| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ thiếu nguyên liệu cá tra còn dài

Thứ Sáu 25/11/2011 , 10:19 (GMT+7)

Có nhiều khả năng nguồn cá nguyên liệu sẽ tiếp tục thiếu đến đầu năm 2012.

Công nhân đang làm việc trong nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu

Thời gian gần đây tình hình xuất khẩu cá tra có nhiều tín hiệu lạc quan nhờ tăng về sản lượng và giá trị. Thế nhưng người nuôi vẫn còn e ngại chưa dám đầu tư vì giá cá dễ bị biến động, đầu vào tăng cao và cả việc thiếu vốn. Do đó, có nhiều khả năng nguồn cá nguyên liệu sẽ tiếp tục thiếu đến đầu năm 2012.

Cá nhiều vẫn không đủ

Dù sản lượng cá nguyên liệu ở các địa phương đều bằng hoặc vượt so với năm ngoái, nhưng nguồn cá nguyên liệu vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến xuất khẩu, dẫn đến hiện tượng thiếu hụt nguyên liệu. Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, năm 2011, chỉ tiêu sản xuất cá tra của tỉnh là 300.000 tấn, nhưng sản lượng cả năm có thể vượt so với chỉ tiêu đề ra khoảng 10%. Hiện tại, Đồng Tháp đã thu hoạch được trên 826 héc ta ao nuôi cá tra với tổng sản lượng đạt trên 314.480 tấn cá tra nguyên liệu, đạt 104,83%, tức đã vượt kế hoạch 4,83%.

Tương tự, tính đến cuối tháng 10 vừa qua, An Giang đã thu hoạch được 237.300 tấn cá tra, tăng so với kế hoạch sản xuất đề ra. Theo bà Phạm Thị Hòa, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang, tình trạng thiếu hụt cá tra nguyên liệu chỉ xảy ra cục bộ ở thời điểm hiện tại bởi vì đơn hàng của các thị trường đều tăng cao trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới, chứ nếu tính bình quân cho cả năm thì cá nguyên liệu vẫn không thiếu hụt. “Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu chỉ xảy ra ở những doanh nghiệp ít vốn đầu tư, không có điều kiện thu mua cá nguyên liệu tích trữ” - bà Hòa nói.

Ngoài ra, do năm nay ĐBSCL còn chịu ảnh hưởng của cơn lũ lịch sử trong hơn 10 năm qua nên nguồn cá tra nguyên liệu được nuôi trong dân cũng đồng thời giảm mạnh. Theo thống kê từ đầu mùa lũ đến nay, An Giang và Đồng Tháp là 2 tỉnh có nguồn cá tra nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL bị thiệt hại nặng nhất do ngập lũ. Trong đó, Đồng Tháp chịu ảnh hưởng bão lũ lên tới 37,5 tỷ đồng với sản lượng thiệt hại 1.886 tấn của 616 ha diện tích nuôi (220 ha bị mất trắng). Tương tự An Giang mất khoảng 11,7 tỷ đồng của 134 ha diện tích nuôi thủy sản, với khoảng 414,75 tấn cá thịt và 64.688 triệu con cá giống, trong đó diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại nhiều nhất.

Mùa lũ cũng là thời điểm để các hộ dân thả nuôi vụ cá mới. Do đó, không chỉ có người nuôi chịu thiệt hại mà còn ảnh hưởng rất lớn tới sản lượng cá thu hoạch của năm sau. Như vậy, nguồn cung cá tra nguyên liệu chắc chắn sẽ tiếp tục thiếu hụt trầm trọng đến giữa năm 2012.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc - GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến thiếu cá nguyên liệu là người dân không thể đầu tư thả nuôi trở lại vì hết vốn và nguồn cá giống khan hiếm do ảnh hưởng của lũ lụt. Theo tính toán của ông Quốc, để đầu tư thả một ao nuôi cá tra, chỉ riêng tiền con giống, bà con đã tốn ít nhất vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. Thế nhưng trong tháng cuối quý III vừa qua, giá cá tra xuống thấp còn khoảng 22.000 đồng/kg khiến người nuôi cá nhỏ lẻ chịu cảnh thua lỗ.

“Bây giờ họ muốn quay lại nghề nuôi cũng khó vì không còn vốn. Trong khi đó phía ngân hàng cũng không mấy mặn mà cho người nuôi cá vay vì rủi ro lớn” - ông Quốc cho hay.

Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng

Đến thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khi đã lỡ kí hợp đồng xuất khẩu cá giá thấp. Trong khi đó, với giá cá nguyên liệu đang ở mức cao như hiện nay thì các doanh nghiệp đối mặt với sản xuất từ hòa đến lỗ. Việc nâng giá xuất khẩu cho các hợp đồng mới cũng gần như không thể vì một số nước nhập khẩu bị ảnh hưởng suy giảm kinh tế. Đây chính là lí do để các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu mặt hàng này phải hoạt động cầm chừng.

Theo ông Nguyễn Văn Ký, TGĐ Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang, giá cá nguyên liệu thịt trắng tăng ở mức 28.000-28.500 đồng/kg. Với giá này doanh nghiệp đang phải mua cầm chừng, nếu như không muốn chịu lỗ. Thay vì trước đây mỗi ngày công ty thu mua khoảng từ 220-250 tấn cá nguyên liệu thì hiện nay chỉ còn từ 120-150 tấn để duy trì hoạt động của nhà máy và công nhân. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng mùa cuối năm khi lượng cá tra ít đi thì sẽ giúp đẩy lượng hàng cá cỡ lớn còn tồn kho. Cũng theo ông Ký, mặt hàng cá lớn đang tiêu thụ khá chậm.

Ông Bình cho biết thêm, mặc dù trong vài ngày trở lại đây, giá cá nguyên liệu có phần chững lại ở mức 28.000 đồng/kg nhưng với mức giá mua cá nguyên liệu khoảng 26.000 đồng/kg thì các doanh nghiệp sản xuất cũng chỉ hòa, còn người nuôi thì có lãi từ 1.000-2.000 đồng/kg. Chính vì lí do này mà các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng là chuyện đương nhiên.

Ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang cho biết, khu vực ĐBSCL đang gặp tình trạng chung, cả diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch cá tra thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng trên địa bàn tỉnh An Giang, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng vùng nuôi đến 70% diện tích nuôi cá tra trong toàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đang tính mở rộng vùng nuôi cho mình. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng, việc đầu tư này đòi hỏi vốn khá lớn và quá trình nuôi phát sinh nhiều chi phí khiến giá thành nuôi cao.

Một nhà máy có công suất chế biến khoảng 200 tấn cá/ngày, mỗi năm phải có 70.000 tấn cá nguyên liệu thì cần số vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, do thua lỗ trong đợt cá tra rớt giá thảm hại khoảng tháng 7, tháng 8 vừa qua đã làm cho những hộ nuôi không dám đầu tư vào nuôi cá thịt mà chuyển sang làm nghề ươm giống. Do đó, sẽ phát sinh 2 vấn đề lớn trong thời gian tới là các nhà máy thiếu nguồn cung cá nguyên liệu chế biến xuất khẩu và khủng hoảng thừa về con giống.

 “Các doanh nghiệp vẫn chủ yếu mua cá từ dân, nếu dân nghỉ nuôi thì các nhà máy sẽ còn nguy cơ thiếu nguyên liệu dài dài”, ông Bình nói.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Mavin nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Tập đoàn Mavin vừa vinh dự nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2022-2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm