| Hotline: 0983.970.780

Thức ăn chăn nuôi tăng giá: Khóc ròng trên quê hương khoán hộ

Thứ Năm 23/03/2023 , 13:57 (GMT+7)

Giá cám tăng cao, những chủ trại của gần nửa triệu con lợn ở Vĩnh Phúc điêu đứng. Hệ lụy nguy hiểm hơn, là nông dân mất khả năng sản xuất, thị trường lợn, gà trở thành sân chơi cho doanh nghiệp nước ngoài.

thuc-an-chan-nuoi1

Giá cám tăng cao khiến các hộ chăn nuôi như ông Hiền ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc khốn đốn. Ảnh: Văn Việt.

Nuôi nhiều, lỗ nhiều

Cái nóng đầu mùa khiến ông Hiền ướt đẫm áo, sau một vòng đi kiểm tra chuồng trại. Gần 500 con lợn trong 2 chuồng của ông đang kêu inh ỏi vì đòi ăn, và vì nóng. Quạt công nghiệp bật vù vù ngày đêm. Ngưng quạt nửa tiếng là khả năng có lợn chết.

Xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc vài năm trước có nhiều hộ như ông Hiền. Họ thậm chí lấp bớt ao, đầu tư chuồng trại đạt chuẩn để nuôi lợn. Đàn lợn giúp họ có nhà cửa khang trang, có tiền nuôi con cái học đại học ở những thành phố lớn.

Nhưng đó là dĩ vãng. Giá cám tăng cao vài năm qua khiến các nông hộ như ông Hiền “khóc ròng”.

Người đàn ông sinh năm 1969 nhẩm tính: “Như một con lợn không dính dịch bệnh thì nuôi từ lúc nhỏ đến lúc bán được, tốn 10 bao cám, cứ cho là 3 triệu rưỡi. Đầu tư con giống hết 1,5 triệu, hòm hòm 5 triệu rồi. Chưa kể tiền vaccine, tiền điện, các loại phí khác, bỏ rẻ 300 nghìn đi. Thế thì giá lợn phải 53.000 đồng/kg mới có lãi”.

Trong khi đó, đợt xuất chuồng gần đây nhất vào tháng trước, ông Hiền phải bán với giá 48 hoặc 49. Bình quân mỗi con lợn khiến ông chịu lỗ sơ sơ nửa triệu đồng.

“Tôi nuôi lâu năm, đầu tư chuồng trại lớn, sạch, có quy trình khử mùi... Nói chung thuộc dạng uy tín đấy, chứ nhiều nhà khác bán chỉ được 45, 46 thôi”.

Bài liên quan

Xã Tuân Chính giờ còn lác đác vài người như ông Hiền. Đa phần bỏ chuồng trại đi làm thợ xây, công nhân, chịu cảnh xa nhà, xa nghề nông. Xã thưa người. Chiều chiều không còn cảnh đông vui, rủ bè bạn sang nhà nhau ăn uống, tán chuyện. Sáng, cũng không có cảnh cánh đàn ông ngồi vui vẻ với nhau ở mấy quán ăn.

Chuồng trại nhiều nhà bỏ không. Càng nuôi càng lỗ. Ông Hiền bảo, nếu cứ còn cảnh cho nhập khẩu nhiều lợn, bò về Việt Nam, thì chắc đến ngày cả xã không còn con lợn nuôi nào. Trong khi đó, dù làm nghề lâu năm, ông Hiền vẫn không hiểu nổi sao “khâu trung gian” luôn có lãi. Bất kể giá lợn cao thấp thế nào, mỗi thương lái vẫn lãi từ 500.000đ đến 1 triệu đồng cho mỗi con lợn bán đến tay người tiêu dùng.

Kiến nghị thứ ba mà ông Hiền mong mỏi giới chức lưu tâm, đó là hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, cụ thể là cám lợn.

