Khó kiểm soát
Tính đến 15/3, toàn tỉnh Nghệ An xuất hiện 16 ổ dịch viêm da nổi cục (VDNC) chưa qua 21 ngày, số lượng trâu bò nhiễm bệnh là 70 con. Trong đó, huyện Hưng Nguyên có 4 con/3 xã, Nghĩa Đàn 3 con/3 xã, Anh Sơn 14 con/1 xã, Diễn Châu 2 con/2 xã, TP Vinh 22 con/2 xã, Tân Kỳ 4 con/xã và thị xã Hoàng Mai 1 con/1 xã.
Theo ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An: Bệnh VDNC do virus gây ra, đường truyền lây bệnh ở phạm vi rộng vì véc tơ truyền bệnh chủ yếu qua côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng…), rất khó kiểm soát. Hơn nữa hiện đang là thời điểm chuyển mùa, điều kiện lý tưởng để cho các loại côn trùng phát triển, lây lan phát tán mầm bệnh.
“Lợn thường được nuôi theo đàn nhưng trâu bò đa phần lại nhỏ lẻ, cơ bản mỗi hộ chỉ duy trì 1, 2 con. Việc nắm bắt tình hình và kiểm soát dịch bệnh vì thế cũng khó khăn hơn gấp bội”, ông Ngô Đức Quỳnh kêu khó.
Cũng theo ông Quỳnh, nguy hại nhất, khi bò bị bệnh, có tình trạng người dân không khai báo mà tự điều trị, gây rất nhiều khó cho cơ quan chức năng, đặc biệt trong bối cảnh mạng lưới cơ sở đã bị bó hẹp rất nhiều kể từ khi áp dụng chủ trương xóa bỏ hệ thống thú y cấp xã.
Bên cạnh VDNC trên trâu bò, hiện Nghệ An cũng ghi nhận 4 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại một số cơ sở không đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học ở 4 huyện Đô Lương, Thanh Chương, Con Cuông và Quỳnh Lưu. Ngoài ra, bệnh lở mồm long móng cũng xảy ra tại huyện Quỳnh Lưu. “Dịch chồng dịch” khiến áp lực đang đè nặng lên ngành thú y ở Nghệ An.
Hiện nay, tổng đàn trâu bò của Nghệ An khoảng 760.000 con. Trước mắt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua 28.000 liều vacxin VDNC để tiêm phòng cùng 2.000 lít hóa chất đặc hiệu nhằm tiêu diệt côn trùng.