“Nguyễn Ngọc Bạch - Một đời sân khấu” là cuốn sách do Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành, được Hội Sân khấu TPHCM tổ chức tọa đàm để ghi nhận những đóng góp quan trọng của Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch cho sàn diễn phương Nam.
Nguyễn Ngọc Bạch (1922-1985) là một trong những nhân vật đặt nền móng cho sân khấu sách mạng tại Nam bộ. Sinh ra và lớn lên tại Chợ Mới - An Giang, chàng trai Nguyễn Ngọc Bạch sớm có ý thức dùng nghệ thuật để chấn hưng tinh thần dân tộc và đánh đuổi ngoại xâm.
Một đời sân khấu của Nguyễn Ngọc Bạch đã để lại những ấn tượng sâu sắc gì? Từ một nhà giáo rời khỏi bục giảng để tham gia kháng chiến ở Nam bộ, Nguyễn Ngọc Bạch đã cất tiếng nói trí thức vang dội bằng ca khúc “Cương quyết ra đi” viết năm 25 tuổi: “Đất nước hỡi, reo lên đi! Ta vui ca mài thanh gươm chính khí. Gió hỡi gió, ngân lên đi! Vung gươm thiêng ta lấy máu đền nợ trai…”
Năm 1954, Nguyễn Ngọc Bạch tập kết ra Bắc và bắt đầu hoạt động sân khấu chuyên nghiệp với vai trò Trưởng đoàn cải lương Nam bộ. Năm 1958, Nguyễn Ngọc Bạch đã đạo diễn vở “Máu thắm đồng Nọc Nạn” miêu tả sự phản kháng thoát khỏi gông xiềng của nông dân vùng sông nước Cửu Long.
Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Bạch còn làm nức lòng người yêu sân khấu tại Hà Nội với những tác phẩm như “Người con gái đất đỏ”, “Bên dòng Nhật Lệ”
Sau năm 1975, Nguyễn Ngọc Bạch trở về miền Nam tiếp tục công tác trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Ở cương vị lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin TPHCM, Nguyễn Ngọc Bạch đã tạo điều kiện để các đoàn cải lương tuồng cổ được biểu diễn trở lại ngay sau đất nước thống nhất. Đồng thời, Nguyễn Ngọc Bạch cũng sáng lập sân khấu thể nghiệm để nghệ sĩ trẻ được tìm tòi và cống hiến.
Một đời sân khấu, Nguyễn Ngọc Bạch được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú ngay đợt đầu tiên, vào năm 1984. Nguyễn Ngọc Bạch đột ngột vĩnh biệt dương gian ở tuổi 63, để lại nhiều dự án nghệ thuật dang dở và nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp.
Không chỉ có "một đời sân khấu", Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch có một người con gái nối nghiệp cha là Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu. Tuy theo chuyên ngành khảo cổ học, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cũng là một tác giả quen thuộc với công chúng, qua các tác phẩm “Mỗi ngày ta sống”, “Thế giới mạng và tôi”, “Sài Gòn bao giờ cũng thế”, “Những mảnh vỡ”, “Nghĩ ngợi đường xa”…