Đạo diễn Trần Lực đã nhận được nhiều sự tán thưởng của đồng nghiệp và khán giả khi dàn dựng lại vở kịch “Bạch đàn liễu” tham dự Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020. Đạo diễn Trần Lực và ê-kip Lucteam đã khiến công chúng phấn khích khi ý thức chống tham nhũng được tô đậm trên sàn diễn.
Đạo diễn Trần Lực vốn là một diễn viên điện ảnh, nhưng từ khi chuyển sang làm đạo diễn phim truyền hình thì ông đã tâm đắc với những đề tài về nông thôn. Nhiều góc độ ở làng quê Việt Nam đã được đạo diễn Trần Lực mổ xẻ qua các bộ phim “Chuyện nhà Mộc”, “Hai Bình làm thủy điện”, “Tivi về làng” hoặc “Đời chè”.
Thử sức với sân khấu, đạo diễn Trần Lực đã làm sống lại vở kịch “Bạch đàn liễu” của nhà viết kịch Xuân Trình sau gần nửa thế kỷ. Vở kịch “Bạch đàn liễu” được nhà viết kịch Xuân Trình sáng tác năm 1972, và chỉ được diễn duy nhất một lần vào năm 1973 rồi rời vào im lặng. Lý do, vở kịch “Bạch đàn liễu” đã phản ánh câu chuyện chống tham nhũng mà nhân vật chính là một phó chủ tịch xã.
Cần phải nói thêm, “Bạch đàn liễu” là một trong những kịch bản gai góc của nhà viết kịch Xuân Trình (1936-1991). “Bạch đàn liễu” cùng với các kịch bản “Hận thù từ đâu tới”, “Nửa ngày về chiều”, “Chuyện tình trong rừng cấm”… đã làm nên phong cách và tên tuổi nhà viết kịch Xuân Trình và gây nhiều tranh luận cho giới sân khấu suốt hai thập niên 70 và 80 ở thế kỷ trước. Năm 2001, nhà viết kịch Xuân Trình được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Khi tái dựng “Bạch đàn liễu”, đạo diễn Trần Lực đã có nhiều sáng tạo. Đặc biệt, đạo diễn Trần Lực đã thêm vào vài lời thoại để người xem nhận diện được cuộc chiến chống tham nhũng đang nóng bỏng hiện nay.
Vở kịch “Bạch đàn liễu” với diễn xuất của các nghệ sĩ Trung Anh, Hoàng Tùng, Khuất Quỳnh Hoa… đã làm dậy sóng Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020. Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Thế Khoa nhận định: “Thật khâm phục phát hiện sớm về nguy cơ cường hào mới ở nông thôn cùng khát vọng dân chủ của Xuân Trình trong kịch bản này. Cũng khâm phục Trần Lực đã rất nhanh nhận ra hai điều rất đặc sắc của “Bạch đàn liễu”, đó là vấn đề dân chủ ở nông thôn và tác phẩm được viết theo kiểu sân khấu tự sự truyền thống. Vở kịch “Bạch đàn liễu” qua bàn tay Trần Lực là một thứ kịch nói giàu bản sắc dân tộc”.
Đạo diễn Trần Lực được xem là “con nhà nòi” trong giới nghệ thuật Hà Nội. Bởi lẽ, Trần Lực là cháu nội của nhà văn Trần Tiêu và là con trai của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng.
Đạo diễn Trần Lực năm nay 59 tuổi. Đạo diễn Trần Lực được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú khi còn rất trẻ.