"Trước dịch Covid-19, giá cám không phải là 350.000đ/bao như bây giờ. Tôi nhớ hồi đó chỉ tầm 270 đến 280.000đ/bao. Tôi chả rõ thế nào nhưng các nhãn hàng đồng loạt tăng giá, mình phải chịu chứ không có nguồn thay thế. Họ nói do tình hình thế giới, rồi do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào như ngô, đậu tương phải chịu thuế. Tôi nông dân chả hiểu, chỉ mong Nhà nước có cơ chế thế nào đó để giá cám đừng tăng”, ông Hiền nói.

thuc-an-chan-nuoi2

Mỗi ngày, hộ bà Tắc ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc tốn cả triệu đồng tiền cám cho đàn gà nuôi lấy trứng. Giá thức ăn chăn nuôi là trở ngại khiến các nông hộ gần như không có lãi. Ảnh: Văn Việt.

Gà trứng, gà thịt “quay cuồng” vì cám

Cách nhà ông Hiền chừng chục km, hộ bà Tắc cũng khốn đốn với cảnh giá cám gà tăng mạnh. Mỗi ngày, trang trại 2.000 con gà thịt của bà tiêu hết hơn 1 triệu tiền cám. Đàn gà đó cần ít nhất 4 bao cám một ngày. Mỗi bao 25kg có giá 275.000đ.

Đàn gà cho khoảng 600 quả trứng. Với giá 1700đ-1.800đ/quả thì bà Tắc coi như tạm hòa vốn.

Từng hy vọng giá cám giảm về như vài năm trước, hay giá trứng nhích lên, nên bà Tắc cùng con cái tăng đàn gà từ 1.000 lên 2.000 con. Song điều đắng cay là càng đầu tư càng có nguy cơ lỗ nặng. “Giật mình thon thót ý chứ. Điện, nước, vacxin mình chịu được. Nhưng còn cám là cái hằng ngày phải dùng, không sao tiết kiệm được. Cứ giá cám thế này chắc phải bán hết mà chốt nợ”, bà Tắc nói.

Từ năm 2022 về trước, giá trứng là 2.500đ/quả, giúp bà Tắc có đồng ra đồng vào. Nay giá trứng chững, giá cám vẫn neo cao khiến cả nhà lão nông ngoài 65 tuổi như ngồi trên đống lửa.

Bán để chốt nợ thì không nỡ, mà gồng lên chịu đựng thì chẳng biết đến khi nào. Thực trạng đó không chỉ diễn ra với riêng bà Tắc, mà cả quê hương khoán hộ đều đang lâm vào bế tắc.

Bớt khổ hơn một chút là những hộ nuôi gà thịt. Hộ ông Đại ở xã Tân Phú còn có dịp Tết để trông chờ, khi ấy khách mua nhiều, giá cũng khá khẩm hơn.

Bài liên quan

Vì là gà lấy thịt, nên cứ 3 tháng ông Đại lại gọi thương lái vào lấy gà. Mỗi lứa chừng 1.000 con. Một năm 4 lứa. Dù vậy, nụ cười của ông Đại vẫn méo xẹo khi nói về chi phí chăn nuôi.

Ông nhẩm tính mỗi lứa gà 1.000 con tiêu thụ 7,5-8 tấn cám. Cám cho gà nuôi lấy thịt đang có giá 350.000đ/bao/25kg. Con số nhân lên là 130 đến 135 triệu đồng tiền cám. Giá gà đợt xuất chuồng gần nhất là 75.000đ/kg. So với tổng đàn gà 1,8 tấn thì đúng bằng tiền mua cám. Hòa vốn là may. Đó là chưa tính 10 triệu đồng tiền thú y, 15 triệu tiền giống, 2 triệu tiền điện, 1 triệu tiền nước. Gần như không có cửa nào cho ông Đại thu lãi, ngoài dịp Tết gỡ gạc được chút đỉnh.

Gần chục năm gắn với đàn gà, ông Đại nói chưa bao giờ giá cám chiếm đến 2/3 giá thành của con gà như hiện nay.

