| Hotline: 0983.970.780

Nhà thơ suy tư hai phía một đời sông

Thứ Bảy 12/06/2021 , 17:12 (GMT+7)

Với tập thơ “Hai phía một đời sông”, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo mạnh dạn bước khỏi sự nhịp nhàng an toàn của loại thơ tùy hứng giao đãi.

Tập thơ 'Hai phía một đời sông' do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành.

Tập thơ "Hai phía một đời sông" do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành.

Giấu đi tên thật Nguyễn Văn Thanh, để lấy địa danh Vĩnh Bảo - Hải Phòng quê hương làm bút danh, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo nhiều năm qua sinh sống và sáng tác tại TPHCM. Ở đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam, những dan díu danh lợi và những ngược xuôi nghĩa tình chưa bao giờ khiến nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo nguôi ngoai nỗi nhớ về con sông Chanh lặng lẽ chảy qua mảnh đất mình từng chôn nhau cắt rốn.

Với tâm tình của nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo, con sông Chanh bé bỏng thỉnh thoảng chớp lóa trong sông Sài Gòn, ẩn hiện trong sông Đồng Nai hay nhòa ảo trong sông Vàm Cỏ… cũng hóa thành sự bận bịu trìu mến. Vì vậy, tập thơ “Hai phía một đời sông” do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành tháng 5/2021 giống như một lần nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo được lặn ngụp cùng con sông Chanh gần gũi mà xa mờ: “Một con đò nhỏ đi về/ Bóng sông trôi giữa bộn bề áo cơm”

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo làm thơ đã lâu, nhưng gần đây anh mới xuất hiện trên văn đàn. Và một khi đã chấp nhận đánh đu với thi ca, thì nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo in thơ liên tục cho thỏa đam mê. Thực tế đã chứng minh, mỗi năm nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo đều có một tập thơ ra mắt công chúng: “Ngẫu hứng sông quê” (2016) “Gửi người trong mơ” (2017) “Ngược miền ký ức” (2018) “Giấc mơ gió” (2019) “Thả vào đêm sóng” (2020). Thế nhưng, khi đặt cạnh năm tập thơ trước, thì tập thơ “Hai phía một đời sông” hoàn toàn khác hẳn.

Nếu như các tập thơ cũ chủ yếu nhấn nhá vần điệu tâm tình, thì nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo lại dồn nhiều suy tư vào tập thơ mới “Hai phía một đời sông”. Cảm hứng con sông Chanh ôm ấp thời trẻ dại của anh cứ cồn cào, cứ bịn rịn, cứ xôn xao: “Có khi nao ngắm bờ quên bờ nhớ/ Lở và bồi năm tháng đã nuôi ta?”.

Con sông Chanh trôi lơ đãng trong quá khứ. Con sông Chanh trôi mịt mù trong đoái vọng. Con sông Chanh trong vô tận trong lỡ làng. Con sông Chanh vừa thực vừa hư. Con sông Chanh thực hư như đời mẹ bao dung “Mẹ đã sống những ngày buồn dài, vui ngắn/ Giấu nụ cười vào vầng trăng xa xôi” và con sông Chanh hư thực như đời anh phiêu bạt “Ta còn mắc nợ heo may/ nợ quê/ nợ những tháng ngày ầu ơ”.

Người đàn ông giã biệt con sông Chanh ngày ấy đã bước vào thế giới chữ nghĩa bằng sự thong dong về một di sản ký ức, để nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo hôm nay lâu lâu ngoảnh lại vẫn nghe chừng khói sương dĩ vãng bủa vây mình. Trong tập thơ “Hai phía một đời sông” có vài bài thơ tình, như “Hẹn ước” nồng nàn: “Hẹn em ở cuối con đường/ Bao nhiêu tốt đẹp anh mường tượng ra/ Và tin nụ sẽ thành hoa/ Thơm cho hết những ngày ta đợi chờ”. Tuy nhiên, nổi bật hơn hẳn vẫn là những dòng chất chứa suy tư.

Với ngổn ngang nghĩ ngợi, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo có lần “Về làng” để ngậm ngùi: “Đồng Cò không bóng cò/ Tên chỉ là tên cũ/ Nhà Ngang không ánh lửa/ Người bỏ đi lâu rồi/ Ao Chùa đất lấp vùi/ Cá tôm không chỗ ở/ Cây gạo thêm cổ thụ/ Tầm gửi mọc tràn lan/ Tôi đi tìm dấu đầm/ Tôi đi tìm dấu vực/ Gặp những người chân đất/ Khề khà câu chuyện quen/ Rằng sự sống gian nan/ Rằng cuộc đời khúc khuỷu/ Rằng rượu không còn rượu/ Giữ vỏ chai làm gì”. Cảnh cũ không còn là điều bình thường, ai cũng nhận ra. Quan trọng hơn là thái độ níu kéo hay buông bỏ niềm riêng tro tàn. Hình ảnh cái vỏ chai chỏng chơ bỗng dưng bày biện một cuộc thương lượng nằm ngoài sự mua bán giản đơn.

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo đã qua tuổi sáu mươi, không còn thịnh nộ giằng co, không còn chen lấn thị phi. Anh tự họa chân dung khá bình thản: “Không có gì anh coi là mất/ Không có gì anh cho là được/ Buồn mãi rồi vui, vui mãi cũng buồn/ Hai mặt bàn tay, hai mặt lá”. Vậy mà khi ngồi trước bản thảo số phận, anh lại hoảng hốt: “Một cái gì dễ tin/ Mà khó tin như rượu”. Thơ cũng giống rượu, quá chén thì say, cạn chén thì buồn, vơi chén thì đau. Chính trạng thái thi ca ấy, đã khiến nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo truy vấn “Kỷ niệm” thật chênh vênh: “Đó là những gì đã qua, lâu đến bao nhiêu cũng không già/ Chúng bám vào trí nhớ ta như da như thịt/ Đó là những bông hoa/ Bị mùa đông tước đoạt/ Đó là những lâu đài trên cát/ Bị sóng cuốn phăng/ Đó là anh và em/ Cứ hướng vào nhau mà không bao giờ tới/ Đó là những gì vô cùng thương mến/ Đã ở lại sau lưng/ Đó là những khoảng khắc tưng bừng/ Một đi không trở lại”.

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo.

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo.

Thế kỷ 21 nhiều thay đổi và cũng nhiều bất an. Mỗi nhà thơ phải biết chọn một câu chuyện để kể với nhân gian về tháng ngày ân cần của mình. Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo đã tận tụy quan sát: “Một đám cưới đi qua/ Một đám ma đã tới/ Vừa hoa trắng phơi phới/ Đã hoa vàng hắt hiu/ Vừa gặp gỡ nụ cười/ Đã đụng ngay nước mắt/ Vừa trên kia vi vút/ Đã dưới này âm u/ Vui buồn tự nhiên thu/ Son phấn và hương khói”. Rồi nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo sốt ruột chiêm nghiệm: “Tôi nhớ một dáng núi gẫy/ Tôi nhớ một nét sông cong/ Đỉnh dốc gồ lên, từng trải/ Cánh buồm loay hoay chờ mong/ Tôi nhớ con đường thuở ấy/ Lá xanh như nỗi hẹn hò/ Quả chín dần trong tay hái/ Tơ hồng buộc vẩn vào vơ”.

60 bài thơ trong tập thơ “Hai phía một đời sông” cho thấy bóng dáng nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo e dè trước những biến động xung quanh. Anh nhìn cái vòng quẩn quanh thành bại kiếp người, không hề đáng sợ: “Từ có đến không/ Từ không đến có/ Trăm phần trăm cuộc đời/ Cái nửa không: chưa hẳn chẳng tiếng cười/ Cái nửa có: chưa hẳn không nước mắt/ Quên hơi thở mùa thu xao xác/ Lá rơi hoài như đến lúc phải rơi”. Đó chỉ là sự tuần hoàn tự nhiên. Thế nhưng, câu hỏi lương tri vừa thiết tha vừa day dứt mới đích thực làm anh xao xác: “Ở một nơi hoang tàn/ sót cánh hoa trắng muốt/ Ở một nơi tối tăm/ sót một tiếng chim hót/ Ở một nơi chót vót/ sót một lời nguyện cầu/ Nơi biết đâu là đâu/ sót ngọn đèn lay lắt/ Trên đỉnh núi heo hút/ sót một cánh đại bàng/ Trên cánh rừng bảo tồn/ sót một con tê giác/ Con tê giác cuối cùng/ sống cùng người, nhớn nhác…”.

Với tập thơ “Hai phía một đời sông”, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo mạnh dạn bước khỏi sự nhịp nhàng an toàn của loại thơ tùy hứng giao đãi. Anh gõ vào trái tim mình những lời khắc khoải hơn để suy tư dâng lên cùng mỗi sự vật, mỗi hiện tượng, mỗi giấc mơ “nhỏ bé như chiếc lá/ cũng còn có cuộc đời”. Nói cách khác, thơ suy tư của nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo cũng từa tựa ớt chỉ thiên giản dị gửi gắm một hương vị không thể dửng dưng, không thể nhạt nhẽo, không thể thờ ơ: “Chỉ thiên, chỉ địa mải mê/ Một đời mang một lời thề thẳng ngay/ Một đời nồng, một đời cay/ Một đời chẳng chịu đổi thay bao giờ”.

Đọc tập thơ “Hai phía một đời sông” của nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo, thấy mừng cho anh có màu sắc thi ca khác. Và mừng cho con sông Chanh lầm lụi ở Vĩnh Bảo - Hải Phòng đã lắng đọng một miền phù sa khác trong lòng đứa con tha hương.

Xem thêm
Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu

Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu là cách nhấn mạnh rằng gia đình chính là nguồn cội của mọi niềm vui và sự bình yên trong cuộc sống.

'Vết nứt' trong tâm hồn con trẻ khi gia đình tan vỡ

Ngày cha mẹ thông báo quyết định ly hôn, trái tim tôi như bị xé toạc. Cha mẹ cố gắng an ủi rằng họ vẫn yêu thương tôi, điều này tốt nhất cho cả hai.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?