| Hotline: 0983.970.780

Ngưỡng mộ chủ nhân vườn hoa giấy 'hái' ra tiền tỷ

Thứ Tư 06/02/2019 , 13:45 (GMT+7)

"Theo đặt hàng của khách hàng Thái Lan, trong thời gian tới tôi phải chuẩn bị có cả ngàn chậu hoa giấy mới đủ cung ứng, do đó tôi đã thuê thêm mấy ha đất ở huyện Tuy Phước để mở rộng quy mô sản xuất”, anh Trần QuangThiện cho biết...

Cách đây 6 năm, anh Trần Quang Thiện (SN 1960), người được tôn vinh là nghệ nhân, chủ nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu năm 2015, ở phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn, Bình Định) đã tạo lập được vườn hoa giấy hàng trăm cây, nhiều gốc cổ thụ có giá hơn 200 triệu đồng. Hoa giấy của anh Thiện không chỉ được bán khắp nơi trong nước, mà còn bán được hàng trăm cây cho 1 khách hàng người Thái Lan.
 

Đam mê làm nên sự nghiệp

Mới gặp, chúng tôi không nghĩ anh đã chạm tuổi 60. Bởi gương mặt trẻ trung, sôi nổi, nụ cười rạng rỡ và những thao tác nhanh nhẹn của anh chỉ có ở những chàng trai trẻ. Tính đến nay, anh đã có gần 40 năm gắn đời với nghề hoa kiểng.

15-47-58_3
Tác giả (bìa phải) tham quan vườn hoa giấy của anh Thiện

Anh Trần Quang Thiện vốn được sinh ra ở một vùng quê sông nước, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định), nhưng từ nhỏ trong huyết quản của anh đã “rần rật” dòng máu hoa cảnh. Sau khi lập gia đình, anh về định cư ở quê vợ là phường Đập Đá (TX An Nhơn), vùng đất giáp ranh với “thủ phủ” mai cảnh Nhơn An. Ngày ngày tiếp xúc với các nghệ nhân hoa kiểng, cái máu chơi hoa trong anh bùng lên. Thế là anh sắm sanh đồ nghề, ngày ngày lên núi săn tìm những gốc cây mang dáng cổ thụ, đào về cho vào chậu, cắt tỉa để chúng thành những chậu hoa kiểng theo trường phái bonsai.

Anh Thiện từ tốn kể: Những năm 2008 – 2009 nhà vườn Quang Thiện của anh chỉ chuyên làm mai bonsai. Anh dong xe đi khắp nơi mua những gốc mai to như cái mũ bảo hiểm, mang về tạo dáng rồi bán lại cho người chơi. Giai đoạn này các nhà vườn làm mai mọc lên khắp nơi, đó cũng là lúc là lúc thị trường sanh cảnh nổi lên. Vậy là anh Thiện chấp nhận bán rẻ 500 chậu mai bonsai với giá 1 tỷ đồng để chuyển sang làm sanh cảnh.

“Giai đoạn làm sanh cảnh tôi chủ yếu làm đá, tạo dáng cho cây sanh. Người chơi sanh cảnh và những nhà vườn chuyên cung ứng sanh cho thương lái trên khắp cả nước chở sanh về thuê tôi làm đá. Do đó tôi phải thu nạp 10 học trò để dạy nghề không lấy tiền công, chỉ nuôi ăn uống và cho tiền tiêu vặt, đổi lại mình có người phụ giúp. Làm đá chậu sanh nhỏ nhất cũng 5 triệu đồng/cây, cây to lên đến 60 triệu đồng. Mỗi ngày nhà vườn của tôi làm được 5 – 6 cây. Sau khi trừ tiền đá, ngày nào ít nhất nhà vườn của tôi cũng kiếm được 30 triệu đồng. Ngoài làm đá cho khách, tôi còn tạo lập cho nhà vườn của mình mấy trăm chậu sanh để bán kiếm thêm thu nhập”, anh Thiện bộc bạch.
 

Đôi bàn tay “già” hơn gương mặt

Thị trường sanh cảnh nổi đình nổi đám đến năm 2012 thì tắt ngấm. Khi ấy trong nhà vườn của anh Thiện còn tồn số lượng sanh khá lớn. Cũng may, đúng thời điểm đó ở Kon Tum đang xây 1 ngôi chùa rất lớn, cần 1 số lượng sanh rất nhiều để trang trí, và nhà vườn của anh được nhà chùa lựa chọn. Thế là anh bán trụm vườn sanh của mình với giá 2 tỷ đồng để chuyển sang làm hoa giấy.

15-47-58_4
Đôi bàn tay “già nua” vì làm nghề của anh Thiện

“Nghe ngóng thị trường, tôi nhận thấy khi ấy thị hiếu của người chơi hoa chuyển mạnh sang cây hoa giấy nên tôi quyết định nhanh “giải phóng” hết vườn sanh để thay vào đó là những chậu hoa giấy. Trước đây, hàng chục học trò của tôi dạy nghề mỗi người ở mỗi nơi, thế là tôi liên lạc với họ, nhờ họ đi săn lùng những cội hoa giấy, chụp hình chuyển về Zalo cho tôi. Nhìn hình, tôi định giá để các học trò trả mua, giao dịch thành công thì tôi chuyển tiền cho học trò mua và thuê xe chở về nhà vườn.

Gốc hoa giấy nằm dưới đất trông thấy um tùm, chẳng mấy giá trị, nhưng khi vào tay tôi thì nó được tạo dáng tạo thế bonsai, nên nó được nâng tầm giá trị. Mấy năm nay hoa giấy được mua nhiều nhất ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng. Bây giờ, hoa giấy các tỉnh phía ngoài đã cạn, tôi tiếp tục cho người săn lùng ở các tỉnh từ Phú Yên trở vô”, anh Thiện cho hay.

Theo phân tích của anh Thiện, hoa giấy là loài cây rất khỏe, có thể sống và phát triển trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào. Không chỉ “dễ tính”, hoa giấy còn sở hữu những màu sắc rất đẹp, hơn 20 sắc màu khác nhau, nhưng được ưa chuộng nhất là màu xác pháo, màu trắng và màu vàng.

15-47-58_1
Hai cây hoa giấy cỡ đại của anh Thiện có giá 150 triệu – 220 triệu đồng/cây
Hiện, trong nhà vườn của anh Thiện có 2 cây hoa giấy cỡ đại, gốc to gần bằng thân người lớn, 1 cây có giá 150 triệu đồng, cây lớn hơn có giá 220 triệu. Còn những cây có giá vài ba chục triệu thì chiếm đa số trong hàng trăm cây đang đứng trong vườn.

Hoa giấy được xem là cây hoa dương tính, loại cây đại phát lộc, do đó hiện nay rất được người chơi ưa chuộng. Người nhiều tiền, có vị thế trong xã hội thì chơi cây to, người ít tiền thì chơi cây nhỏ. Hoa giấy cho hoa quanh năm, màu hoa rực rỡ, nhất là màu hoa xác pháo, nên nhà nào có 2 cây hoa giấy trồng trước nhà sẽ tạo nên vượng khí hừng hừng. Do đó, hoa giấy bất cứ kích cỡ nào cũng được tiêu thụ mạnh.

Vừa dắt chúng tôi đi thưởng ngoạn những chậu hoa giấy rực rỡ sắc màu, anh Thiện vừa chia sẻ thêm kinh nghiệm để cây hoa giấy cho hoa sáng màu.

Theo anh, nếu cho cây hoa giấy “ăn” phân kali muối ớt thì hoa sẽ có màu rất đậm, sáng. Hoa giấy cho hoa nhiều vào 2 mùa chính, là mùa xuân và mùa hè. Vào 2 mùa này nhìn cây hoa giấy chỉ thấy hoa chứ không thấy lá. Nhưng thực chất có thể cho hoa giấy ra hoa quanh năm.

Muốn hoa giấy cho hoa vào những mùa không phải mùa chính, chủ nhà vườn chỉ cần bỏ khô, không tưới nước khoảng 1 tuần, khi ấy toàn bộ lá cây đều úa, nhưng đừng sợ cây hoa chết. Sau khi lá đã úa hết, chủ nhà vườn có thể cắt tỉa, tạo dáng cho cây theo ý thích của mình, sau đó cho nó “ăn” 1 ít phân NPK để bổ sung dinh dưỡng cho cây tạo cành tạo hoa. Sau khi thấy cây ra hoa, khi ấy tưới nước nhiều vào, có thể tưới 1 ngày 2 lần, và thế là hoa sẽ sáng rực cả cây.

Trong lúc anh Thiện đưa chúng tôi đi tham quan nhà vườn, bệnh nghề nghiệp khiến anh cứ thấy cây hoa nào ra nhánh không vừa ý là anh đưa kìm vào cắt ngay. Khi ấy chúng tôi mới thấy rõ anh có hai bàn tay “già nua”, trông như tay của ông cụ 80 tuổi, nhăn nheo, chai sần. Hỏi ra mới biết, do phải thường xuyên tiếp xúc với đá, với cát, cầm kiềm cắt tỉa tạo dáng cho hoa giấy, mà thân hoa giấy thì đầy gai nhọn nên đôi bàn tay của anh trở nên như vậy.

“Lúc tôi còn làm đá cho sanh, tôi bị 1 tảng đá to đè dập nát ngón tay trỏ của bàn tay phải. Đi khắp các bệnh viện ở Bình Định, các bác sĩ đều bảo phải tháo khớp. May là khi ấy tôi quen với bác sỹ Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định, chú ấy tiếc bàn tay làm nghề của tôi nên gửi tôi cho 1 bác sĩ trẻ vốn là học trò của ông, và yêu cầu là phải cứu ngón tay của tôi. Sau ca phẫu thuật 6 tiếng đồng hồ, ngón tay bị nạn tôi giờ vẫn nguyên lành để làm việc”, anh Thiện bộc bạch.


Những tác phẩm hoa giấy của anh Thiện
“Tháng 2/2018 vừa qua, một người Thái Lan làm việc cho Cty CP tại Việt Nam đi ngang qua nhà vườn hoa giấy của tôi ghé vào thăm và đặt vấn đề mua số lượng nhiều. Sau đó ông ấy mua đợt đầu 72 cây, đợt sau mua thêm 87 cây. Theo đặt hàng của khách hàng Thái Lan này, trong thời gian tới tôi phải chuẩn bị có cả ngàn chậu hoa giấy mới đủ cung ứng, do đó tôi đã thuê thêm mấy ha đất ở huyện Tuy Phước để mở rộng quy mô sản xuất”, anh Trần Quang Thiện cho biết.

 

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.