Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng
Hiện nay, trong chăn nuôi heo chi phí thức ăn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành. Mỗi con heo từ lúc thả giống đến xuất chuồng (khoảng 3,5 tháng) tiêu tốn từ 9 - 10 bao thức ăn. Chi phí này bình quân khoảng 3,5 triệu đồng.
Ông Lê Trường An, chủ trang trại nuôi heo ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết, trại heo của ông đang trong giai đoạn xuất bán khoảng 150 con heo hơi và 50 con heo giống. Do không có ý định tái đàn nên khi bán heo hơi xong ông An sẽ bán luôn đàn heo giống. Do từ đầu năm 2022 đến nay, ông không nhớ nổi thức ăn chăn nuôi đã tăng giá bao nhiêu lần. Tùy đợt, mỗi lần tăng giá vài trăm đồng/kg.
Thông thường, giá thức ăn chăn nuôi sau những đợt tăng là sẽ có giảm nhưng trong gần 2 năm qua chỉ có tăng mà chưa có đợt giảm giá nào. Điều này làm cho giá thành sản xuất heo hơi của người chăn nuôi tại Hậu Giang tăng lên mức 48.000 - 50.000 đồng/kg. Trong khi giá heo hơi xuất chuồng hiện nay chỉ ở mức 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Mới đây, đại lý thức ăn chăn nuôi thông báo từ đầu tháng 4 tới giá sẽ tiếp tục tăng thêm 7.500 đồng/bao. Đồng nghĩa, nếu duy trì đàn heo thì mỗi tháng ông An phải chi thêm gần 10 triệu đồng để mua thức ăn. Trong khi, hiện tại giá heo hơi đang ở mức thấp, chỉ quanh quẩn mốc 50.000 đồng/kg.
“Với giá thức ăn hiện nay, bình quân một con heo thịt nuôi đạt trọng lượng khoảng 90kg, bán được khoảng 4,5 triệu đồng, tôi bị lỗ khoảng 500.000 đồng so với giá thành sản xuất”, ông An than thở.
Thông tin từ một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn tại Việt Nam, sẽ tiếp tục đợt điều chỉnh giá bán từ đầu tháng 4 với các loại thức ăn đậm đặc, thức ăn cho heo con, bò, thủy sản… Cụ thể, tăng thêm 300-400 đồng/kg tùy loại. Nguyên nhân do ảnh hưởng xung đột quân sự làm đứt gãy nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn thành phẩm. Ngoài ra, chi phí vận tải tăng nên các công ty phải điều chỉnh giá bán. Bên cạnh đó, nguyên liệu dự trữ của các công ty hiện tại không còn mà phải nhập về với giá cao và số lượng cũng khan hiếm.
Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản Hậu Giang cho biết, theo kế hoạch phát triển chăn nuôi đã được UBND tỉnh phê duyệt, định hướng đến cuối năm 2023 Hậu Giang sẽ phát triển đàn heo đạt 150.000 con.
Theo kết quả thống kê, đến giữa tháng 3/2023, tỉnh Hậu Giang có tổng đàn heo là 143.764 con, trong đó đàn heo thịt là 101.321 con. Như vậy, việc tăng đàn chăn nuôi chưa đạt so với kế hoạch đề ra là 145.000 con cho những tháng đầu năm.
Theo ông Cường, việc phát triển chăn nuôi gia súc, nhất là chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn, nên tăng đàn chậm. Thứ nhất, Hậu Giang có địa hình trũng thấp nên việc đầu tư chuồng trại chăn nuôi tốn kém nhiều chi phí, công tác xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cũng khó khăn hơn.
Thứ hai, sau đợt dịch tả heo châu Phi bùng phát, người chăn nuôi bị thiệt hại nặng, giá heo hơi sau đó tăng mạnh do khan hiếm.
Tuy nhiên, giá heo cao chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, chưa đủ sức bật để người chăn nuôi gượng dậy sau cú sốc lớn thì lại giảm.
Thứ ba, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong thời gian qua, làm tăng giá thành sản xuất, người nuôi heo không có lãi hoặc lãi ít nên không mặn mà tái đàn, đầu tư chăn nuôi.
“Với mức giá thành tiệm cận với giá bán như hiện nay thì người chăn nuôi heo nếu áp dụng tốt các biện pháp an toàn sinh học, không để dịch bệnh xảy ra thì may ra mới có lợi nhuận chút ít, không là huề vốn. Chăn nuôi nông hộ vài chục con chỉ cần chết một con giống là hết lời’, ông Cường nhận định.
Hiện nay, ngoài việc nông hộ tự đầu tư trang trại chăn nuôi thì hình thức chăn nuôi gia công, liên kết với các doanh nghiệp lớn cũng được hình thành. Tại Hậu Giang, Hợp tác xã Chăn nuôi Quốc Thiên (ở Long Mỹ) đang nuôi trang trại với quy mô lên đến 6.000 con heo theo hình thức liên kết. Việc nuôi gia công ít rủi ro hơn so với tự đầu tư, nhất là về thị trường đầu ra. Tuy nhiên, để nuôi gia công cũng cần phải có vốn đầu tư lớn, mặt bằng xây dựng trạng trại…
Nuôi cầm chừng, khó tăng đàn
Còn theo những đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi, tình hình kinh doanh 3 tháng đầu năm rất ế ẩm, vắng khách vì tăng giá bán, mặt khác do người chăn nuôi không còn mặn mà để tái đàn. Một số đại lý lo ngại không thu được công nợ do người chăn nuôi lỗ vốn không có khả năng chi trả.
Bà Nguyễn Mai Trang, chủ cơ sở kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi tại Cần Thơ, cho biết: “Mấy tháng qua, cứ mỗi lần nhập hàng là một lần cơ sở được báo sắp có điều chỉnh giá bán mới để chuẩn bị trước. Thức ăn chăn nuôi tăng giá nhiều nên khách mua hàng cũng dè dặt. Hiện nay, dù giá đã tăng nhưng đối với khách quen chúng tôi phải bán gối đầu, đến khi khách hàng bán xong lứa heo mới thanh toán. Trong khi nhập hàng công ty phải trả tiền mặt, còn nếu không nhập để trữ hàng bán tôi e khó cạnh tranh với đại lý khác”.
Theo thông tin từ các đại lý kinh doanh lớn tại Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đối diện với nhiều khó khăn. Đối với hộ nuôi nhỏ lẻ chấp nhận giảm đàn hoặc không mạnh dạn đầu tư tái đàn vì giá heo hơi thời gian qua lại đi ngược với giá thức ăn chăn nuôi.
Hiện nay, trong chăn nuôi heo, xuất hiện các mô hình chăn nuôi như: nuôi gia công và nông dân tự chủ. Với hình thức chăn nuôi gia công, nông dân chỉ cần bỏ vốn đầu tư chuồng trại, điện nước và hưởng tiền công chăm sóc trên số lượng đàn heo. Hình thức này khá an toàn nhưng lợi nhuận thấp. Đối với hình thức nông dân tự đầu tư chi phí con giống, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh thì phụ thuộc khá nhiều vào thị trường. Thông thường quy mô chăn nuôi khá nhỏ nên không có lợi thế trong đàm phán với nhà cung cấp vật tư, con giống, nguyên liệu đầu vào.
Phân tích về giá thành của người nuôi heo quy mô nhỏ hiện nay, ông Hồ Văn Truyền, chủ trang trại nuôi heo ở xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre cho hay: Thời gian qua, giá cả thức ăn cung cấp cho nhà chăn nuôi liên tục tăng, đến nay đã đạt khoảng 350.000 đồng/bao. Bình quân, mỗi con heo đến khi vô tạ, xuất chuồng (3,5 tháng) phải sử dụng từ 8 - 10 bao thức ăn. Chi phí này dao động từ 3 - 3,5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, giá heo giống dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/con, phụ thuộc vào giá heo hơi và nguồn cung của thị trường. Ngoài ra, người chăn nuôi phải tốn thêm khoảng 500.000 cho mỗi con heo để tiêm vacxin phòng trừ dịch bệnh. Như vậy, giá thành mỗi con heo dao động từ 5 triệu đến 5,5 triệu đồng. Đó là chưa kể chi phí điện nước và công chăm sóc bởi người chăn nuôi nhỏ lẻ theo truyền thống xưa nay lấy công làm lời.
Giá đầu ra của heo hơi phải chịu sức ép lớn buộc phải tuân theo quy luật của thị trường. Do đó, để tồn tại người nuôi heo phải tìm cách giảm giá thành mà chủ yếu là giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, với đà tăng giá thức ăn liên tục thì đây là vấn đề nan giải cho người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, chủ trại heo tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, vừa mới xuất bán 70 con heo, với giá dao động từ 5,2 - 5,3 triệu đồng/tạ. Ông cho biết, giá thành sản xuất heo của gia đình ở mức 5,5 triệu đồng/tạ, mỗi con heo ông lỗ trên 200.000 đồng.
“Bây giờ thức ăn quá mắc, ba trăm mấy một bao, một con heo ăn 10 mười mấy bao mới xuất chuồng, nhẹ nhất phải mất 4 triệu đồng”, ông Tuấn nói. Ông cũng nói thêm giá heo phải từ 6 triệu đồng/tạ trở lên hoặc người nuôi kéo giá thành xuống mức dưới 5 triệu đồng/tạ thì mới cầm cự được.
TS Thái Quốc Hiếu, Phó Chi Cục trưởng phụ trách Chi Cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Tiền Giang, cho biết: Lực lượng chức năng chủ yếu tuyên truyền, hướng dẫn về mặt kỹ thuật chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, không xảy ra dịch, còn giá heo vẫn do thị trường quyết định. Chi cục đã khuyến cáo nông dân cố gắng liên kết chuỗi sản xuất, tức là có người “chủ xị” đứng ra mua với giá tận gốc, bán có hợp đồng, người thu mua ổn định về giá.
Giá cả bấp bênh cùng với giá thành thức ăn liên tục tăng khiến sản xuất luôn tiềm ẩn rủi thua lỗ nên người nuôi heo ở ĐBSCL không mặn mà tái đàn. Tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang có quy mô vào bậc nhất, có lúc đạt trên 600.000 con. Hiện nay, chăn nuôi thua lỗ nên xu hướng tổng đàn giảm mạnh. Tỉnh Tiền Giang chỉ còn 295.000 con. Tỉnh Bến Tre chỉ còn khoảng 450.000 con. Ngành chức năng các tỉnh cho biết, chăn nuôi nhỏ lẻ dù có xu hướng giảm nhưng vẫn còn phổ biến và đang gặp khó về đầu ra, giá thành cao do thiếu tính liên kết trong sản xuất.