Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên là một gương mặt rất quen thuộc trong đời sống văn hóa. Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên từng tham gia đóng phim rồi đi làm báo, viết văn với niềm khao khát “em muốn dang tay giữa trời mà hét”
Thời trẻ, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên từng có những câu thơ run rẩy “chỉ còn hơi ấm mối tình đầu, anh đi có đôi lần ngoảnh lại” mà nhạc sĩ Phú Quang phổ thành ca khúc “Im lặng đêm Hà Nội”. Bây giờ, ở tuổi 70, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên lại có cuốn sách đầy lạc quan “Những bà già xinh đẹp” do Nhà xuất bản tổng hợp TP.HCM ấn hành.
"Những bà già xinh đẹp" hầu hết dựa trên những chuyện có thật - xảy ra từ chính tác giả và các bạn của tác giả - những người ở độ tuổi trên dưới 50. Nó cũng là những câu chuyện hàng ngày xảy ra đâu đó trong xã hội, trong mỗi gia đình. Bạn sẽ nhìn thấy bạn bè, người thân, đồng nghiệp, hàng xóm của mình và ngay chính mình giữa vô vàn hỉ, nộ, ái, ố, bi, dục, lạc... trong mỗi câu chuyện. Rồi từ đó, bạn có thể chọn cho mình thái độ sống hợp lý nhất.
Mặt khác, cuốn sách "Những bà già xinh đẹp" không chỉ dành riêng cho phụ nữ trong "lứa tuổi về chiều" mà còn mang thông điệp cho những người thân yêu, con cái cháu chắt của họ, các "đối tác tình cảm" họ đang có, kể cả những ai đang căm ghét giận họ, cùng đọc nữa, để mọi người có thể hiểu hơn, thông cảm hơn, cư xử đúng hơn, tốt đẹp hơn với nhau, hướng tới tương lai "gió thổi trăm bề" của họ một cách vui vẻ, dễ chịu hơn.
Những người phụ nữ trong “Những bà già xinh đẹp” vốn muôn hình vạn trạng, có số phận và tính cách khác nhau, có thể là một “bà đồng” hầu Mẫu chấp nhận cho chồng đang độ tuổi sung sức có thêm một niềm vui khác vì “tôi không chăm sóc cho chồng được thì để cô ấy chăm sóc” bằng một thái độ bao dung, thấu hiểu. Cũng có thể là một “gái già” gần 50 tuổi quá lứa lỡ thì nhưng cuối cùng cũng gặp được tình yêu đích thực. Hoặc người phụ nữ vẫn còn trẻ trung nhưng tuổi tác thì đã phải về hưu trong “hậm hực”, không cho phép người khác nghi ngờ độ trẻ trung của mình.
Phần đông những đối tường được đề cập trong "Những bà già xinh đẹp" là bà nội, bà ngoại hết lòng chăm sóc con cháu, cho dù nhiều khi cũng tủi thân, ấm ức, nhưng rồi họ có thể tự tìm niềm vui từ những cuộc đi chơi cà phê cà pháo cùng nhau, đi chùa, tập yoga, khiêu vũ… hoặc uống rượu ngay cả khi chỉ có một mình, “phụ nữ cũng có thể uống rượu mà chẳng có lý do nào cả”.
Ở độ tuổi về hưu nhưng tâm hồn và thậm chí ngoại hình vẫn còn trẻ trung, dù phải đồng hành cùng bác sĩ với các bệnh tuổi già như đau khớp, giãn dây chằng, huyết áp, tim mạch… hoặc nặng hơn thế, phải đối diện với tâm lý sợ chết, sợ cô đơn, thì họ vẫn cứ là “những bà già xinh đẹp”, vẫn nhiệt huyết và tung tẩy làm những điều mình thích.
Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên mong rằng “Những bà già xinh đẹp” sẽ như một buổi trà dư tửu hậu mang lại nhiều tiếng cười và có cả những giọt nước mắt thấm đậm thấu hiểu để độc giả gạt bỏ được những ưu tư phiền muộn nếu có và sống vui vẻ, thanh thản hơn.