà Hạnh giới thiệu bà Vân đi thu mua heo để cung cấp vào trong quân đội nên thu tiền hơi chậm trễ, đâu có nghĩ chúng tôi lại bị mắc lừa như vậy”, ông Tuấn cho biết.

Cũng buồn bã khi bị mắc lừa, bà Phạm Thị Kim Hương (xã Xuân An, thị xã An Khê) cho biết, ngày 8/9, bà Vân đến thu mua heo của người dân trong xóm. Lúc bấy giờ, gia đình có 11 con heo xuất chồng (khoảng gần 1,2 tấn) cũng được bà Vân thu mua với giá 64,7 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Vân hẹn gia đình 10 ngày sau sẽ trả tiền. Tuy nhiên, đến hẹn bà Vân vẫn chưa chịu thanh toán còn viện lý do cung cấp heo cho bộ đội nên chưa lấy được tiền. Những ngày sau đó, bà Vân cứ hẹn lần hẹn lượt rồi trốn khỏi nơi cư trú.

“Tiền bán heo thì chưa thu được mà gia đình còn đang nợ tiền đầu tư cám gần 200 triệu đồng. Trong khi gia đình tôi đang nuôi hơn 40 con heo nhỏ, nhưng do không có tiền trả khoản nợ cũ nên các đại lý không chịu cung cấp thêm cám. Hiên đàn heo chủ yếu cho heo ăn rau cầm chứng, nếu thời gian kéo dài gia đình lo sợ heo sẽ bị chết”, bà Hương nói và cho biết, cuộc sống gia đình đang rất bế tắc không biết cách nào tháo gỡ.

Người dân vây bắt con nợ

Tìm hiểu thực tế cho thấy, chỉ có khoảng 20 hộ chăn nuôi heo bị mắc lừa với số tiền gần 2 tỷ đồng. Trong đó, hộ ít nhất khoảng 30 triệu đồng, hộ nhiều nhất khoảng hơn 200 triệu đồng. 

Ngày 10/10, ngay khi nhận được thông tin bà Vân không còn ở tại địa phương, các hộ chăn nuôi heo đã đến Công an thị xã An Khê trình báo sự việc. Sau đó, Công an thị xã An Khê xác minh vụ việc vượt qua thẩm quyền và hướng dẫn người dân làm đơn gửi Công an tỉnh Gia Lai.

Sau khi dân vây bắt bà Vân, người dân tụ tập trước công an phương Tây Sơn. Ảnh Tuấn Anh.

Sau khi dân vây bắt bà Vân, người dân tụ tập trước công an phương Tây Sơn. Ảnh Tuấn Anh.

Mặc dù đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, nhưng nhiều người dân vẫn ăn không ngon ngủ không yên, lo sợ bà Vân sẽ bỏ trốn qua Campuchia nên đã chia mọi ngả đường để đi tìm với hy vọng lấy lại được tiền.

Sau khoảng 2 tuần “bặt vô âm tính”, người dân vô tình bắt gặp bà Vân xuất hiện tại quán cà phê Tre Xanh thuộc phường Tây Sơn (thị xã An Khê). Sau đó, nhiều hộ dân đã nhanh chóng tập trung vây bắt bà Vân và trình báo lên công an phường Tây Sơn để xử lý.

Nhiều hộ dân bức xúc cho biết, bà Vân và bà Hạnh đã lên kế hoạch để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ. Minh chứng là các đối tượng đã tạo niềm tin với các hộ chăn nuôi để mua heo giá cao. Trong thời gian đầu, các đối tượng trả tiền sòng phẳng, chủ động đến nhà hứa trả nợ đúng hẹn, viết giấy khất nợ đàng hoàng, thậm chí thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Thông tin từ Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đã nhận được đơn của người dân và đang tiến hành đầu tra ban đầu để xác minh nguồn thông tin phản ánh. Trong 2 ngày 30 và 31/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã xuống làm việc với các hộ dân, nếu bà Vân có dấu hiệu lừa đảo sẽ tiến hành xử lý theo đúng pháp luật.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.