Theo Báo cáo Chỉ số Tetra Pak 2023, người tiêu dùng hiện đang cân nhắc nhiều về môi trường bên cạnh sức khỏe cá nhân khi mua thực phẩm.
Những người tiêu dùng quan tâm đến môi trường chỉ sử dụng loại thực phẩm có ảnh hưởng ít nhất tới môi trường (người ăn uống thân thiện với môi trường) và họ sẵn sàng điều chỉnh thói quen ăn uống để bảo vệ trái đất.
Thị trường thực phẩm lành mạnh đã được hình thành rõ rệt khi người tiêu dùng chủ động tìm kiếm các sản phẩm có tác động tích cực đến sức khỏe thể chất của họ. Nhưng phần lớn hiện nay đang có quan điểm toàn diện hơn với 70% số người được khảo sát cho rằng, các sản phẩm lành mạnh không nên gây hại đến môi trường, trong khi 54% khác sẵn sàng hành động trách nhiệm với hành tinh và thay đổi chế độ ăn uống của mình để góp phần tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.
Trọng tâm kép này được phản ánh qua việc ngày càng nhiều người tiêu dùng có ý thức giảm ăn thịt, được gọi là người “ăn chay linh hoạt”, với gần một nửa số người tiêu dùng nói rằng họ đang giảm ăn thịt hoặc loại bỏ hoàn toàn thịt.
Báo cáo do Công ty Nghiên cứu Thị trường toàn cầu IPSOS thực hiện tại 10 quốc gia trên thế giới, phát hiện rằng xu hướng giảm thịt này là một hiện tượng toàn cầu. 56% số người được hỏi đề cập đến lý do sức khỏe khi áp dụng chế độ ăn linh hoạt, pescatarian (vẫn ăn cá), ăn chay hoặc thuần chay, nhưng hơn 1/3 (36%) đặc biệt coi môi trường là động lực chính của họ.
Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng sự tiện lợi không còn là ưu tiên hàng đầu nữa. Các quan điểm cố hữu trước đây đã thay đổi một cách đáng kể, khi 70% người tiêu dùng sẵn sàng tiết giảm sự tiện lợi để có được các sản phẩm lành mạnh hơn.
Sự ưu tiên về sức khỏe cũng không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khi chỉ có 17% số người được hỏi quyết định cắt giảm thực phẩm và đồ uống có lợi cho sức khỏe trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Xu hướng ăn uống thân thiện với môi trường được kỳ vọng sẽ gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng lan rộng đồng thời người tiêu dùng mong đợi các nhà sản xuất thực phẩm cung cấp các sản phẩm vừa tốt cho sức khỏe vừa bền vững.
Ông Adolfo Orive, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tetra Pak cho biết: “Những phát hiện trong Báo cáo Chỉ số năm nay đã phản ánh định hướng mà chúng tôi theo đuổi trong vài năm qua, nhằm giảm lượng khí nhà kính trong ngành công nghiệp thực phẩm và làm cho hệ thống thực phẩm trở nên bền vững và bền bỉ hơn.
Ở nhiều khu vực trên thế giới, người dân dựa vào các sản phẩm như sữa và nước ép để có nguồn dinh dưỡng hàng ngày. Vì vậy, việc tối ưu hóa chuỗi giá trị của họ thông qua các đổi mới trong khâu tìm nguồn cung ứng, đóng gói, chế biến và phân phối là rất quan trọng. Đó cũng là những khâu chúng tôi đã và đang đóng vai trò tích cực cùng với khách hàng và nhà cung cấp của mình.
Ngoài ra, xét đến việc thế giới sẽ cần thêm 60% thực phẩm vào năm 2050, chúng tôi đang hoàn thiện những nỗ lực này thông qua các công nghệ có thể giúp khám phá nguồn dinh dưỡng mới - từ các nguồn thực vật mới đến các nguồn protein thay thế được sản xuất bằng quá trình lên men sinh khối và lên men chính xác. Cả hai lĩnh vực này đều rất quan trọng trong việc góp phần hướng tới sự bền vững của hệ thống thực phẩm”.
Những cải tiến thực phẩm mang tính đột phá có thể đóng vai trò hỗ trợ mạnh mẽ trong việc cung cấp các sản phẩm không chỉ ngon mà còn tiết kiệm tài nguyên. Một tin đáng mừng là người tiêu dùng đã sẵn sàng đón nhận những đổi mới nhằm cải thiện cách chúng ta sống và ăn uống khi 62% tin rằng công nghệ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một tương lai bền vững hơn.
Đồng thời, cũng có một số người tiêu dùng lo ngại rằng các đổi mới này có thể không tự nhiên như thực phẩm tươi sống, chưa qua chế biến - vậy nên việc tìm ra điểm cân bằng phù hợp sẽ là mấu chốt.