| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 18/11/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 18/11/2015

Nhà báo phải được bảo vệ

Bảo vệ nhà báo chính là bảo vệ những tiếng nói trung thực, công tâm và khách quan trong xã hội.

Thảo luận về Luật Báo chí tại nghị trường mấy ngày qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị chuyển một khoản ở điều quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo sang một điều khác, mang tính chế tài cao hơn đối với xã hội, đó là “nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, cản trở nhà báo hoạt động đúng pháp luật”.

Đề nghị của những đại biểu trên là hoàn toàn có căn cứ và cần thiết. Trên thế giới, mỗi năm có hàng chục nhà báo bị sát hại. Còn ở nước ta, tuy chưa có một cái chết nào xảy ra với nhà báo, nhưng việc nhà báo bị cản trở, bị hành hung, bị phá hủy phương tiện hay bị khủng bố bằng tin nhắn, bằng điện thoại… trong khi tác nghiệp, xảy ra không hiếm.

Trước đó, nhà báo Võ Thanh Mai của báo Nông nghiệp Việt Nam đã bị chém đến thành thương tích tại một cây xăng ở thành phố Vinh.

Gần đây nhất, chỉ trong tháng 9/2015, đã có tới 3 nhà báo bị hành hung hay bị cản trở, hủy hoại phương tiện trong khi tác nghiệp. Đó là nhà báo Nguyễn Ngọc Quang, Phó phòng thời sự đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Nguyên, trên đường đến cơ quan, đã bị 2 tên côn đồ truy sát, hành hung gây thương tích nặng.

Nhà báo Phạm Thanh Tàu của báo Hà Nội Mới, đã bị hành hung tại hiện trường, sau đó còn bị đưa vào công an phường lập biên bản, khi đang tác nghiệp về một vụ TNGT ở TP Hồ Chí Minh.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nam, báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, trong khi đang tác nghiệp tại một phiên tòa xét xử vụ án “Chống người thi hành công vụ” ở Long An, đã bị 2 dân phòng và 1 công an khống chế, tước máy ảnh, điện thoại, sau đó đưa lên một chiếc ô tô chở đi…

Ngoài những vụ hành hung nói trên, thì hiện tượng nhiều cơ quan có hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp bằng cách lảng tránh hay từ chối cung cấp thông tin, cũng không hiếm.

Nghề báo được coi là một nghề nguy hiểm. Người muốn làm nghề báo cần phải hội tụ đủ đức tính là dũng cảm, trung thực và liêm khiết. Không có đủ ba đức tính đó, thì tốt nhất là nên chọn nghề khác.

Bằng lòng dũng cảm, các nhà báo đã bất chấp hiểm nguy để điều tra, đưa ra ánh sáng hàng chục vụ án tham nhũng hay vụ án oan. Tính trung thực khiến ngòi bút của nhà báo luôn luôn thẳng, không bị bẻ cong dưới áp lực của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào, dù đó là ai.

Và cuối cùng, sự liêm khiết đã giúp các nhà báo thoát khỏi những cám dỗ, kể cả tiền lẫn gái, mà bọn tội phạm sẵn sàng vung ra không tiếc tay để mua chuộc.

Những kẻ chủ mưu hành hung nhà báo kia, dù trực tiếp hay thuê mướn bọn côn đồ làm việc đó, cũng đều có chung một mục đích là muốn bịt mồm những tiếng nói trung thực, thẳng thắn, nhằm che chắn cho những kẻ tội phạm hay kẻ xử án oan, có nguy cơ sụp đổ vì một bài báo.

Trong nhiều vụ hành hung hay cản trở nhà báo tác nghiệp đó, tiếc thay, một số kẻ hành hung hay cản trở lại chính là người của cơ quan công quyền, là những người có hiểu biết đầy đủ về pháp luật.

Vì vậy, nhà báo cần được pháp luật bảo hộ là điều vô cùng cần thiết.

Bảo vệ nhà báo chính là bảo vệ những tiếng nói trung thực, công tâm và khách quan trong xã hội.