| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi tôm co cụm khi giá thức ăn liên tục 'nhảy múa'

Thứ Hai 27/03/2023 , 14:30 (GMT+7)

Người nuôi tôm ở ĐBSCL đang chật vật duy trì sản xuất khi giá thức ăn tăng cao nhưng sản lượng tôm thu hoạch thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh và tôm chậm lớn.

Vụ tôm nuôi khó trăm bề

Vụ tôm nuôi nước lợ năm 2023 ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đã qua được mấy tháng nhưng nhiều diện tích đến nay nông dân vẫn chưa thả giống hết. Theo bà con nông dân, nghề nuôi tôm năm nay khó trăm bề. Đầu vụ thì nước mặn vào chậm, khó xử lý môi trường nuôi. Sau khi thả giống thì dịch bệnh xảy ra nhiều. Nhưng khó khăn lớn nhất là chi phí đầu vào tăng, nhất là giá thức ăn nuôi tôm lên tục tăng thời gian qua.

Năm nay, người nuôi tôm chất chất khó khăn, ngoài thức ăn tăng giá, tôm còn bị dịch bệnh nhiều, chậm lớn, năng suất thu hoạch giảm, nhưng giá bán lại không tăng. Ảnh: Trung Chánh.

Năm nay, người nuôi tôm chất chất khó khăn, ngoài thức ăn tăng giá, tôm còn bị dịch bệnh nhiều, chậm lớn, năng suất thu hoạch giảm, nhưng giá bán lại không tăng. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Lê Khánh An, hộ đầu tư nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang ngao ngán: “Năm nay nuôi tôm khó khăn quá, không chỉ giá thức ăn mà các chi phí khác, công lao động đều tăng”. 

Theo ông An, vụ nuôi tôm đầu tiên trong năm thường được thả giống từ tháng 12 năm trước, qua tháng 3, tháng 4 là đã có tôm thu hoạch. Thế nhưng khu nuôi tôm của gia đình có 16 ao (mỗi ao rộng 1.000 - 1.500 m2), đến thời điểm này ông An mới thả giống được 12 ao.

Ông Nguyễn Lê Khánh An bảo: “Nuôi tôm công nghiệp chi phí thức ăn chiếm tới 60-70% giá thành, mà giá cao quá thì khó mà có lời được. Hơn nữa, năm nay dịch bệnh xảy ra nhiều, quanh đây đã có khoảng 50% số hộ nuôi bị dính bệnh đốm trắng rồi nên tôi thả giống cầm chừng’.

Theo các hộ nuôi tôm thuộc vùng U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), gồm các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận thì chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay giá thức ăn nuôi tôm đã có 2 đợt tăng giá, ở mức trên 2.000/kg. Đây là mức tăng khá cao, lên tới 40.000 - 50.000 đồng/bao 25 kg. Điều này làm cho giá thành sản xuất tôm tăng thêm khoảng 8.000 đồng/kg, chỉ tính riêng trên hệ số thức ăn.  

Tương tự, người nuôi tôm tại tỉnh Tiền Giang cũng chật vật trong cơn bão giá. Hiện nay, giá thức ăn bình quân đang ở mức 45.000 đồng/kg, loại rẻ nhất cũng có giá 33.000 đồng/kg. Mỗi vụ nuôi kéo dài từ 100 - 110 ngày, tôm mới có thể đạt kích cỡ 30 con/kg, đủ để xuất bán. Lúc này, trong điều kiện bình thường, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tôm giống tốt hệ số thức ăn dao động từ 1.4-1.5. Riêng trường hợp tôm chậm lớn, hệ số này có thể lên đến 2.0.

