| Hotline: 0983.970.780

Nhà máy điện trên biển

Thứ Tư 28/11/2018 , 14:50 (GMT+7)

Các quy định của nhà nước dường như chỉ chú ý về việc ngư dân ra khơi phải mang theo áo phao, còn về quy chuẩn an toàn tàu cá dường như vẫn chưa theo kịp sự phát triển, dẫn tới bỏ trống các quy định về an toàn cháy nổ, hệ thống điện áp, quy cách sử dụng, hệ thống điện chuyên biệt cho tàu cá vỏ gỗ…

Mạng nhện điện

Trong bữa nhậu trước khi ra khơi trên con tàu neo đậu tại cửa biển Kỳ Hà, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, tôi ngạc nhiên khi các ngư dân vào bàn nhậu là khoang tàu để thông báo “dịch ra chỗ khác để thử giật đèn pha”. Lý do, hệ thống tăng phô cao áp metal/mecury 1000w được bố trí như một món đồ chơi ngay tại vị trí ngư dân hàng ngày sinh hoạt, ngủ nghỉ mà không có bất cứ thiết bị bao ngoài để chống chạm, giật. Anh Thủy, một ngư dân nói thản nhiên “có bữa chạy nó nóng quá, muốn xì khói tấm ván luôn”.

12-02-04_1_nn_tng_pho_gn_tren_sn_tu
Tăng phô cao áp metal/mecury 1.000W đặt trực tiếp trên sàn tàu, gần chỗ ngư dân ngủ nghỉ

Đây là những chiếc tàu mới vừa được đăng kiểm sau hạ thủy và chuẩn bị đi biển. Nhưng rõ ràng, quy định về quy chuẩn an toàn về hệ thống điện trên tàu cá đã không nằm trong quy định. Điều ngây thơ nhất là những hộp tích điện cực mạnh này không hề được che đậy, đồng thời còn được gắn trực tiếp trên sàn gỗ của tàu, không qua một lớp nhựa cách nhiệt. Có hôm tăng phô quá nóng và xì khói nên ngư dân phải dội nước để hạ nhiệt. Chi tiết này thì ngay cả những người kém hiểu biết nhất về điện cũng phải lo lắng.

Chuyện người và điện cùng “chung sống” tại nhiều tàu cá khác xem ra còn tệ hơn cả chiếc tàu mà tôi mới đề cập. Đó là tụ điện, kích điện được gắn la liệt khắp nơi trong khoang tàu. Do sử dụng lâu ngày nên dây lõi thép lộ ra, có chiếc tích điện muốn bật ra khỏi thân tàu. Các ngư dân cho biết, “nhiều khi vô tình đụng phải và bị giật tê người, vì điện cả mấy trăm vôn”.

Hiện nay, phần lớn tàu cá của bà con ngư dân đều đánh bắt theo phương thức sử dụng ánh sáng thu hút luồng cá vào ban đêm. Tần suất ánh sáng càng lớn thì hiệu quả càng cao. Ban đầu, mỗi tàu chỉ gắn 12 bóng đèn có công suất 1.000W/bóng. Sau một thời gian, số bóng đèn này cứ tăng lên, khiến cho con tàu có lúc quá tải vì phải chở theo các thiết bị cung cấp điện năng. Hiện nay có tàu cá đã gắn 70 - 100 - 300 bóng điện công suất lớn, vì vậy chui xuống hầm tàu lúc máy đang vận hành thì cảm giác như đi vào lò hỏa thiêu.

Thử xuống hầm một chiếc tàu tại cửa biển Sa Cần, tỉnh Quảng Ngãi, các ngư dân phải vén dây điện cho tôi chui đến vị trí để bình ác quy. Vài sợi dây điện bị mất vỏ, trơ lõi treo lủng lẳng trước mặt. Ngư dân cho biết, họ không chống chọi nổi với chuột. Lũ chuột rúc dưới hầm tàu và liên tục cắn phá, gây chập dây điện.
 

Máy điện hơn máy tàu

Thực tế qua khảo sát hàng chục chiếc tàu cá của ngư dân các tỉnh Bình Định, Quảng Nam thì đều cho thấy, hầm tàu cá hiện nay đều quá tải. Dưới hầm đặt một máy chính thì diện tích vẫn còn khá rộng. Nhưng do nhu cầu sử dụng điện trên các tàu lưới rút, câu cá ngừ đại dương, lưới vây… quá lớn nên ngư dân phải lắp đặt động cơ để kéo bình đinamô phát điện. Có tàu đặt đến 2 máy Hino, 1 máy Doosan. Hầm tàu trở thành một nhà máy điện thực sự nhưng nhà máy điện này đều nằm trong một khối gỗ, bên cạnh thùng chứa vài chục ngàn lít dầu.

Hai chiếc máy kéo bình phát điện (bên trái) dưới một hầm tàu cá vỏ thép 67

Cuộc đua lắp hệ thống điện áp trên tàu cá mỗi ngày một tăng lên. Nghị định 67 cho ra đời một loạt tàu làm nghề lưới chụp mực, đây là những ngành nghề sử dụng điện áp rất lớn. Các ngư dân không vay vốn để đóng tàu 67 thì cũng thiết kế hệ thống điện tương tự để đánh bắt. Các tàu chụp mực được đóng vỏ thép thì hệ thống điện được thiết kế bài bản và đúng theo quy chuẩn điện hàng hải. Còn tàu cá vỏ gỗ do ngư dân đóng theo phương pháp dân gian nên con tàu dường như quá tải khi phải cõng theo hệ thống điện và máy phát điện còn lớn hơn cả máy chính vận hành tàu cá.

Khi xuống tham quan hầm máy các con tàu làm nghề mành chụp mực, diện tích hầm tàu gần như hết lối đi vì chứa đến 4 chiếc máy, trong đó chỉ có 1 máy chính, còn lại là 3 máy phát điện to tương đương máy tàu. Đến thời điểm hiện nay, ngư dân chuộng máy kéo bình phát điện là động cơ của xe ô tô như Komasu, Hino có công suất và chiếm dịch tích tương đương hoặc lớn hơn cả máy chính. Hầm tàu chật nên máy móc nằm cạnh các thùng chứa dầu bằng nhựa gây tiềm ẩn nguy hiểm.

Anh Huy, một thợ điện ở cửa biển Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các tàu làm nghề chụp mực, tàu phải gắn 250 bóng đèn, mỗi bóng có công suất 1.000W, nếu gắn hệ thống này trên tàu vỏ thép thì sẽ yên tâm hơn tàu gỗ. Tính bình quân hệ thống phát điện trên mỗi tàu làm nghề chụp mực có thể phát điện phục vụ cho cả một làng. Do thiết kế điện máy thủy không đảm bảo nên đã gây ra nhiều vụ cháy rụi tàu cá giữa biển.

Tại một số tàu cá làm nghề lưới vây, ngư dân mang theo máy phát điện nhỏ chạy bằng xăng để hỗ trợ đèn pha thu hút cá. Nhưng can xăng 20 lít lại được ngư dân đút dưới gầm của bếp gas nấu ăn, trông thấy phát hoảng.

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm