Chiều 13/2, khi tiết xuân còn vương vấn phương Nam, thì nhà văn nổi bật nhất của vùng đất này - Nguyễn Quang Sáng (ảnh) đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 83. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng ra đi bất ngờ và đột ngột, nhưng tự nhiên và nhẹ nhàng theo cách của ông.
Dáng người thấp đậm của Nguyễn Quang Sáng đã đi cùng văn chương Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến và tiếp tục tỏa bóng trong thời bình bằng cá tính độc đáo. Trước sau Nguyễn Quang Sáng vẫn nhất quán một sự khẳng định, nếu không có cách mạng thì không có chân dung nhà văn của ông.
Nguyễn Quang Sáng khởi nghiệp cầm bút ở chiến khu U Minh với truyện ngắn đầu tay “Con chim vàng” in năm 1956. Hơn nửa thế kỷ sáng tác, Nguyễn Quang Sáng đã mang đến cho công chúng nhiều tác phẩm mang đậm cốt cách Nam bộ như “Đất lửa”, “Chiếc lược ngà”, “Mùa gió chướng”, “Dòng sông thơ ấu”, “Bàn thờ tổ của một cô đào”…
Nguyễn Quang Sáng không dụng công với kỹ thuật văn chương, ông viết tự nhiên như lối ăn lối nói hằng ngày. Thế nhưng, truyện ngắn hay tiểu thuyết của ông vẫn lôi cuốn vì thực tế đời sống cuồn cuộn trong từng trang, từng dòng. Không thể tìm thấy một đoạn văn nào của Nguyễn Quang Sáng có thể làm mẫu mực cho sáng tác, nhưng những nhân vật do ông tạo ra như: Năm Hạng, Tư Quắn, Bảy Ngàn vẫn có sức hấp dẫn kỳ lạ!
Chính nhờ những trải nghiệm đầy và sâu, khi chuyển sang viết kịch bản phim, những chi tiết đắt giá của Nguyễn Quang Sáng đã góp cho điện ảnh nước nhà nhiều bộ phim rung động như “Cánh đồng hoang”, “Mùa nước nổi”, “Dòng sông hát” hay “Pho tượng”.
Tình yêu điện ảnh của Nguyễn Quang Sáng truyền sang cho cậu con trai Nguyễn Quang Dũng trở thành một gương mặt đạo diễn tiêu biểu thế hệ sinh ra và lớn lên sau năm 1975. Có lẽ bộ phim “Con gà trống” là một trường hợp hiếm hoi trong lịch sử nghệ thuật thứ bảy nước ta, mà cha - Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản và con - Nguyễn Quang Dũng làm đạo diễn!
Ngoài tài văn, Nguyễn Quang Sáng còn có tài… nhậu. Nguyễn Quang Sáng có thể ngồi vào bất cứ bàn rượu nào cũng đều thu hút bạn bè với những ngôn từ mộc mạc và thú vị. Nguyễn Quang Sáng không bao giờ tỏ ra tự phụ về tư cách trưởng lão làng văn. Ngồi với lớp hậu sinh, ông vẫn có thói quen trào lộng bản thân một cách vui nhộn. Xin được kể ra đây hai câu chuyện mà Nguyễn Quang Sáng hay giễu nhại mình mỗi khi cụng ly.
Câu chuyện thứ nhất. Từ năm 14 tuổi, Nguyễn Quang Sáng đã rời quê nhà đi làm liên lạc viên. Khi non sông thống nhất, trở về làng Mỹ Luông chôn nhau cắt rốn, Nguyễn Quang Sáng thưa với bà con bây giờ mình là nhà văn, ai cũng ngạc nhiên.
Bao giờ nhắc đoạn này, Nguyễn Quang Sáng cũng cười khà khà: “Biết sao không? Hàng xóm cứ thắc mắc: Người ta đi theo cách mạng trở thành tướng tá hoặc quan chức, sao mày theo cách mạng lại thành nhà văn!?”
Câu chuyện thứ hai. Giới văn chương vẫn rỉ tai rằng, khi tập kết ra Bắc thì Nguyễn Quang Sáng nhận lương bổng tương đương thứ trưởng. Thậm chí, khi đã ra quân chuyển về Hội Nhà văn VN thì thu nhập của ông cũng hơn tất cả mọi người.
Nguyễn Quang Sáng không giấu được sự sảng khoái khi nhắc đoạn này: “Biết sao không? Cùng đi một lượt với tao, thằng Hoàng Văn Bổn hơi cao nên được xếp vào đội bóng rổ, còn tao hơi lùn được xếp vào đội bóng bàn. Tụi tao hưởng chế độ của vận động viên nên nhận nhiều gạo, nhiều thịt hơn các nhà văn chứ! Quá đã!”
Bây giờ Nguyễn Quang Sáng đã trở về dòng sông thơ ấu từng nuôi nấng và ôm ấp tâm hồn ông. Tiếng cười rộn ràng của ông vẫn ở lại trong lòng những người quen biết, và tác phẩm của ông vẫn ở lại với nhiều lớp độc giả hôm nay và mai sau!
Sài Gòn, hoàng hôn 13/2/2014