| Hotline: 0983.970.780

Nhà ở cho công nhân: Nhiều năm vẫn loay hoay

Thứ Bảy 27/06/2020 , 07:20 (GMT+7)

Do nhiều vướng mắc về nguồn vốn, thủ tục hành chính nên dù được phát triển nhiều năm qua, nhưng nhà ở cho công nhân vẫn chưa gỡ được nhiều nút thắt.

Tỷ lệ nhà công nhân vẫn còn thấp (Ảnh minh họa).

Tỷ lệ nhà công nhân vẫn còn thấp (Ảnh minh họa).

Chia sẻ những khó khăn phát triển nhà ở cho công nhân, ông Đỗ Đức Đạt, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô cho biết, mặc dù nhà ở xã hội (NƠXH) đang phát triển tốt nhưng tỷ lệ nhà công nhân đang xây dựng cho KCN còn rất thấp.

Tương lai khi Việt Nam đón dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào và mở rộng sản xuất thì chắc chắn sẽ thiếu hụt rất nhiều.

Cũng theo ông Đạt, rất khó để làm nhà công nhân, bởi khách hàng là công nhân nên sức mua và sức thuê của họ là rất thấp.

Hơn nữa, hiện có 3 mô hình xây nhà ở công nhân: Nhà nước đầu tư - KCN đầu tư - các nhà đầu tư đầu tư . Nếu các chính sách không công bằng, thế yếu sẽ bị rơi vào những nhà đầu tư nhà công nhân, mặc dù rất muốn đầu tư nhưng lại gặp nhiều khó khăn.

“Nếu không có sự kết nối công bằng, chia sẻ để người công nhân có thể thấy được lợi ích từ nhà ở công nhân thì sẽ rất khó để họ quyết định gắn bó với loại hình này", ông Đạt nói.

Bàn luận thêm về vấn đề nhà ở cho công nhân, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế thừa nhận, với mức 1.000 tỷ đồng cho vay và 2.000 tỷ đồng để bù lãi suất chưa thực sự hỗ trợ được thị trường. Nhà ở cho công nhân đang ngày càng trở nên quan trọng. Công nhân trong KCN về cơ bản có chất lượng cuộc sống, điều kiện đi lại chưa được hỗ trợ và cải thiện nhiều.

"Nếu chúng ta có chính sách hỗ trợ thì cần một chính sách thực sự chất lượng, đi đúng vào nhu cầu của họ. Sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị rõ ràng cho một chính sách lớn dành cho công nhân trong các KCN", ông Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Thế Chinh, Giám đốc Ban Bất động sản Tổng công ty Viglacera – CTCP, cho rằng việc lựa chọn chủ đầu tư khu công nghiệp kéo dài 2 năm sẽ mất rất nhiều cơ hội của các doanh nghiệp. Cộng thêm công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ khiến việc xây nhà ở cho công nhân không đạt được như kỳ vọng.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục Trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, về hệ thống chính sách đối với nhà ở xã hội và nhà ở công nhân hiện có hành làng pháp luật đầy đủ như Luật Nhà ở và Nghị định 100. Nhưng kết quả nhà ở xã hội trong đó có nhà ở công nhân chưa được như kỳ vọng.

Theo ông Hưng, hiện nay, cả nước đạt 42%, phát triển 5,2 triệu m2 nhà ở. Nhà ở công nhân hoàn thành 28% so với nhu cầu 8,3 triệu m2. Kết quả chưa được cao vì mấy điểm sau:

Thứ nhất, trong quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 100, có quy định về việc dành quỹ đất để phát triển NƠXH và nhà ở cho công nhân. Qy định xây dựng hạ tầng phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, tuy nhiên chưa có nhiều địa phương thực hiện.

Thứ hai, nút thắt về nguồn vốn, người có thu nhập thấp, khách hàng chưa được tham gia vào vay vốn. 

"Nguồn vốn Chính phủ dành ra phát triển nhà ở xã hội là rất ít. Chính phủ vừa giao Bộ KHĐT xem xét cấp thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách và 2.000 tỷ đồng bù lãi suất để nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân", ông Hưng thông tin.

Đồng quan điểm với vị Chuyên gia Kinh tế trên, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản Việt Nam, vấn đề nhà ở công nhân không phải mới, chúng ta cần có chính sách mạnh mẽ hơn.

Nếu để giảm giá thành đầu tư, sẽ cần tăng nguồn cung. "Tôi nghĩ rằng hiện nay chúng ta đã có các doanh nghiệp phát triển KCN chuyên đầu tư nhà ở. Tuy nhiên 80% lại là những doanh nghiệp địa phương nhỏ lẻ, xây dựng khu nhà ở cho công nhân nhưng điều kiện nhà ở chưa được tốt", ông Hà Nói.

Chia sẻ thêm về định hướng tháo gỡ khó khăn cho nhà ở công nhân, ông Hà đề xuất: "Chính phủ cần quy hoạch lại các khu vực để xây dựng được mô hình nhà ở cho công nhân phù hợp. Một trong những biện pháp bên ngoài việc nhà nước đầu tư, cần học tập, phát triển nhà công nhân theo mô hình condotel du lịch hiện nay".

Ở dưới góc độ doanh nghiệp,  ông Nguyễn Thế Chinh - Giám đốc Ban Bất động sản Tổng công ty Viglacer, kiến nghị cần xem xét rút ngắn thời gian lựa chọn chủ đầu tư khu công nghiệp, hiện nay là khoảng 2 năm, nếu không sẽ mất rất nhiều cơ hội. Các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng đều cần sự hỗ trợ của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, đây là điểm quyết định mấu chốt quyết định tiến độ của xây dựng hạ tầng.

Hiện nay làm nhà ở cho công nhân có 3 đối tượng tham gia là chủ đầu tư KCN, doanh nghiệp trong KCN hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản. Như vậy, để đẩy nhanh tiến trình làm nhà ở cho công nhân, với những chủ đầu tư KCN nên được chỉ định giao làm cho khu nhà ở cho công nhân mà không phải đấu thầu.

Thực tế, vấn đề nhà ở cho công nhân rất quan trọng để họ an cư, đảm bảo an sinh xã hội họ sẽ yên tâm làm việc. Trong khi đó để các chủ đầu tư KCN xây dựng kết hợp nhà ở cho công nhân thì giá thành sẽ rẻ hơn rất nhiều. Đơn cử như Viglacera hiện có 12 khu công nghiệp thì có 9 khu có nhà ở cho công nhân.

(Kiến thức gia đình số 26)

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.