Xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập có tới trên 65% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trước đây, sau ngày thu hoạch vụ mùa là bà con thường “nghỉ chơi”. Thế nhưng, những năm gần đây, bên cạnh việc tập trung tuyên truyền, vận động, bằng nhiều giải pháp, chính quyền địa phương đã hỗ trợ vốn, trao sinh kế như trâu, bò, dê… để bà con có tư liệu sản xuất, từ đó bà con đã biết tự làm chủ kinh tế trên mảnh đất của mình.
Theo chân cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bù Gia Mập đến xã Phú Văn những ngày này, nhìn thấy bà con hăng say lao động, chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng. Ghé thăm gia đình anh Hoàng Văn Hợp (dân tộc Tày) ở thôn Cây Da lúc anh đang tất bật chăm sóc đàn dúi của gia đình. Thấy chúng tôi đến thăm, anh Hợp nở nụ cười tươi cho biết, trước đây do thiếu đất sản xuất, trình độ thấp, con đông, vợ thường xuyên ốm đau bệnh tật, mặc dù đã cố gắng làm đủ nghề nhưng không thoát được cảnh nghèo.
Năm vừa qua, khi được Ngân hàng CSXH huyện cho vay vốn ưu đãi 100 triệu đồng, nhận thấy dúi là động vật hoang dã dễ nuôi, ít công chăm sóc, đầu ra rộng mở, anh Hợp quyết định đầu tư chuồng trại để nuôi dúi. Đến nay, anh đã sở hữu đàn dúi hơn 200 con, đợt xuất chuồng vừa qua đem lại cho gia đình anh tiền lãi hơn 100 triệu đồng, không chỉ trả được nợ ngân hàng, anh Hợp đã thoát nghèo bền vững.
Tương tự, hộ ông Lương Văn Tâm người dân tộc Thái (thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập) cũng thuộc diện “nghèo bền vững” bởi cả gia đình có tới 8 miệng ăn, mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào 1ha điều già cỗi. Năm 2018, gia đình ông Tâm được Ngân hàng CSXH huyện bình xét và cho vay số tiền 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để về chăm sóc vườn điều.
Năm 2019, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình ông tiếp tục được nhà nước cấp 1 cặp bò sinh sản để chăn nuôi. Nhờ siêng năng lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đến nay vườn điều phát triển xanh tốt, đàn bò cũng không ngừng sinh sôi, ông được địa phương xem xét cho thoát nghèo cuối năm nay.
Theo Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập Phạm Sỹ Hoàn, là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Tổng diện tích tự nhiên toàn xã 33.950,78ha, được chia thành 8 thôn. Tổng dân số toàn xã có 1.777 hộ (7.322 nhân khẩu), trong đó: đồng bào dân tộc thiểu số 1.218 hộ (5.372 khẩu), chiếm 73,3%. Là một địa phương có nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nên phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, khí hậu và giá cả thị trường hàng hóa nông sản, do đó đời sống của nhân dân còn gặp không ít khó khăn.
“Ngoài thực hiện đồng bộ các chính sách dành cho đối tượng hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ sự chung tay của Ngân hàng CSXH huyện nói riêng, Ngân hàng CSXH tỉnh nói chung, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn xã dưới 4%, đây là kết quả đầy khích lệ đối với 1 xã nghèo có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Bù Gia Mập”, ông Phạm Sỹ Hoàn nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Gia Mập Nguyễn Thị Thoa, với đặc thù là huyện có địa bàn rộng, 2 xã có đường biên giới, giao thông đi lại khó khăn trong khi đó huyện có tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Ngân hàng đã phối hợp với Hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp, UBND các xã triển khai tốt việc đưa đồng vốn về đúng đối tượng được thụ hưởng thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến nay, toàn huyện có 166 tổ tiết kiệm và vay vốn, công tác bình xét hộ nghèo vay vốn được công khai, minh bạch, đúng đối tượng từ tổ, xã giúp cho ngân hàng đầu tư có trọng tâm và đạt hiệu quả. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt khó khăn chi phí, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH đã thành lập 8 điểm giao dịch lưu động tại 8 xã.
Theo Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Phước, với vai trò là cơ quan thường trực thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ, qua 2 thập kỷ đồng hành với người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách, ngân hàng xác định việc thực hiện Nghị định không đơn thuần chỉ là nguồn vốn để tạo sinh kế. Chủ trương này còn cho thấy rõ tính nhân văn, góp phần khơi dậy khát vọng và ý thức thoát nghèo, vì một cộng đồng phát triển.
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Phước Võ Trọng Hòa, qua 20 năm triển khai tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 của Chính phủ, tổng doanh số cho vay do Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh thực hiện đạt hơn 8.395 tỷ đồng, với 488.521 lượt hộ vay. Đến ngày 31/7/2022, tổng dư nợ đạt hơn 3.023 tỷ đồng, 76.247 hộ còn dư nợ, tương đương 27,3% số hộ dân toàn tỉnh. Đặc biệt, có gần 42.000 học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phục vụ học tập; xây dựng gần 276.000 công trình nước sạch và nhà vệ sinh; 3.700 căn nhà cho hộ nghèo, 202 căn nhà ở xã hội…