| Hotline: 0983.970.780

Người sản xuất phải biết tìm kiếm thông tin thị trường

Thứ Tư 29/11/2023 , 10:20 (GMT+7)

Tuyên Quang có nhiều nông sản đặc sản, tuy nhiên việc liên kết xây dựng các chuỗi sản phẩm chưa nhiều, do đó việc nắm bắt nhu cầu thị trường là rất cần thiết.

Tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN-PTNT vừa tổ chức Hội thảo tập huấn kỹ năng khai thác, tìm hiểu thông tin thị trường nông sản. Hội thảo giúp người chăn nuôi, các doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nắm vững hơn những kiến thức và nhu cầu của thị trường.

Hội thảo tập huấn kỹ năng khai thác, tìm hiểu thông tin thị trường nông sản tại huyện Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Hội thảo tập huấn kỹ năng khai thác, tìm hiểu thông tin thị trường nông sản tại huyện Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang 8.373ha chè, sản lượng đạt trên 70.000 tấn; 7.534ha cam, sản lượng trên 100.00 tấn; 5.305 ha bưởi, sản lượng 418.326 tấn, 2.296ha mía, sản lượng 164.968 tấn. Về chăn nuôi, tổng đàn trâu của tỉnh là 90.050 con, 39.307 con bò, hơn 549.700 con lợn, diện tích nuôi thả cá đạt 11.519ha. Về lâm nghiệp, tỉnh có 425.365ha rừng. Hằng năm tỉnh trồng mới trên 10.000ha rừng, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt hơn 1 triệu m3 gỗ mỗi năm.

Những năm qua tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng được 3.390ha cây trồng đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP; có 8 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAHP; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC) được 43.878ha; có 5 cơ sở chế biến sản phẩm nông sản áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong chế biến sản phẩm nông sản.

Tiếp cận tốt hơn với nhu cầu thị trường, các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh Tuyên Quang chủ động xây dựng phương án mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương; đưa sản phẩm quảng bá, giới thiệu thông qua các hội chợ nông lâm nghiệp trong và ngoài tỉnh; ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển sản xuất nông nghiệp.

Nhiều sản phẩm như đồ gỗ, chè, giấy, chuối quả... của tỉnh Tuyên Quang đã xuất khẩu thành công vào các thị trường lớn như Nga, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Pakistan, Đài Loan và một số nước châu Âu... đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông, lâm thủy sản và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Chỉ tính trong năm 2022, những mặt hàng nông, lâm sản có đóng góp lớn giúp tăng giá trị xuất khẩu gồm bột giấy với tổng giá trị hơn 19 triệu USD, giấy đế hơn 19 triệu USD, gỗ ván dán hơn 64 triệu USD, chè 605 nghìn USD…

Trong các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Tuyên Quang thì ngành hàng xuất khẩu gỗ và những nguyên liệu từ gỗ đang chiếm ưu thế tuyệt đối. Bởi trên thực tế, Tuyên Quang là tỉnh có thế mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp nổi bật. Địa phương này đang hướng đến mục tiêu trở thành cứ điểm của ngành gỗ cả nước.

Ông Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX thực phẩm sạch Sáng Nhung, huyện Sơn Dương cho biết, qua chương trình hội thảo, ông được học hỏi các kiến thức về kỹ năng khai thác, tìm kiếm thông tin thị trường và xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu, xu hướng thị trường; học tập được hương pháp thu thập xử lý thông tin thị trường và kỹ năng phân tích, đánh giá thông tin thị trường… Đây là những thông tin rất hữu ích và cần thiết cho những hộ chăn nuôi và HTX.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá đặc sản ở huyện Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá đặc sản ở huyện Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Hiểu rõ được thị trường cần gì thì người nông dân cần trang bị tốt các kỹ năng từ kỹ thuật canh tác sản xuất đến quy chuẩn, tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Người nông dân phải nắm được câu chuyện của sản phẩm mình và phải biết nói lên thế mạnh của nó. Cần xác định rõ, sự hài lòng của khách hàng với sản phẩm mới là mục tiêu cao nhất đối với người sản xuất, đó chính là tiềm năng lớn để thúc đẩy hoạt động sản xuất phát triển.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, hội thảo nằm trong chương trình phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và tỉnh Tuyên Quang, nhất là về vấn đề thị trường. Qua hội thảo Cục muốn phổ biến thông tin nhu cầu của thị trường đến các đơn vị quản lý, các tổ hợp tác, HTX và bà con nông dân của Tuyên Quang nói riêng những địa phương miền núi phía Bắc nói chung. Từ đó người dân có thể nắm bắt thông tin thị trường và định hướng tốt cho hoạt động sản xuất, biết cách sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Nhất là người tiêu dùng tại các thị trường lớn, khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu và cả thị trường Trung Quốc.

Trên thực tế, tại nhiều địa phương của tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là huyện Lâm Bình sản phẩm hàng hóa bán chủ yếu theo hướng truyền thống và nhỏ lẻ, manh mún. Sản xuất chưa nắm bắt nhu cầu thị trường nên dù nông sản được đánh giá có chất lượng khá cao nhưng cho giá trị chưa lớn, hiệu quả kinh tế chưa cao và chưa xây dựng được thương hiệu. Người dân vẫn bán những cái mình có, nhưng chưa chú ý đến việc phải bán cái nhu cầu thị trường cần.

Với những kiến thức, kỹ năng được trang bị tại hội thảo, các doanh nghiệp, cá nhân, HTX trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang sẽ có thể biết cách nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP, các sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang ngày càng phát triển.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm