| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm càng xanh xen lúa, lợi nhuận hơn 90 triệu đồng/ha

Thứ Ba 21/03/2023 , 17:30 (GMT+7)

THANH HÓA Hình thức nuôi xen này chi phí thấp, tôm dễ nuôi, ít dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro thiệt hại, không sử dụng thuốc BVTV, năng suất lúa thấp nhưng đạt chất lượng hữu cơ...

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi xen tôm càng xanh - lúa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm tại xã Hà Hải (huyện Hà Trung).

Các hộ nuôi thủy sản tại các xã Hà Vinh, Hoạt Giang, Lĩnh Toại, Hà Lĩnh, Hà Châu (mỗi xã cử 2 hộ có kinh nghiệm) tham gia tập huấn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh xen lúa do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức. Hai hộ thực hiện mô hình là anh Trịnh Xuân Đức và Trịnh Xuân Mạnh ở thôn Yên Thôn (xã Hà Hải) với tổng diện tích 2,5ha, số lượng giống tôm thả gồm 75.000 con, mật độ thả 3 con/m2, kích cỡ 2cm/con. Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, 200kg cám chuyên dùng cho tôm.

g

Anh Trịnh Xuân Đức (xã Hà Hải) phấn khơi với thành quả của mô hình. Ảnh: Lê Cương.

Anh Trịnh Xuân Đức, một trong hai hộ trong mô hình chia sẻ: Khi tham gia dự án nuôi tôm càng xanh xen canh lúa, lúc đầu còn phân vân đắn đo sợ không làm tốt, nhưng khi đọc, nghiên cứu tài liệu thấy nuôi tôm nước ngọt có nhiều ưu điểm, đồng thời biết thêm kinh nghiệm qua học hỏi người quen cũng như tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm xen lúa nên anh đã nắm được kiến thức cơ bản.

Theo anh Đức, việc đầu tiên là cải tạo ao nuôi, dọn sạch cỏ rác quanh bờ, hút cạn nước để xử lý cá tạp. Rải vôi bột khắp mặt ao để khử khuẩn diệt trùng, đồng thời làm đất và sạ lúa để tôm có chỗ trú ẩn. Sau đó lấy đủ nước vào ruộng, dùng vải màn lọc nhiều lớp để trứng cá tạp không thể lọt vào. Khi mực nước lấy vào đảm bảo ổn định mới thả tôm giống, tôm giống được lấy từ trại giống thủy sản đảm bảo chất lượng tốt.

t

Tôm càng xanh trong mô hình sau 6 tháng nuôi. Ảnh: TL.

Sau khi thả giống, mấy ngày đầu không cho ăn, độ 4 - 5 hôm sau cho ăn bằng cám chuyên nuôi tôm, cho ăn ngày 4 lần (sáng, trưa, chiều, tối), mỗi lần 0,2kg/số lượng 22 ngàn con. Thức ăn khi tôm còn nhỏ là ăn thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein 35%, khi tôm phát triển thức ăn chủ yếu là ốc, cá các loại… Cho ăn cám tăng dần theo thời gian khoảng vài tháng và giảm lần cho ăn xuống còn 2 lần/ngày rồi cho ăn ốc bươu vàng và cá tạp các loại, thời gian đầu phải nấu chín mới cho ăn, dần dà cho ăn tươi băm nhỏ ném quanh ao cho tôm ăn...

Việc chăm sóc cũng không quá cầu kỳ bởi đặc tính tôm rất khỏe, phù hợp với môi trường nước ngọt, sinh trưởng phát triển tốt. Thức ăn dễ kiếm, nước cũng không phải thay, tôm chịu được nắng nóng mùa hè. Theo dõi từ khi thả đến lúc sinh trưởng phát triển và thu hoạch không thấy tôm có biểu hiện bệnh tật gì.

Anh Đức cho biết, tỷ lệ tôm từ lúc thả đến khi sinh trưởng phát triển sống khỏe đạt trên 60%, năng suất thu hoạch đạt 550kg/ha, trọng lượng 0,03kg/con, tương đương 33 con/kg, tôm loại to có trọng lượng cỡ 18 con/kg, loại nhỏ 25 con/kg, giá bán bình quân 250.000 đồng/kg, lợi nhuận ước tính đạt trên 50% (chưa tính giá trị thu nhập từ lúa).

re

Các hộ tham gia mô hình rất phấn khởi vì lợi nhuận cả tôm và lúa đều rất cao. Ảnh: Lê Cương.

Sau quá trình nuôi thử nghiệm, các hộ trong và ngoài mô hình đã tổ chức nghiệm thu đánh giá kết quả. Theo đó cho thấy nuôi xen tôm càng xanh - lúa tại xã Hà Hải đạt kết quả cao. Cụ thể: Diện tích lúa trong mô hình 1,75ha cho năng suất 60 tạ/ha = 10,5 tấn, giá 8 triệu đồng/tấn, giá trị 84,4 triệu đồng. Tôm 33,75 ngàn con, thu hoạch 1.350kg, giá 250 ngàn đồng/kg, giá trị đạt 337,5 triệu đồng. Tổng thu nhập tôm và lúa đạt 421,9 triệu đồng. Trừ chi phí, lúa lãi 32,6 triệu đồng/1,75ha; tôm lãi 197,2 triệu đồng/2,5ha.

Ưu điểm, chỉ trong 6 tháng, việc nuôi tôm càng xanh xen lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người nuôi. Sau khi đã trừ chi phí, tôm thương phẩm đạt lợi nhuận gần 79 triệu đồng/ha; lúa đạt lợi nhuận gần 13 triệu đồng/ha. Như vậy, mỗi hộ nuôi tôm + lúa lợi nhuận đạt 91,6 triệu đồng/ha. Hiện nay tôm càng xanh thương phẩm dễ bán, giá tôm cỡ 25 con/kg từ 280.000đ/kg trở lên.

t1

Kiểm tra, thu hoạch tôm tại mô hình. Ảnh: Lê Cương.

Điều dễ nhận thấy khi thực hiện mô hình là chi phí sản xuất thấp, tôm dễ nuôi, ít dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro thiệt hại, không sử dụng thuốc BVTV, năng suất lúa thấp nhưng đạt chất lượng hữu cơ, nâng cao giá trị của gạo. Trên cơ sở giới thiệu tìm kiếm nơi tiêu thụ lâu dài, sản phẩm tôm, cá, thủy sản hiện chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng đặc sản, chợ thương mại, người mua lẻ, số lượng nhiều có thể liên kết các đầu mối và công ty trong và ngoài địa bàn để tiêu thụ ổn định.

Xem thêm
Quảng Bình giám sát chặt hơn 150 tàu cá của một số tỉnh vào tránh bão

Sau bão số 6, tỉnh Quảng Bình đã quản lý chặt chẽ hơn 150 tàu cá của ngư dân các tỉnh vào tránh trú bão.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.