| Hotline: 0983.970.780

Đội vốn đường sắt trên cao: Thanh tra Chính phủ đã không bảo vệ người tố cáo?!

Người tố cáo bị trù dập như thế nào?

Thứ Ba 27/08/2019 , 09:03 (GMT+7)

Bị thuyên chuyển vị trí việc làm nhiều lần, bị hạ nhục bằng cách đuổi ra khỏi phòng họp, bị kỉ luật vì “mắng” lãnh đạo không đủ tư cách, bị cắt lương thưởng… Đây chính là cái giá của người phát hiện ra tham nhũng, tố cáo tham nhũng được nhận (!).

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Như số báo trước NNVN đã thông tin, việc tố cáo vi phạm ở BQL Đường sắt đô thị Hà Nội, đã được Thanh tra Chính phủ (TTCP) xác định là nội dung tố cáo đúng, lẽ ra ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó trưởng BQL Đường sắt đô thị Hà Nội phải được TTCP kiến nghị khen thưởng, biểu dương. Nhưng kết luận TTCP không nhắc đến công trạng của ông dù chỉ một câu. Thay vào đó, TTCP lại khẳng định chưa có cơ sở để chứng minh ông Bình bị trù dập khi ông yêu cầu được bảo vệ vị trí, việc làm theo quy định của Luật Tố cáo. Kết luận này của TTCP dường như đã mở đường cho lãnh đạo BQL ĐSĐT Hà Nội tùy nghi xử lý người tố cáo theo chủ ý của mình.

Ông Lương Xuân Bình cho biết, sau khi không được bổ nhiệm lại chức vụ Phó trưởng BQL ĐSĐT Hà Nội, từ ngày 21/11/2016, ông được phân công về công tác tại văn phòng Ban và đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng và quản lý chất lượng hệ thống ISO.

Khi ông Bình vẫn đang làm việc trực tiếp với cơ quan TTCP, ông chưa bị gây khó dễ nhiều. Nhưng sau kết luận TTCP vào ngày 10/4/2018, ông Nguyễn Cao Minh – Trưởng BQL ĐSĐT Hà Nội mới có động thái. Bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8/2018, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của ông Bình bị xếp loại C. Đến tháng 9/2018, ông bị xếp loại D và bị cắt lương thưởng. Mặc dù ông Bình hoàn thành vượt mức kế hoạch được phê duyệt, hoàn thành nhiệm vụ theo phiếu giao việc của ông Minh tuy nhiên ông vẫn bị xếp vào mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 4/5/2019, ông Minh ra quyết định điều động ông Bình là nhân viên văn phòng đến nhận công tác tại Phòng Kế hoạch và Chuẩn bị đầu tư trực thuộc BQL ĐSĐT Hà Nội. Việc điều động viên chức là chuyện bình thường, nhưng trong nội dung quyết định của lãnh đạo BQL ĐSĐT lại thực sự bất thường: Tại điều 2 quyết định nêu rằng: “Ông Lương Xuân Bình có trách nhiệm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Tổ trưởng tổ giúp việc xây dựng và quản lý chất lượng hệ thống ISO (theo QĐ189/QĐ-ĐSĐT ngày 15/11/2018), đồng thời đến nhận nhiệm vụ mới tại Phòng Kế hoạch và Chuẩn bị đầu tư đúng thời gian quy định”.

Như vậy tức là ông Bình bị điều động đi phòng khác, vị trí việc làm khác mà vẫn phải thực hiện nhiệm vụ đã được xây dựng cho Văn phòng của BQL. Đây là một quyết định không phù hợp, mang tính trù dập vi phạm điều 47 Luật Tố cáo nên ông Bình không chấp hành và làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, trong thời gian khiếu nại và chưa tiếp nhận vị trí việc làm mới, ông Bình đã bị ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng BQL ĐSĐT (là người cơ quan TTCP kết luận khi bổ nhiệm còn thiếu nhiều điều kiện) hạ nhục bằng cách đuổi ra khỏi cuộc họp ngày 29/5/2019 của Văn phòng Ban với lý do không phải viên chức thuộc văn phòng, không liên quan đến công việc của văn phòng.

Ông Bình cho rằng sự hiện diện của ông trong cuộc họp là do lãnh đạo văn phòng mời chứ không phải tự ý, bản thân ông tuy chưa tiếp nhận vị trí công việc mới nhưng nói công việc của ông không liên quan đến văn phòng là không đúng vì ngay trong nội dung quyết định điều chuyển vẫn giao ông làm tiếp công việc của Văn phòng.

Vì vậy, ông Hiếu cố tình đuổi ông Bình ra khỏi cuộc họp là không đúng và có dấu hiệu hạ nhục ông. Lời qua tiếng lại ông Bình phê phán ông Hiếu trước cuộc họp là cán bộ lãnh đạo nhưng không đủ tư cách vì thiếu nhiều điều kiện theo như kết luận của TTCP thì bị lập biên bản về việc xúc phạm lãnh đạo.

Ngày 23/7, ông Nguyễn Cao Minh ra quyết định thành lập Hội đồng Kỷ luật viên chức, do ông Minh làm Chủ tịch Hội đồng. Tiếp đến, trong suốt hai tháng 7 - 8/2019, BQL ĐSĐT Hà Nội đã sử dụng nội dung biên bản cuộc họp ngày 29/5 để kiểm điểm ông Bình rất nhiều lần. Kèm theo việc gây áp lực kỷ luật, BQL ĐSĐT Hà Nội còn “cắt” toàn bộ chế độ lương, thưởng của ông Bình.

Thất vọng với cơ quan TTCP vì không bảo vệ quyền lợi của người tố cáo, ông Bình tiếp tục gửi đơn kêu cứu đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng , Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Nội chính TƯ Phan Đình Trạc và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Trần Cẩm Tú…

Như vậy, sau 5 năm đấu tranh chống tham nhũng, chỉ ra nhiều sai phạm lên tới hàng ngàn tỉ đồng nhưng cho đến thời điểm hiện tại những cá nhân sai phạm vẫn mặc nhiên vô sự, vẫn là những cán bộ chủ chốt của BQL, vẫn luôn nhận danh hiệu Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ duy nhất một cá nhân bị trù dập, tước đoạt quyền lợi chính là người đấu tranh chống tham nhũng.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.