| Hotline: 0983.970.780

Công ty CP Đường Kon Tum 'đủng đỉnh' thu mua mía nguyên liệu;

Người trồng mía như ngồi trên đống lửa

Thứ Năm 25/01/2018 , 13:30 (GMT+7)

Thời điểm này những năm trước, người trồng mía ở huyện Chư Păh đã hoàn tất việc thu hoạch mía. Vậy mà niên vụ mía 2017-2018 - tính đến chiều ngày 24/1, nông dân nơi đây mới xuất bán...

Niên vụ mía năm 2017-2018, không ít chủ vườn mía ở huyện Chư Păh (Gia Lai) như ngồi trên đống lửa, bởi giá mía năm nay giảm mạnh; bởi đã đến kỳ thu hoạch, cây mía đã trổ cờ đồng loạt nhưng phía nhà máy vẫn... bảo dưỡng máy móc; và còn bởi nhiều ruộng mía đã bị "bà hỏa" thiêu rụi...

15-48-15_2-h-mi-cu-nh-vinh-bi-lu-thieu-rui
Một ruộng mía bị lửa thiêu rụi

Thời điểm này những năm trước, người trồng mía ở huyện Chư Păh đã hoàn tất việc thu hoạch mía. Vậy mà niên vụ mía 2017-2018 - tính đến chiều ngày 24/1, nông dân nơi đây mới xuất bán được đúng một xe mía!

Ngày 11/12/2017, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum có thông báo đến nông dân Chư Păh, về việc thu mua mía nguyên liệu niên vụ 2017-2018. Theo tinh thần của thông báo này thì, phía công ty sẽ thu mua toàn bộ mía cho bà con trước Tết Nguyên đán 2018. Tuy nhiên đến nay, hơn 40 ha mía của nông dân nơi đây vẫn trổ cờ dưới cái nắng như thiêu như đốt của mùa khô Tây Nguyên, trong khi đó chỉ còn chưa đến một tháng nữa là đã đến Tết.

Chủ tịch xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) - ông Nguyễn Văn Nội, cho biết: Trước đây, cả xã có khoảng 300 ha mía. Mấy năm gần đây, giá mía xuống thấp, nông dân tự chuyển đổi sang các loại cây khác. Hiện cả xã chỉ còn khoảng hơn 40ha mía. "Dù cây mía đã bước vào vụ thu hoạch từ rất lâu, những huyện khác đã thu gần hết, nhưng ở đây người dân mới bán được đúng một xe", ông Chủ tịch xã Chư Đăng Ya cho biết.

Cây mía ở huyện Chư Păh chủ yếu được trồng ở hai xã Chư Đăng Ya và Chư Zô. Ở Chư Đăng Ya đã vậy, còn người trồng mía ở Chư Zô cũng không khá khẩm hơn. Theo ông Nguyễn Văn Bình - trưởng thôn Ngô Sơn (xã Chư Zô) thì: Công ty Cổ phần Đường Kon Tum đã gửi thông báo cách đây hơn một tháng, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy về thu mua, trong khi thời điểm này mọi năm, người trồng mía ở đây đã thở phào cuối vụ.

Không chỉ lo lắng về việc công ty chậm thu mua mà còn nhiều vấn đề khác, người trồng mía nơi đây cũng vô cùng bức xúc. Cũng theo ông Bình: "Trước đây, mía thu mua tại ruộng giá 800 đồng/kg, công ty lo chi phí vận chuyển. Năm nay lại mua theo trữ lượng đường, mà trữ lượng đường xe thứ nhất đang được 9-10 chữ, sang xe thứ hai còn 7 thì bà con phải thắc mắc chứ! Còn nữa, trước kia chỉ tính tạp chất là 3%, nay tăng lên 5%, trong khi giá mía liên tục giảm, người trồng mía cầm chắc thua lỗ". Ông Bình làm một phép tính: Bình quân năng suất đạt 60 tấn/ha, một ha bán được hơn 30 triệu, trong khi công chặt mất 160.000 đồng/ngày, bốc vác 80.000 đồng/tấn. Tính ra trừ hết các chi phí, mỗi ha vẫn phải bù thêm 5-7 triệu đồng.

15-48-15_cy-mi-tro-co-con-cty-thi-dng-bo-duong-my-moc
Mía đã trổ cờ trong khi công ty đang... bảo dưỡng máy móc

Bên cạnh nỗi lo thu hoạch muộn sẽ giảm chữ đường, người trồng mía ở đây đang như ngồi trên đống lửa khi mà mùa khô Tây Nguyên đang dội cái nắng xuống những ruộng mía. Có không ít ruộng mía ở đây đã bị thiêu rụi. Cách đây hơn một tháng, 2 ha mía của nhà anh Nguyễn Thế Vinh (con trai ông Bình - trưởng thôn Ngô Sơn) đã bị "bà hỏa" trút cơn giận dữ. “Gia đình đã báo với công ty, bên phía công ty đã xuống làm việc nhưng không thấy động tĩnh gì. Hiện con tôi phải thuê thêm người chặt dọn bãi. Tổng cộng con cháu, anh em tôi có hơn 25 ha mà giờ giá thì giảm, nhà máy chưa thu mua. Thêm vào đó gần đây mía cháy rất nhiều, không lo sao được!...”, ông Bình lo lắng.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Cần - Trưởng phòng Kế hoạch Tổ chức Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, trả lời nhẹ bẫng: “Hiện tại lãnh đạo đang đi vắng. Nhà máy thì mới đi vào hoạt động được 2 ngày sau quá trình bảo dưỡng tu sửa máy móc. Hiện tại, chúng tôi đang ưu tiên thu mua ở các huyện ở tỉnh Kon Tum”.

Ông Nguyễn Văn Nội - Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Păh): “Bước vào mùa khô, nắng nóng gay gắt, lại ở gần khu dân cư nên mía rất dễ bén lửa và cháy. Trước tình hình này, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, tuy nhiên công ty này chỉ trả lời là máy móc đang bị hỏng, chưa mua được...”.

Cũng theo ông Nội thì trước đây, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum và các hộ dân trồng mía ở huyện Chư Pah có ký kết một bản hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Mấy năm nay vẫn áp dụng thu mua theo bản hợp đồng này.

"Điều khó hiểu là phía công ty chỉ đưa hợp đồng cho người dân và chính quyền ký, sau đó công ty giữ hợp đồng, chính quyền địa phương và hộ trồng mía chúng tôi không giữ bản nào", ông Nội nói.

 

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.