Lỗ từ doanh nghiệp tới trang trại
Sau khi xuất bán lứa gà gần nhất, trại gà của ông Nguyễn Văn Ngọc ở ấp Thái An, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, vẫn chưa thả lứa mới trong suốt gần 2 tháng qua. Chưa bao giờ trại gà này chậm thả lứa mới đến vậy. Trước đây, sau khi xuất lứa cũ, trại chỉ để trống từ khoảng 20 ngày đến 1 tháng là đã thả lứa mới.
Vì sao trại gà này lại đang chậm thả lứa mới như vậy? Anh Nguyễn Xuân Hùng, quản lý trại, cho biết, do giá gà trên thị trường trong thời gian qua thấp hơn nhiều so với giá thành nên trang trại đang phải tạm ngừng nuôi một thời gian.
Theo ông Hùng, trong những năm qua, do giá thức ăn tăng cao nên giá thành sản xuất gà trắng cũng đã tăng khá nhiều. Trước đây, 1 kg cám gà già bình quân khoảng 9.000 đồng/kg, nay đã ở mức 13.500 đồng. Vì vậy, nếu như cách đây vài năm, để sản xuất ra 1 kg gà, trang trại tốn khoảng 17.000-18.000 đồng tiền cám. Như hiện nay, để có được 1 kg gà, số tiền mà trang trại bỏ ra lên tới trên 20.000 đồng.
Còn theo tính toán của ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trang trại, tổng chi phí trực tiếp để sản xuất ra 1 kg gà lông trắng hiện đã lên tới 31.000-32.000 đồng/kg. Trong đó, riêng chi phí cám là 21.600 đồng/kg, ngoài ra là các chi phí khác như con giống, điện, nước, thuốc, tiền lương công nhân… Mà nếu tính thêm khấu hao trang trại và lãi suất vay ngân hàng, thì giá thành sản xuất mỗi kg gà trắng sẽ còn cao hơn nữa.
Trong khi giá thành sản xuất gà trắng tăng cao vì thức ăn đội giá lên khá nhiều, thì giá xuất chuồng gà trắng từ trước Tết Nguyên đán 2023 đến nay lại đang ở mức thấp, có những thời điểm chỉ 16.000-17.000 đồng/kg, những ngày gần đây ở mức 28.000-29.000 đồng/kg, đều thấp hơn nhiều so với giá thành, khiến cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp trong ngành gà trắng lỗ nặng. Vì vậy, với quy mô lên tới 320.000 con, trang trại Nguyễn Văn Ngọc không có cách nào khác ngoài việc phải tạm ngưng nuôi gà trong thời điểm này.
Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch phụ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ, không phải chỉ bây giờ mà kể từ sau dịch Covid-19 đến nay, người nuôi gà ở Đồng Nai luôn ở trong tình trạng khốn đốn do giá thức ăn tăng quá cao bởi sự đứt gãy các chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới, trong khi giá gà lại giảm mạnh.
Với tình hình hiện tại, chỉ những trang trại gà đang tham gia vào các chuỗi chăn nuôi khép kín hoặc nuôi gia công cho các doanh nghiệp thì vẫn đang hoạt động ổn định. Còn những trại gà độc lập không sớm thì muộn cũng sẽ khó mà tiếp tục tồn tại.
Không chỉ nông dân, các doanh nghiệp cũng đang lao đao với con gà trắng. Thông tin trong ngành chăn nuôi Đồng Nai cho hay, nhiều doanh nghiệp lớn đã phải giảm rất mạnh cả về quy mô lẫn sản lượng gà trắng trong thời gian qua vì không thể chịu nổi mức lỗ sâu và kéo dài trong bối cảnh giá thức ăn vẫn đang quá cao còn giá bán lại bấp bênh và thường ở mức thấp.
Mỗi con heo lỗ 1 triệu đồng
Không chỉ gà, một vật nuôi quan trọng khác của “thủ phủ chăn nuôi” Đồng Nai là con heo cũng đang trong tình cảnh lao đao.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ trang trại Hoa Phượng (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) là một nhà chăn nuôi có tiếng ở Đồng Nai. Với hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi heo, ông Thắng có thừa kiến thức, kinh nghiệm trong việc tính toán, tổ chức sản xuất sao cho có giá thành thấp. Nhưng với tình trạng giá thức ăn và nguyên liệu tăng quá cao, giá thành chăn nuôi của trang trại Hoa Phượng đã bị đội lên khá nhiều so với mấy năm trước.
Hiện tại, chỉ riêng tiền cám cho mỗi con heo, đã lên tới 3,8- 4 triệu đồng. Cộng thêm 1,2 triệu đồng là giá thành cho 1 con heo giống, chi phí sản xuất một con heo trong trang trại là 5,2 triệu đồng. Với giá xuất chuồng 48.000 đồng/kg hơi hiện tại, cứ mỗi một con heo bán ra, ông Thắng mất ngay 400 nghìn đồng. Mà đây là đang tính trong trường hợp không bị hao hụt trong quá trình nuôi. Còn nếu xảy ra hao hụt, mức lỗ còn cao hơn nữa.
Lỗ 400 nghìn đồng trên mỗi con heo xuất chuồng của trang trại Hoa Phượng được coi vẫn đang là thấp nếu so với đại đa số các trại nuôi heo khác ở Đồng Nai. Ông Nguyễn Kim Đoán, cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, chuyện lỗ 1 triệu đồng trên mỗi một con heo bán ra hiện đang khá phổ biến.
Cùng với dịch tả heo châu Phi, giá thức ăn tăng quá cao trong thời gian qua, trong khi có nhiều thời điểm giá heo giảm xuống quá thấp, đang khiến cho hàng loạt người chăn nuôi nhỏ lẻ ở Đồng Nai phải bỏ nghề. Nếu như cách đây vài năm, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tới 70% tổng đàn ở tỉnh này thì hiện chỉ còn khoảng 25-30%.
Theo ông Đoán, sau mười mấy lần tăng giá liên tục, hiện tại, giá cám heo đang cao hơn năm 2020 tới 40%. Các dịch vụ chăn nuôi cũng tăng 10-15%. Chính vì vậy, trong tương quan với chi phí chăn nuôi, giá bán heo ở thời điểm này chỉ còn tương đương với mức giá khi xuống rất thấp trong năm 2017 là 20.000 đồng/kg. Điều này đồng nghĩa với việc người nuôi heo ở Đồng Nai hiện nay đang thua lỗ không thua gì so với lúc xảy ra khủng hoảng giá heo 6 năm trước.
Thậm chí, theo nhận định của ông Nguyễn Hữu Thắng, người nuôi heo hiện tại còn khó khăn hơn nhiều bởi ở thời điểm năm 2017, tuy bị thua lỗ nặng nề, nhưng nhiều người chăn nuôi vẫn còn vốn tích lũy được từ trước đó. Còn bây giờ, gần như toàn bộ người nuôi heo đã kiệt quệ về vốn liếng bởi mấy năm qua liên tục đối mặt với những khó khăn lớn gây ra những thiệt hại nặng nề, từ dịch tả heo châu Phi tới Covid-19 rồi giá thức ăn tăng quá cao và giá bán giảm mạnh trong thời gian qua.
Chưa bao giờ ngành chăn nuôi cả nước lâm vào tình trạng khó khăn như hiện nay. Trước đây, có những thời điểm giá heo xuống thấp thì giá gà hay giá bò lại tốt và ngược lại. Nhưng năm nay, người nuôi heo, nuôi gà, nuôi bò đều đối mặt với khó khăn lớn, đều thua lỗ. Trong đó, tình trạng thua lỗ của người nuôi gà kéo dài đã gần 3 năm qua, còn với người nuôi heo là hơn 1 năm nay.
Do giá thức ăn quá cao, giá thành gà trắng trên toàn quốc hiện đã ở mức 30.000-32.000 đồng/kg, gà lông màu 39.000-42.000 đồng/kg. Giá thành heo do các công ty FDI sản xuất vào khoảng 53.000-55.000 đồng/kg, ở các trang trại từ 54.000-56.000 đồng/kg, còn ở các hộ nuôi nhỏ lẻ lên tới 58.000-60.000 đồng/kg. Như vậy, với giá xuất chuồng hiện tại, từ các doanh nghiệp tới người nuôi nhỏ lẻ đều thua lỗ nặng nề. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến cho chỉ sau vài năm, từ khoảng 4 triệu người tham gia chăn nuôi trên cả nước, đến nay chỉ còn hơn 2 triệu người.
TS Nguyễn Quốc Đạt - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam