Ngày 18/3, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho hay, mặc dù đã thực hiện rất nhiều giải pháp phòng, chống dịch VDNC trên trâu, bò, tuy nhiên việc ngăn chặn mầm bệnh lây lan diện rộng đang gặp nhiều khó khăn.
'Giải pháp cần làm nhất bây giờ là tiêm phòng bao vây dịch. Tuy nhiên, lượng vacxin VDNC Hà Tĩnh đăng ký đang thiếu rất nhiều. Cụ thể, tổng đàn trâu, bò nằm trong diện phải tiêm khoảng 180 ngàn liều/tổng đàn trâu, bò 240 ngàn con. Trong đó, cần khẩn cấp 40 – 50 ngàn liều phục vụ tiêm bao vây ở các địa phương đang có dịch', ông Hùng nói.
Hiện Hà Tĩnh đã có 9/13 huyện, thị xã, thành phố có dịch VDNC, với tổng số trâu, bò mắc bệnh chưa qua 21 ngày là hơn 1.000 con, trong đó đã có gần 200 con trâu, bò mắc bệnh chết, tiêu hủy. Một số địa phương như huyện Kỳ Anh, Hương Khê có gia súc mắc bệnh, đăng ký vacxin nhiều tuần nay nhưng hiện vẫn chưa được phân bổ liều nào để tổ chức tiêm.
Ông Trần Bá Toàn, Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Kỳ Anh thông tin, bệnh VDNC xuất hiện tại Kỳ Anh từ ngày 9/2/2021, đến nay đã có 137 con/16 xã có trâu, bò bị bệnh; trong đó 7 con chết, phải tiêu hủy.
Một số xã bị nặng như Kỳ Phong, Kỳ Trung, Kỳ Bắc, Kỳ Giang, Kỳ Tiến… theo chỉ đạo của ngành chuyên môn phải tổ chức tiêm phòng vacxin VDNC 100%. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng đăng ký, đến bây giờ huyện vẫn chưa nhận được liều vacxin nào để tiêm phòng.
Trước tình tình khan hiếm vacxin VDNC, ngày 17/3, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đề nghị Cục chỉ đạo Công ty CP kinh doanh thuốc Thú y AMAVET và các đơn vị liên quan nhanh chóng thực hiện các thủ tục cần thiết để cung ứng kịp thời vắc xin chống dịch cho các địa phương, trong đó có Hà Tĩnh.
'Ngày 26/2, chúng tôi đăng ký gần 6.600 liều nhưng thực tế số trâu, bò hiện nay nằm trong diện phải tiêm phòng bắt buộc khoảng hơn 11.000 con. Để chủ động, huyện đã tập huấn cho 52 cán bộ thú y cơ sở về công tác tiêm phòng, nay chỉ cần có vacxin là triển khai tiêm đồng loạt để bao vây, khống chế dịch”, ông Toàn nói.
Đồng thời cho biết thêm, chi phí mua vacxin VDNC do người dân chi trả, còn hóa chất tiêu độc khử trùng và tiền nhân công, bảo hộ cho cán bộ tiêm phòng huyện trích ngân sách hỗ trợ người chăn nuôi.
Trước đó, Hà Tĩnh được Bộ NN-PTNT, Cục Thú y hỗ trợ 5 ngàn liều vacxin VDNC LumpyShield và Lumpyvac để tiêm phòng thí điểm. Kết quả tiêm tại 2 huyện Lộc Hà, Thạch Hà và Trang trại bò sữa Vinamilk, huyện Hương Sơn cho thấy, đàn trâu, bò sau khi được tiêm phòng sức khỏe ổn định, sau 18 ngày đã lành triệu chứng.
Đặc biệt, sau 45 ngày sau tiêm phòng, tình hình dịch bệnh tại các địa phương có dịch được khống chế, không phát sinh thêm trâu, bò mắc bệnh.
Trên cơ sở hiệu quả của việc tiêm phòng thí điểm, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, từ 1 – 15/3, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục mua 40 ngàn liều Lumpyvac phân bổ cho 8 huyện, thành phố, thị xã gồm: Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Nghi Xuân, thị xã Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh và TP Hà Tĩnh tiêm phòng bao vây, phòng chống dịch.
Qua theo dõi, giám sát thực địa, việc sử dụng vacxin VDNC tại Hà Tĩnh an toàn; hiệu quả trong phòng chống dịch tốt; đàn trâu, bò sức khỏe ổn định.
'Những ngày gần đây số trâu, bò chết trên địa bàn liên tục tăng, thậm chí có ngày chết đến hơn 20 con. Vì vậy, việc tiếp tục cung ứng vacxin tiêm phòng khống chế dịch là cực kỳ cấp thiết', ông Trần Hùng nhấn mạnh thêm.