Nhận định nguyên nhân tôm hùm, cá biển bị chết
Sáng 21/5, Sở NN-PTNT Phú Yên đã có báo cáo về tình hình tôm hùm, cá biển nuôi lồng bị chết đột ngột với số lượng lớn tại Đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu.
Theo đó, qua khảo sát thực tế, Sở NN-PTNT Phú Yên đánh giá nguyên nhân gây ra tình trạng này là do mật độ lồng nuôi quá dày, môi trường nuôi xấu kết hợp với diễn biến thời tiết từ ngày 17 - 19/5 phức tạp, nắng nóng oi bức, xuất hiện mưa giông (vào tối 17/5 ) đã làm nước bị phân tầng, tăng áp suất tầng đáy, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ, làm tiêu hao hàm lượng oxy hòa tan trong nước, nhất là trong khoảng thời gian từ 0 - 3 giờ sáng.
Ngoài ra, có khả năng hàm lượng một số loại khí độc từ đáy đầm tăng đột ngột vượt ngưỡng (nước tại vùng nuôi có mùi thối nặng) cũng gây hiện tượng tôm hùm, cá bị chết.
Tuy nhiên, để xác định rõ nguyên nhân cụ thể, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành thu mẫu thủy sản để xét nghiệm bệnh và Chi cục Thủy sản tiến hành thu mẫu nước để xét nghiệm các chỉ tiêu môi trường.
Trước mắt, để hạn chế tình trạng thủy nuôi bị chết, Sở NN-PTNT Phú Yên đề nghị UBND thị xã Sông Cầu, Đông Hòa và huyện Tuy An chỉ đạo các xã, phường, người nuôi thủy sản tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung Sở NN-PTNT đã hướng dẫn tại Văn bản số 1214 ngày 07/5/2024 về việc tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa bão và hạn hán, xâm nhập mặn năm 2024.
Đồng thời tuyên truyền người dân không thả nuôi với mật độ dày, san thưa thủy sản nuôi, giãn khoảng cách lồng để tăng lưu thông nước, tránh hiện tượng bị thiếu oxy cục bộ tại lồng nuôi. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân không thả lại giống thủy sản nuôi trong thời gian này và xuất bán ngay thủy sản nuôi đã đủ kích cỡ thương phẩm, không giữ chờ giá vì tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài ra, thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe thủy sản nuôi, thu gom thức ăn thừa, vỏ lột, xác thủy sản chết đưa vào bờ xử lý theo quy định.
Đặc biệt lưu ý vào những ngày nắng nóng, người nuôi cần giảm 50 - 70% lượng thức ăn hàng ngày hoặc ngừng cho ăn, đồng thời tăng cường oxy cho thủy sản nuôi bằng phương pháp phù hợp. Chọn loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao kết hợp bổ sung vitamine C, khoáng chất, chế phẩm để tăng sức đề kháng của thuỷ sản nuôi trong giai đoạn thời tiết nắng nóng gay gắt, diễn biến thất thường.
Đề xuất Bộ NN-PTNT vào cuộc
Theo báo cáo của UBND thị xã Sông Cầu, tính đến 13 giờ ngày 20/5 trên khu vực đầm Cù Mông (xã Xuân Thịnh) đã có 160 hộ nuôi bị thiệt hại với hơn 61 tấn tôm hùm và 29,5 tấn cá biển các loại. Trong đó tại thôn Vịnh Hòa có 133 hộ bị ảnh hưởng với 1.334 lồng bị thiệt hại, chiếm tỷ lệ 35,6%); tại thôn Phú Dương có 27 hộ bị ảnh hưởng với 215 lồng bị thiệt hại, chiếm tỷ lệ 3,1%.
Ông Nguyễn Tri Phương cũng đề xuất UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III hỗ trợ tỉnh xác định nguyên nhân tôm hùm, cá biển nuôi bị chết.
Trong khi đó, dự báo trong những ngày tới, thời tiết còn diễn biến phức tạp, khả năng tôm hùm, cá biển nuôi tiếp tục xảy ra hiện tượng bị chết vì đã yếu, sốc trong mấy ngày qua.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Tri Phương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch số 229 ngày 30/10/2023 của UBND tỉnh về quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh năm 2024; kế hoạch số 238 ngày 9/11/2023 của UBND tỉnh Phú Yên về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2024.
Đối với UBND thị xã Sông Cầu, chỉ đạo các phòng, đơn vị hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi tổ chức thu gom và xử lý xác thủy sản chết theo đúng quy định, tuyệt đối không vứt thủy sản chết tại vùng nuôi. Đồng thời tiếp tục thống kê, báo cáo đầy đủ tình hình tôm hùm, cá nuôi bị thiệt hại tại đầm Cù Mông. Theo dõi chặt chẽ, kịp thời nắm thông tin tình hình tôm hùm, cá biển tại các vùng nuôi trên địa bàn để hướng dẫn, chỉ đạo xử lý kịp thời khi có tôm, cá chết bất thường.