Nhà thơ Bùi Chát không phải tên tuổi quá xa lạ với công chúng văn chương. Nhà thơ Bùi Chát tên thật Bùi Quang Viễn, sinh năm 1979 tại Hố Nai, Biên Hòa, Đồng Nai. Nhà thơ Bùi Chát từng học đại học ngành văn và ngành luật.
Dù chưa từng học ngành hội họa, nhưng nhà thơ Bùi Chát tự mày mò vẽ những bức tranh đầu tiên cách đây 20 năm. Ai cũng ngỡ nhà thơ Bùi Chát chỉ vẽ chơi để thư giãn trong phút chốc tạm dừng phiêu lưu vần điệu, không ngờ anh lại âm thầm nuôi dưỡng đam mê cầm cọ.
Triển lãm cá nhân “Improvisation” (Ứng tác) của nhà thơ Bùi Chát diễn ra tại Alpha Art Station – TP.HCM từ ngày 15/7 đến 30/7.
Nhà thơ Bùi Chát ứng tác thế nào trong thế giới màu sắc? 29 bức tranh tại triển lãm cá nhân của nhà thơ Bùi Chát, thực sự gây bất ngờ cho giới mộ điệu.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng, với tư cách giám tuyển của triển lãm “Ứng tác”, nhận định: “Bùi Chát là một ca lạ. Bởi lẽ, những nhà thơ khi chuyển sang hội họa thường theo đuổi trường phái tượng trưng hoặc trường phái biểu hiện, nhằm phô diễn sở trường và sở học của họ. Còn Bùi Chát triển khai ý tưởng của mình theo trường phái trừu tượng, mà lại là trừu tượng trữ tình”.
Thời gian gần nay, đã có không ít nhà thơ cao hứng cầm cọ được đám đông cổ vũ nồng nhiệt như Lê Thị Kim, Nguyễn Quang Thiều, Đoàn Lê, Bùi Chí Vinh... Bây giờ lại có thêm nhà thơ Bùi Chát ứng tác trừu tượng.
Nhà thơ Bùi Chát thổ lộ con đường chinh phục mới của mình: “Nghệ thuật là một chuỗi các tình huống đã được xử lý trong quá trình thực hành. Nói một cách ví von, thì mỗi lần thực hành nghệ thuật là một lần tôi tự ném mình vào đại dương. Cách để hoàn thành một tác phẩm cũng tựa như cách một người sống sót giữa biển. Nghĩa là bằng mọi giá phải xử lý, phải ứng biến để thoát khỏi mọi tình huống nguy hiểm mà mình gặp.
Với tôi, nghệ thuật hình thành khi xử lý hiệu quả các tình huống đó. Vì vậy, tôi thường gọi hội họa của tôi là hội họa tình huống, hoặc hội họa ứng biến tình huống”.