“Rồi chẳng còn hộ nào dám nuôi nữa, như tôi lấy buôn còn có chiết khấu. Khách lẻ lấy đâu ra. Chắc đến một ngày, dân Vĩnh Phúc này đi mua gà về ăn cho rẻ chứ nuôi làm gì”.

thuc-an-chan-nuoi3

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến nông dân Vĩnh Phúc lo ngại viễn cảnh không còn gà, lợn ở nông thôn. Ảnh: Văn Việt.

Giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức “bất thường”

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có xấp xỉ nửa triệu con lợn, 12 triệu con gia cầm, 115.000 con trâu, bò. Trong đó, bò sữa - mặt hàng mang lại giá trị kinh tế, xã hội cao, chiếm 16.000 con. Ngoài yếu tố dịch bệnh, thì thức ăn chăn nuôi đang là thứ đè nặng lên các nông hộ.

Ông Vũ Hoàng Lân, Trưởng phòng Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc, cho biết: “Theo các tính toán khoa học, ở điều kiện bình thường, thức ăn chăn nuôi chiếm 70% giá thành gia súc, gia cầm. Như hiện tại, giá thức ăn chăn nuôi đang chiếm hơn 85% giá thành, gây ra áp lực không đáng có với nông hộ”.

Phân tích kỹ hơn, ông Lân cho biết chi phí đầu vào cao khiến khả năng quay vòng vốn của nông hộ gặp trắc trở.

"Gọi nôm na là 10 đồng mua được 10 cân cám. Song bây giờ giá cám tăng cao khiến 10 đồng chỉ mua được 7 cân cám. Muốn mua đủ 10 cân cám để duy trì vòng sản xuất thì phải bù thêm 3 đồng. Tiền đó ở đâu ra, chỉ có đi vay mượn, chạy vạy, ảnh hưởng lâu dài và rất áp lực với chu kỳ sản xuất”.

Thứ nữa là giá đầu ra của gia súc, gia cầm. Theo thống kê chưa đầy đủ của ông Lân, đối với đàn lợn từ tháng 9 năm ngoái, giá bán chỉ duy trì quanh mức 50.000đ/kg. Trong khi thực tế với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, giá thành cho mỗi con lợn đã ở mức 55.000đ/kg, chủ yếu do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Vậy nên, nhiều hộ đang chịu lỗ từ 500.000-600.000đ/con lợn.

Ông Lân nói đó là lý do khiến nhiều chuồng trại ở Vĩnh Phúc đang bị bỏ hoang. Ngay cả với các hộ chăn nuôi tầm cỡ, thì vẫn đang phải lấy công làm lãi. Nếu tình hình tiếp diễn 3-4 lứa liên tục như hiện nay, ngay cả doanh nghiệp tầm cỡ cũng sẽ “treo chuồng”.

Trong khi đó, khó khăn chung về kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp Vĩnh Phúc cắt giảm nhân sự.

“Con em nông dân lâu nay đi làm công nhân, thu nhập trung bình 7-8 triệu/tháng. Bị cắt giảm thì về quê, mà về quê sống đâu được với nghề chăn nuôi khi mà quỹ đất ngày càng bị thu hẹp cho công nghiệp, giá cả thì như tôi đã nói, rất không bình thường”.

Hệ lụy nguy hiểm hơn, là nông dân Việt mất khả năng sản xuất, thị trường lợn, gà trở thành sân chơi do doanh nghiệp nước ngoài thao túng.

Giá gia súc, gia cầm nhập về đang rẻ hơn trong nước. Tôi khẳng định do chất lượng đầu vào có vấn đề, không thể nào có cái giá đó nếu tuân thủ các quy trình đã trở thành chuẩn mực trên thế giới hay khu vực. Lời giải duy nhất là tăng yêu cầu kỹ thuật với gia súc, gia cầm nhập khẩu, để công bằng với nông dân trong nước. Thứ nữa, để giải quyết bài toán triệt để, cần có ngay chính sách để giảm giá thức ăn chăn nuôi.

(Ông Vũ Hoàng Lân, Trưởng phòng Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc)

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.