Tiểu thương nghỉ họp chợ
Dịch viêm da nổi cục trên trâu bò và dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) quần thảo nhiều tháng nay đã khiến người chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh lao đao. Ngoài phải gánh chịu thiệt hại trực tiếp từ việc gia súc nhiễm bệnh, phải tiêu hủy, việc người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn, thịt bò trong khoảng gần 1 tháng nay khiến giá bán lợn, trâu bò sụt giảm, ế ẩm.
Chị Huyền, tiểu thương bán giò, chả ở chợ Phố Châu, huyện Hương Sơn thở dài cho biết, gần một tháng nay nhu cầu ăn giò, chả của người dân Hương Sơn giảm đến 60-70% so với trước, đặc biệt, 6 ngày trở lại đây, lượng tiêu thụ giảm đến 80-90%.
“Trước khi bò, lợn bị dịch bệnh, mỗi ngày tôi bán từ 14 - 15 kg giò, chả nhưng mấy hôm nay tôi nghỉ bán ở chợ vì hàng ế ẩm. Hiện tôi chỉ làm khi có khách đặt”, chị Huyền nói.
Chợ Phố Châu có hơn 50 sạp bán thịt lợn; 10 sạp bán thịt bò và gần 10 sạp bán giò, chả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, người tiêu dùng “cai” hẳn thịt bò, thịt lợn, chuyển sang ăn thịt gà, cá, tôm... nên số lượng sạp thịt, giò, chả còn duy trì họp chợ chỉ còn khoảng 10%.
Bà Trần Thị Loan, một người dân ở xã Quang Diệm vò đầu bứt tóc không biết mua món gì để thay thế thịt bò, thịt lợn trên mâm cỗ ngày kỵ mẹ chồng.
Theo bà Loan, mặc dù biết thịt lợn, thịt bò bán ở chợ đều được kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng do tâm lý đám đông, ai cũng e ngại, sợ mua phải thịt “bẩn” nên bây giờ dọn cỗ thịt bò, thịt lợn cũng không ai ăn. Hơn nữa, thời điểm này muốn mua thịt lợn, thịt bò còn khó hơn mua... vàng, các sạp thịt hầu như đóng cửa nên bà đành chọn món tôm và mực để dọn cỗ thay thế.
Chung cảnh đìu hiu, hơn chục sạp thịt bò, lợn ở chợ Vườn Ươm, TP Hà Tĩnh cũng vắng kẻ bán, người mua.
“Ai cũng sợ mua phải thịt bò bị bệnh viêm da nổi cục, thịt lợn bị DTLCP nên đều chuyển sang ăn cá, tôm, gà, trứng... Mấy hôm nay các sạp thịt đều nghỉ bán cả”, một tiểu thương bán cá ở chợ Vườn Ươm chỉ tay lên dãy sạp thịt nói.
Quán ăn đóng cửa
Không chỉ tiểu thương nghỉ họp chợ, nhiều nhà hàng, quán ăn sử dụng thịt lợn, thịt bò làm nguyên liệu phải đóng cửa hoặc lựa chọn nguyên liệu khác thay thế.
Dọc trục đường Lê Duẩn, TP Hà Tĩnh, nhiều hàng quán buôn bán phở bò nức tiếng một thời nay buộc phải tạm đóng cửa vì vắng khách ăn.
Hơn 10 ngày nay, quán Phở Thìn Hà Nội trên đường Lê Duẩn, TP Hà Tĩnh buộc phải đóng cửa vì sau khi xuất hiện dịch bệnh, mỗi ngày chỉ bán được khoảng 10 bát. Trong khi đó, dù không bán được phở, chủ quán vẫn phải trả 1 triệu tiền mặt bằng, nhân viên, thuế.
Chủ quán Nguyễn Mạnh Tưởng chia sẻ, ông mở quán bún, phở bò đã được 5 năm. Ngoài việc nghỉ để phòng chống dịch Covid-19 như đợt trước thì chưa có năm nào quán ế ẩm vì dịch bệnh trên bò như thế này.
“Trước, mỗi ngày tôi bán được khoảng 200 bát phở. Tuy nhiên gần đây mỗi ngày chỉ bán được khoảng 10 bát, thậm chí có ngày không được bát nào. Tôi đang nghe ngóng xem tình hình dịch như thế nào rồi mới dám mở cửa trở lại”, ông Tưởng nói.
Đồng thời cho biết, quán của ông lấy thịt bò có kiểm dịch rõ ràng, chọn bò ngon ở lò giết mổ thành phố nhưng không hiểu sao người tiêu dùng lại lo sợ, hoang mang với thịt bò đến như thế.
Chung cảnh ngộ, quán Phở Cười thơm ngon nổi tiếng trên đường Lê Ninh, TP Hà Tĩnh cũng đóng cửa gần chục ngày nay vì ế ẩm.
Theo chủ quán, khi chưa có dịch viêm da nổi cục sáng nào cũng có hàng trăm khách đến ăn phở bò nhưng sau khi xuất hiện dịch, số lượng khách ăn giảm dần theo từng ngày, thậm chí có những ngày không có khách nào.
Để giảm bớt gánh nặng chi phí nhân viên, mua nguyên liệu, quán Phở Cười thông báo tạm nghỉ chờ đến khi dịch viêm da nổi cục ổn định sẽ mở bán trở lại. Chủ quán mong muốn ngành Y tế đưa ra các khuyến cáo cụ thể để người tiêu dùng để không quay lưng với thịt bò, thịt lợn.
Đối với các nhà hàng, quán ăn kinh doanh cháo canh, bún thập cẩm, bún rêu cua..., sử dụng thịt bò, lợn “không chuyên” thì lựa chọn tôm, chả cá, trứng cút...để thay thế 2 loại thực phẩm đang có dịch bệnh.
Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, đối lập với cảnh đìu hiu của các quán ăn chuyên thịt bò, thịt lợn, những quán ăn sử dụng nguyên liệu như lươn, cá, xôi, bánh mì... lại tấp nập khách.
Chị Nguyễn Thị Tâm, chủ quán xúp niêu cá tràu, lươn đồng Hồng Lĩnh, thị xã Hồng Lĩnh phấn khởi cho biết, kể từ khi xuất hiện dịch bệnh trên đàn bò và lợn, quán ăn của chị đông khách hẳn.
“Ngoài lượng khách quen thì mấy tuần nay mỗi ngày có khoảng 50-70 khách lạ đến ăn súp cá, súp lươn. Họ cho biết sợ ăn phải thịt bò, lợn bị dịch bên nên tạm thời chuyển sang ăn các món khác”, chị Tâm nói
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh: “Tháng 12/2020 dịch VDNC lần đầu tiên xuất hiện trên đàn trâu bò của huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Đây là căn bệnh gây nguy hiểm cho đàn trâu bò nhưng không lây lan sang người.
Hiện bệnh viêm da nổi cục đã khiến hơn 1.000 con trâu bò chết; khoảng 8.000 con đang mắc bệnh chưa qua 21 ngày, tập trung nhiều ở các huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc, Kỳ Anh...
Đối với DTLCP, từ đầu năm 2021 đến nay toàn tỉnh tiêu hủy hơn 7.000 con lợn của hơn 100 xã. Chủ yếu nhỏ lẻ trong các hộ, bình quân 3 con/hộ.