Hương sen lan tỏa xoa dịu đi cái oi bức của ngày hè, tạo nên một khung cảnh tuyệt vời. Ẩn nấp trong những chiếc lá xanh ngắt là những nụ sen hồng chúm chím; những bông sen nở xoè cánh mỏng, mịn như lụa, màu hồng phấn, chính giữa là đài sen vừa mới hình thành với hình tròn, được bao quanh lớp nhuỵ vàng, thơm ngát. Nhiều bông hoa đã tàn, chỉ còn lại đài sen màu xanh ngọc, trong chứa đầy hạt non.
Từ tháng 5 đến tháng 7 chính là thời điểm đầm sen ở Thanh Châu vào mùa thu hoạch. Sen không chỉ làm đẹp thêm cảnh quan làng quê, góp phần cải thiện môi trường sống mà còn mang lại nguồn thu nhập cho nông dân nơi đây.
Khoảng từ 4 – 6 giờ sáng và buổi chiều muộn từ 5 – 7 giờ, trên đầm sen Thanh Châu rộng 7 ha của hơn 60 hộ gia đình luôn nhộn nhịp, đông vui. Người thì hái sen, người đến thu mua. Vừa nhanh tay hái hoa sen và đài sen để kịp giao cho khách, ông Lê Đăng Dương vừa kể về nguồn gốc đầm sen quê mình.
Năm 2013 trở về trước, ở đây là vùng đất thấp trũng, trồng lúa quanh năm bị mất mùa, không thu hoạch được là bao vì ứ đọng nước, chỉ cần có cơn mưa to là ngày hôm sau toàn vùng lúa ngập trong nước. Sau những vụ lúa thất bát đó, hàng chục hộ dân địa phương xin nhân giống sen sang khu ruộng nhà mình. Giờ đây, đầm sen đã trải dài trên diện tích rộng hơn 7 ha.
Ông Dương cho biết thêm: “Ưu điểm của cây sen là trồng một lần có thể cho thu hoạch trong nhiều năm. Sen là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc tuy nhiên người trồng cần nắm chắc kiến thức về chu kì sinh trưởng, phát triển và thu hoạch của nó. Khi trồng sen cần lưu ý mỗi cây phải cách nhau từ 2,5 - 3,5m để bảo đảm không gian sinh trưởng cho cây sen đẻ nhánh con, nếu trồng với mật độ dày thì hạt sen sẽ bị lép. Từ khi ra hoa đến gần 30 ngày sau thì đài sen đã già, có thể thu hoạch. Cứ 3 - 5 ngày thu hoạch một lần, được khoảng 50 kg đài sen sẽ tách được hơn 35 kg hạt”.
Cạnh ruộng sen nhà ông Dương, chị Lê Thị Châu đang nhanh tay thu hái những đài sen già để về lấy hạt bán cho khách. Chị Châu cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên sen của các gia đình thôn Thanh Châu nhiều hoa, đài sen lớn, hạt to, ăn có vị ngọt và bùi. Vì vậy được nhiều thương lái ưa chuộng, đến tận nhà thu mua và bán được giá.
Đặc biệt, vào những ngày lễ hay ngày mồng một, ngày rằm trong tháng, cả đầm bán được cả nghìn bông hoa và đài sen với giá 30.000 đồng/10 bông và 20.000 đồng/10 đài sen non, thu về hàng triệu đồng. Còn ngày thường, mọi người thu hái đài sen về tách hạt bán với giá từ 45.000 - 60.000 đồng/kg. Chị Châu ước tính ruộng sen của mình năm nay cho năng suất từ 3 - 4 tạ hạt tươi, thu nhập từ 13 - 20 triệu đồng/vụ.
Ngoài việc được thu mua trực tiếp hoặc mang ra chợ bán, mạng internet cũng phổ biến nên thông tin về sen Thanh Châu được lan tỏa rộng rãi, nhiều người biết đến. Nhờ đó mà lượng sen từ Thanh Châu đã được bán đi muôn nơi, tăng thêm thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.
Không chỉ bán hoa sen, đài sen, hạt sen, các bộ phận khác của cây sen như: tâm, nhụy, lá, ngó sen cũng có thể bán được, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Củ, ngó sen làm thực phẩm, được thương lái tìm đến tận nơi thu mua. Lá sen thái nhỏ, phơi khô bán lại cho những người có nhu cầu làm thuốc cũng được giá 120.000 đồng/bao. Bên cạnh đó, người dân Thanh Châu còn sáng tạo thêm món “hạt sen cười” (những hạt sen đã già, được luộc lên sau đó rang vàng thì vỏ hạt sen sẽ bị nứt ra, khiến cho việc bóc tách hạt sen được dễ dàng), thu hút nhiều khách mua.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thạch Hà cho biết: “Nhờ nắm được kỹ thuật của cây trồng và nhanh nhạy trong việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng sen mà giờ đây đời sống kinh tế gia đình của người dân nơi đây được nâng cao, chúng tôi cũng rất phấn khởi”.
Đầm sen Thanh Châu vừa làm đẹp cảnh qua, vừa khắc phục được điểm khó khăn trong sản xuất nông nghiệp lại giúp bà con vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại thu nhập bền vững ở địa phương.