| Hotline: 0983.970.780

Nhà trường hôm nay cần sự chung tay của phụ huynh học sinh

Thứ Tư 20/11/2024 , 08:44 (GMT+7)

Nhà trường hôm nay chịu nhiều áp lực xã hội trong việc giáo dục học sinh, nên sự thấu hiểu và sự đồng hành của phụ huynh trở thành một yếu tố quan trọng.

Tác giả Nguyễn Minh Hải.

Tác giả Nguyễn Minh Hải.

Nhà trường hôm nay vẫn theo đuổi tiêu chí “tiên học lễ, hậu học văn”. Tuy nhiên, sự thay đổi của công nghệ và sự đòi hỏi của đời sống, đang đặt ra cho nhà trường hôm nay không ít thách thức trong công tác đào tạo. Vì vậy, vai trò các bậc phụ huynh cần được phát huy tối đa.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tác giả Nguyễn Minh Hải ra mắt cuốn sách “Con em chúng ta học gì trong nhà trường?” khẳng định sự trợ lực lẫn nhau giữa nhà trường và phụ huynh vẫn là vấn đề then chốt của lĩnh vực giáo dục. Trong đó, thầy và trò đóng vai trò là nhân tố trực tiếp thúc đẩy sự phát triển nhà trường hôm nay.

Tác giả Nguyễn Minh Hải đang công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, từng viết nhiều cuốn sách liên quan đến giáo dục như “Sách trong cuộc đời”, “Những câu chuyện giáo dục – Cần một nền giáo dục thực học – thực nghiệp”, “Cùng em yêu tiếng Việt”, “Cùng con lớn lên từng ngày”… Đồng thời, tác giả Nguyễn Minh Hải cũng tham gia thỉnh giảng tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Trường Đại học Khoa học Huế, Trường Đại học Phan Thiết, Trường Cao Đẳng Phát thanh và Truyền hình…

Những ai đang có con em đi học đều có chung mối quan tâm là con em chúng ta học gì và học thế nào trong nhà trường hôm nay. Chúng ta còn muốn biết nhiều hơn về việc học, việc sinh hoạt, các ứng xử, các mối quan hệ và nhiều hoạt động khác của con trong lớp, trong trường. Chúng ta muốn biết như vậy, không chỉ vì lòng yêu thương con vô bờ mà còn vì qua đó có thể phối hợp, chia sẻ với nhà trường trong việc dạy con học, cũng như có thêm những cách giúp con học tốt hơn. Các thắc mắc đó đã từng được học giả Nguyễn Hiến Lê đề cập trong cuốn “Thế hệ ngày mai” xuất bản lần đầu vào năm 1952. Đáng tiếc, bây giờ gần như hiếm phụ huynh nào cũng đặt lại các câu hỏi tương tự.

Là một phụ huynh, một người quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, một người có những trải nghiệm nhất định trong công tác giảng dạy, tác giả Nguyễn Minh Hải cũng có sự quan tâm như nhiều người khác. Từ sự quan sát, lắng nghe, tìm hiểu, chiêm nghiệm, tác giả không cố gắng đi tìm cho được các đáp án. Trái lại, tác giả nhìn thấy, nêu lên một số câu chuyện, một số tình huống, một số vấn đề trong việc dạy, việc học nói riêng và trong hoạt động giáo dục nói chung, với những góp ý, đề xuất cụ thể qua cuốn sách dày hơn 200 trang.

Một cuốn sách nhiều ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Một cuốn sách nhiều ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

“Con em chúng ta học gì trong nhà trường?”, tưởng là câu hỏi đơn giản, hóa ra lại rất khó trả lời cho thấu đáo. Vấn đề là ngành giáo dục phải thực sự giải đáp câu hỏi đó với phụ huynh, chứ không phải chỉ khi nào phụ huynh hỏi đến thì mới loay hoay giải thích khái niệm “học văn”.

Có thể học được gì từ người thầy? Tác giả Nguyễn Minh Hải gợi ý về hình ảnh một người thầy nên có trong trường, trong lớp để có thể làm tốt chức trách của mình, đồng thời thuyết phục được cả người học lẫn phụ huynh, nhằm hướng tới mục tiêu “học lễ” của học sinh.

Nêu ra nhiều tình huống trong điều kiện hội nhập quốc tế và chuyển đổi số mạnh mẽ, tác giả Nguyễn Minh Hải cho rằng: “Sẽ rất sai lầm nếu cho rằng nhà giáo chỉ là người dạy chữ - theo nghĩa là người truyền đạt kiến thức. Dù đây là chức năng chủ yếu của nhà giáo nhưng bên cạnh đó, người thầy còn nhiều thiên chức khác như làm hình mẫu về đạo đức, lối sống, là người động viên, là người uốn nắn các lỗi lầm, khiếm khuyết của người học, là người giúp đỡ thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần cho người học trong một số điều kiện cụ thể nào đó. Nhà giáo chính là truyền cảm hứng cho học trò”.

Con em chúng ta học gì trong nhà trường hôm nay? Trước tiên là các em học tập những kiến thức được thầy cô truyền tải. Thêm nữa là các em còn học hỏi thêm phương pháp học tập hiệu quả. Điều thúc đẩy các em là học thêm phong cách, hình mẫu của người thầy chính là động lực cho các em học tập và phấn đấu trong những năm tháng học trò. Chính sự “thành nhân” của các trò là niềm tự hào của cha mẹ, thầy cô và nhà trường.

Xem thêm
Đàn ông toan tính không thể có hạnh phúc hôn nhân

Đàn ông toan tính chạy theo nhan sắc và tiền bạc, thì dù có khéo léo đến mấy cũng lộ ra khuôn mặt bội bạc và khó giữ mái ấm đích thực.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?