Như vậy, lấy hệ số thức ăn bình quân là 1.5 thì chi phí thức ăn chăn nuôi đã lên đến 67.500 đồng/kg, tăng 9.750 đồng/kg tôm thương phẩm. Còn đối với trường hợp tôm bị chậm lớn, giá thành thức ăn bình quân đã chiếm đến 90.000 đồng/kg, tăng 13.000 đồng/kg tôm thương phẩm. Nghịch lý là năm nay tôm nuôi đạt sản lượng thấp do dịch bệnh đốm trắng và tôm bị hội chứng chậm lớn nhưng giá bán lại không tăng, thậm chí còn giảm.

Theo ông Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ sản Tuấn Hiền ở cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, công ty cũng là một trong những đại lý phân phối tôm giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y thuỷ sản. Thời gian qua, công ty cũng đồng hành bán chịu thức ăn cho người nuôi tôm ở địa phương. Tuy nhiên, đa số người dân nuôi công nghiệp ao đất nên gặp dịch bệnh tôm chậm lớn dẫn đến không có lời, thua lỗ khiến doanh nghiệp cũng gặp khó.

Theo ông Tuấn, để hạn chế rủi ro trong nuôi tôm hiện nay cần đầu tư công nghệ cao để kiểm soát tốt dịch bệnh, tránh ô nhiễm môi trường và nuôi nhiều giai đoạn để tiết kiệm chi phí. Thật vậy, công ty thuỷ sản Tuấn Hiền đang có 5 trang trại với quy mô trên 30ha nuôi theo mô hình này. Với giá như hiện nay, dù người nuôi truyền thống gặp thua lỗ hay không có lãi thì công ty vẫn đạt được mức lợi nhuận khoảng 20% (chưa kể khấu hao chi phí đầu tư). Tuy nhiên, mức đầu tư cho mô hình rất cao, lên đến 1,5 tỷ đồng/ha.

Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm, với mức lãi như thế này thì cần đến 5 vụ nuôi để hoàn vốn đầu tư, sau đó mới tính đến chuyện có lãi. Do chi phí đầu tư lớn như vậy, thật sự nông dân không thể đầu tư theo kịp mô hình này.

Hiện nay, giá thức ăn bình quân đang ở mức 45.000 đồng/kg, loại rẻ nhất cũng có giá 33.000 đồng/kg, làm cho giá thành sản xuất tôm tăng thêm gần 10.000 đồng/kg, khiến lợi nhuận giảm. Ảnh: Hoàng Vũ.

Hiện nay, giá thức ăn bình quân đang ở mức 45.000 đồng/kg, loại rẻ nhất cũng có giá 33.000 đồng/kg, làm cho giá thành sản xuất tôm tăng thêm gần 10.000 đồng/kg, khiến lợi nhuận giảm. Ảnh: Hoàng Vũ.

Tỉnh Bến Tre có tổng diện tích nuôi tôm nước lợ thâm canh và bán thâm canh thả xoay vòng đạt 12.500 ha, sản lượng 83.100 tấn. Toàn tỉnh có tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là 2.567 ha, năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha mặt nước. Thời gian qua, tình hình dịch bệnh cũng như giá cả thị trường, nguồn tôm giống, nguồn vốn đầu tư nuôi trồng... còn nhiều khó khăn.

Theo Chi cục Thuỷ sản Bến Tre, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, khiến giá thành sản xuất ngày càng tăng cao, người nuôi tôm công nghiệp không còn lợi nhuận. Thậm chí ở những mô hình công nghệ cao, lợi nhuận giảm đáng kể.

Tại các buổi hội nghị phát triển ngành tôm, người nuôi tôm ở Bến Tre kiến nghị cơ quan chức năng cần có cơ chế quản lý giá thức ăn. Bởi, các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi cứ mãi tăng giá, tăng trong những thời điểm tôm nuôi chính vụ đưa người nuôi vào thế “lỡ leo lên lưng cọp” buộc phải ráng mà gồng.

Thu hẹp diện tích thả nuôi

Không chỉ nuôi tôm nước lợ mà người tôm nước ngọt cũng gặp khó khăn khôn kém. Tại Đồng Tháp, mô hình nuôi tôm càng xanh đóng vai trò quan trọng thứ hai sau cá tra trong nghề nuôi thủy sản nước ngọt. Tận dụng lợi thế thiên nhiên, tỉnh xác định sản xuất luân canh 1 vụ lúa - 1 vụ tôm trong mùa lũ là mô hình phát triển bền vững để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Có thời điểm, diện tích nuôi tôm càng xanh của tỉnh không có sự biến động lớn, dao động từ trên 1.500 - 1.700 ha, tuy nhiên sản lượng và năng suất có biến động qua các năm, do ảnh hưởng khá lớn của thời tiết và nhất là mực nước.

Chi phí thức ăn tăng cao đang là nỗi lo lớn nhất của người nuôi tôm, khiến cho diện tích thả nuôi rất khó mở rộng và đạt theo kế hoạch. Ảnh: Hoàng Vũ.

Chi phí thức ăn tăng cao đang là nỗi lo lớn nhất của người nuôi tôm, khiến cho diện tích thả nuôi rất khó mở rộng và đạt theo kế hoạch. Ảnh: Hoàng Vũ.

Thời gian gần đây, diện tích nuôi tôm có xu hướng giảm về diện tích thả nuôi do điều kiện thời tiết không thuận lợi như: nắng nóng, nước lũ về muộn và thấp, chi phí đầu tư đầu vào là thức ăn tăng cao gấp 2-3 lần. Tính đến nay, diện tích nuôi tôm càng xanh ở Đồng Tháp mới thả giống khoảng 500 ha trong tổng số 1.700 ha cả tỉnh, tập trung nhiều ở các huyện như: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò…

Theo các hộ nuôi tôm ở vùng Đồng Tháp Mười, từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn cho tôm đã được điều chỉnh tăng giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Điều này làm cho người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, bởi chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá bán tôm lại không tăng, thậm chí có thời điểm giảm mạnh.

Chi phí thức ăn tăng cao đang là nuôi lo lớn nhất của người nuôi tôm, khiến cho diện tích thả nuôi rất khó mở rộng. Ảnh: Trung Chánh.

Chi phí thức ăn tăng cao đang là nỗi lo lớn nhất của người nuôi tôm, khiến cho diện tích thả nuôi rất khó mở rộng và đạt theo kế hoạch. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lương Thế Vinh, ở xã Phú Thành B, huyện Tam Nông đang nuôi 3 ao tôm, bình quân mỗi ngày mua thức ăn cho tôm tốn từ 3 - 4 triệu đồng. Hiện giá thức ăn cho tôm nhích lên khiến chi phí đầu tư đội lên rất nhiều.

Theo ông Vinh, nguyên nhân khiến giá thức ăn tăng cao là do ảnh hưởng từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu tăng. Mặc dù giá tăng cao, song bà con vẫn phải nuôi vì đầu tư cơ sở rồi không thể bỏ không.

Trong thời điểm “bão” giá vật tư đầu vào, nhất là giá thức ăn đang tăng cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân cần phát triển các mô hình làm ăn hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp để tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung, làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào tận gốc và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian.

Ông Huỳnh Văn Cung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre, cho biết, giá thức ăn nuôi tôm liên tục tăng khiến nông dân không còn cảm thấy hấp dẫn để tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi. Hiện tại, diện tích thả nuôi vẫn ổn định. Tuy nhiên, giá thức ăn cứ tiếp tục leo thang trong khi giá tôm thương phẩm vẫn “bất động” thì khó để nông dân tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, nhất là ở những mô hình nuôi công nghệ cao, chi phí đầu tư rất lớn.

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 2/5/2024: Biến động nhẹ sau kỳ nghỉ lễ

Giá xăng dầu hôm nay 2/5/2024 tăng giảm trái chiều. Trong đó, giá xăng RON 95-III tăng 40 đồng, còn giá dầu biến động nhẹ từ 110 - 260 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.